1. Giám thị ký nhầm, thí sinh phải thi lại
29 thí sinh dự thi tại phòng thi M18 điểm thi Trường ĐH Yersin Đà Lạt thuộc cụm thi Trường ĐH Đà Lạt đã phải thi lại môn toán trong ngày 4/7.
Các thí sinh này thi lại do lỗi cán bộ coi thi ký nhầm, thay vì ký vào ô “cán bộ coi thi” thì giám thị ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi” trong bài thi môn toán (sáng 1/7).
Giám thị gọi tên thí sinh vào phòng thi chuẩn bị làm thủ tục thi môn sử tại điểm thi trường THPT Gia Định thuộc cụm thi ĐHQG. |
Đáng nói là giám thị 1 và giám thị 2 đều ký nhầm. Việc này không được phát hiện cho đến khi thí sinh làm quá nửa thời gian cho phép. Khi phát hiện lỗi trên, cán bộ coi thi đã phát lại giấy thi khác và yêu cầu thí sinh chép lại phần đã làm gây mất thời gian làm bài và ảnh hưởng đến kết quả thi.
Trong khi đó, một phòng thi tại cụm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM trong giờ thi môn toán, cán bộ coi thi cũng đã ký nhầm vào phần cán bộ chấm thi trên bài làm của thí sinh.
Tuy nhiên, do thí sinh đã làm bài được một khoảng thời gian nên hội đồng thi xử lý bằng cách cho thí sinh tiếp tục làm bài trên tờ giấy thi bị ký nhầm này mà không yêu cầu thí sinh phải viết lại trên tờ giấy khác. Sau buổi thi tất cả những bài thi này bị niêm phong để chấm tập thể, công khai.
2. Nhiều thí sinh quậy tại điểm thiNhiều thí sinh vi phạm quy chế thi đã đến điểm thi đòi được tiếp tục thi, bất hợp tác với giám thị, thậm chí còn chặn cửa không cho giám thị đi nộp bài thi và yêu cầu phải đưa biên bản cho mình.
Trước giờ thi môn địa lý sáng 3/7, tại điểm thi trường THCS Bình Tân thuộc cụm thi ĐH Y dược TP HCM một nhóm thí sinh tự do đã yêu cầu cán bộ coi thi cho vào phòng thi để thi. Tại điểm thi này trong buổi thi môn văn ngày 2/7 có 18 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng thi.
Theo quy chế các thí sinh này không được dự thi ở môn tiếp theo. Ngay khi sự việc xảy ra, điểm thi đã báo cáo chủ tịch hội đồng thi ĐH Y dược TP HCM. Lực lượng công an phường An Lạc và công an quận Bình Tân (TP HCM) đã có mặt kịp thời để xử lý vụ việc. Sự việc xảy ra trước giờ phát đề thi nên không ảnh hưởng đến thí sinh. Bộ GD-ĐT đã đề nghị cơ quan công an tăng cường lực lượng đến điểm thi này trong các buổi thi tiếp theo.
Cũng trong sáng 3/7 ở khu B ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM có một thí sinh bị khiển trách trừ 25% điểm vì lý do trao đổi với thí sinh ngồi cạnh bị giám thị nhắc hai lần mà vẫn tiếp tục. Cuối buổi thi, thí sinh này chặn cửa không cho giám thị đi nộp bài lên phòng hội đồng nếu không đưa biên bản kỷ luật cho thí sinh này. Cụm thi phải nhờ giám sát và công an can thiệp, giám thị mới về phòng hội đồng an toàn.
Tại cụm thi ĐH Bách khoa Hà Nội trong buổi thi môn Địa lý cũng có sáu thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi. Ba trong số sáu thí sinh sau khi bị giám thị phát hiện và lập biên bản kỷ luật đã không hợp tác và không chịu ký vào biên bản. Đây đều là các thí sinh tự do.
3. Thí sinh mang thiết bị lạ vào phòng thi
Trong giờ thi môn toán sáng 1/7, tại điểm thi trường THPT Sương Nguyệt Ánh thuộc cụm thi ĐH Y dược TP HCM đình chỉ một thí sinh do mang theo thiết bị (hội đồng thi đã niêm phong chưa rõ là thiết bị gì) nhưng có thể lưu trữ được dữ liệu và có thể thu phát thông tin.
Trong khi đó, tại cụm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM trước giờ thi môn toán cán bộ coi thi của cụm thi này phát hiện một thí sinh đeo đồng hồ “lạ” và đã yêu cầu thí sinh này để đồng hồ bên ngoài phòng thi.
4. Cán bộ coi thi mở đề trước giờ quy định
Tại phòng thi số 0243 điểm thi số 8 khu giảng đường A, ĐH Ngân hàng TP HCM (56 Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức, TP HCM) trong buổi thi môn văn, hai cán bộ coi thi phòng thi này là cán bộ của ĐH Ngân hàng TP HCM đã bóc đề trước năm phút so với giờ quy định (lúc 7h40).
“Theo giải trình của cán bộ coi thi do đồng hồ của cán bộ coi thi này sớm năm phút và không nghe theo hiệu lệnh của điểm thi nên dẫn đến sự cố này.
Tuy nhiên, sự việc đã được giám sát điểm thi phát hiện kịp thời và yêu cầu tất cả thí sinh trong phòng thi này úp đề thi lại chờ đến giờ mở đề chính thức. Tuyệt đối không có thí sinh nào làm bài trước giờ quy định”- ông Dũng khẳng định.
5. Thí sinh làm vào phần rọc phách
Tại cụm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, trong buổi thi môn toán cán bộ coi thi đã phát hiện một thí sinh làm bài vào phần rọc phách.
Theo quy chế, thí sinh phải làm lại bài thi của mình. Bài thi của thí sinh này được hội đồng thi đánh dấu lại để chấm riêng.
6. Nhiều thí sinh đang thi phải đưa đi cấp cứu
Tại nhiều cụm thi trên cả nước trong mấy ngày thi vừa qua, hàng chục thí sinh bị bệnh phải đưa đi cấp cứu.
Sau khi được chăm sóc y tế có thí sinh tiếp tục trở lại phòng thi để thi nhưng cũng có thí sinh không thể thi được.
Đáng chú ý thí sinh Đoàn Thị Quỳnh Như (quê Bình Dương) đã hai lần phải đưa đi cấp cứu khi đang thi.
Thí sinh này dự thi tại cụm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM nghi bị viêm ruột thừa đã được nhà trường đưa đi cấp cứu trong buổi thi môn toán đến giờ thi môn lý (chiều 2/7) lại tiếp tục tái phát cơn đau trong lúc làm bài thi lại phải đưa đi cấp cứu.
Sau đó, thí sinh vẫn cố gắng xin trở lại phòng thi để tiếp tục làm bài và đã được nhà trường bố trí phòng thi riêng.
7. Thí sinh bị giựt túi xách trước cửa phòng thiKết thúc giờ thi môn văn sáng 2/7, một thí sinh dự thi tại khu B, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM lấy túi xách ra về thì bất ngờ bị một thí sinh nam từ phòng thi khác nhào đến giựt túi xách bỏ chạy.
Do sự việc xảy ra quá bất ngờ trong lúc thí sinh ra về đông đúc thí sinh này không kịp tri hô và kẻ gian đã chạy thoát được.
Trước đó, cũng tại điểm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM một thí sinh sau khi thi xong phát hiện túi xách của mình có chứa điện thoại Iphone đã biến mất.
Theo cán bộ giám sát điểm thi, sau 2/3 thời gian thi đã có thí sinh được phép rời phòng thi, có thể thí sinh nào đó đã “cầm nhầm” túi xách của thí sinh này.
“Mặc dù hội đồng thi đều bố trí người quan sát khu vực để túi xách của thí sinh nhưng không thể biết đồ đạc của ai, nên khi thí sinh ra về cầm nhầm của nhau cũng không thể biết được. Vì thế, tôi khuyên các thí sinh khi đi thi không nên mang theo điện thoại di động, tư trang quý giá để tránh mất mác đáng tiếc xảy ra” – một giám sát điểm thi nói.
8. Mang máy trợ thở cá nhân đi thi
Đó là trường hợp của thí sinh L.M.Y (quê Bình Dương) dự thi tại điểm thi trung tâm ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM. Thí sinh này có tiền sử bị bệnh động kinh. Tối hôm trước ngày thi, thí sinh này bị lên cơn động kinh nên phải mang theo máy trợ thở cá nhân đi thi.
Tuy nhiên, giám thị yêu cầu thí sinh phải để máy trợ thở ở ngoài phòng thi. Ngay trong buổi thi đầu tiên môn toán thí sinh này tiếp tục lên cơn động kinh và đã được cán bộ y tế của hội đồng thi chăm sóc nên vẫn tiếp tục làm bài thi.
Tại buổi làm việc với hội đồng thi của trường chiều 1/7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu cho phép thí sinh này mang theo máy trợ thở cá nhân vào phòng thi để phòng ngừa trường hợp thí sinh này lên cơn động kinh trong lúc làm bài thi.
9. Thí sinh bị cướp
Trong buổi thi môn toán, tại cụm thi của ĐH Tôn Đức Thắng có đến bốn thí sinh trình báo bị mất hết giấy tờ tùy thân trong đó có thẻ dự thi. Trong số thí sinh này có ba thí sinh quê Bình Thuận và một thí sinh quê Long An.
Theo trình báo của thí sinh bị cướp giật. Sau khi xác minh thông tin, nhà trường đã đối chiếu với dữ liệu và hồ sơ gốc để giải quyết cho cấp lại thẻ dự thi cho các thí sinh này dự thi.
10. Nhiều phòng thi có duy nhất một thí sinh
Trong mấy ngày thi qua, tại nhiều cụm thi cả nước có nhiều phòng thi chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi. Đây là những thí sinh dự thi các môn thi có ít thí sinh, đặc biệt là môn Lịch Sử.
Những thí sinh đặc biệt
- Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có những thí sinh cao tuổi tham dự. Đó là thí sinh Hồ Ngọc Cảnh (ngụ xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) sinh năm 1945, đúng 70 tuổi. Ông Cảnh dự thi để quyết lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT. Đây đã là lần thứ ba ông dự thi THPT.
- Một thí sinh cao tuổi khác là ông Lê Tuấn Anh (60 tuổi, ngụ tại ấp Liên Đức, xã Xà Bang, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ông Tuấn Anh đăng ký dự ba môn văn - sử - địa để xét tuyển vào khoa Báo chí và truyền thông của ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐHQG TP HCM).
- Thí sinh Nguyễn Đình Phước (quê Tam Kỳ, Quảng Nam) dự thi tại điểm thi khu H, ĐH Bách khoa Đà Nẵng bị teo cơ từ nhỏ nên Phước chỉ cao 0,9 m và nặng chưa đầy 30 kg. Trong ngày thí sinh Nguyễn Đình Phước đến làm thủ tục dự thi, hội đồng thi ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã đưa thí sinh đi đo và chọn bàn ghế dự thi phù hợp với cơ thể của thí sinh này.
- Thí sinh Hoàng Thị Định (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) dự thi tại điểm thi ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) phải bệnh viêm đa khớp từ năm lớp 2, cơ thể không phát triển được nữa. Tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhưng cơ thể Định chỉ bằng một học sinh lớp 3. Thí sinh này cho biết sẽ xét tuyển vào ĐH Y dược - Thái Nguyên.
- Thí sinh Hà Ngọc Hương, học sinh THPT Long Mỹ (Hậu Giang) sinh năm 1997 cao 1,05 m dự thi tại cụm thi ĐH Cần Thơ. Từ năm học lớp 4 đến nay, cơ thể Hương không lớn lên được chút nào. Hương dự kiến đăng ký xét tuyển ngành công nghệ thực phẩm.