Học sinh cho biết, đề Lịch sử năm nay tăng cường câu hỏi mở, gánh nặng “học thuộc lòng” không còn làm khó các em.
Đề thi môn Lịch sử sáng 4/7. |
Thí sinh Lê Ngọc Trâm, học sinh THPT chuyên Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, đề thi năm nay dễ hơn năm trước. Thí sinh có thể dễ dàng vượt qua điểm trung bình.
Bạn Phùng Xuân Long (Vĩnh Phúc) cho biết, hết 2/3 thời gian, thí sinh trong phòng em ra gần hết. Trong phòng chỉ có 12 người. Đề bài có nhiều câu hỏi mở, chiếm tỷ lệ 50%.
"Đây là cách ra đề khá mới mẻ, vì thông thường chúng em luôn quan niệm học Sử là thuộc lòng. Để làm được những câu hỏi mở này, học sinh phải có sự làm quen từ trước, suy luận từ kiến thức đã học rút ra quan điểm cá nhân. Bên cạnh đó, học sinh phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp, viết lách sao cho lưu loát”, Long chia sẻ.
Phương Thảo – học sinh THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho biết: Em thích nhất câu hỏi về Hiệp đinh Giơ-ne-vơ. Mặc dù không đi học thêm môn Lịch sử nhưng em có thể hoàn thành bài thi này ở mức trung bình – khá. Cách ra đề này tạo điều kiện cho thí sinh.
Tinh thần yêu nước vào đề thi Lịch sử
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương – Giảng viên Đại học Thủ Đô Hà Nội (nguyên Tổ trưởng Tổ Lịch sử - THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, đề thi hay, phân hóa được học sinh, đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nội dung của đề thi nằm trong chương trình Lịch sử lớp 12, phần Lịch sử Việt Nam có liên hệ gắn với trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay.
Đề ra theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có nhiều ý gợi mở. Đề không yêu cầu thí sinh ghi nhớ máy móc mà trên cơ sở những sự kiện Lịch sử rút ra những nhận xét theo sự hiểu biết của bản thân thí sinh.
Phần Lịch sử thế giới, đề ra vào nội dung kinh tế Nhật Bản từ 1952 đến 1973 và yêu cầu thí sinh nêu nguyên nhân của sự phát triển đó. Nội dung này không yêu cầu học sinh liên hệ vì vậy những học sinh trung bình, học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa có thể đạt điểm tối đa.
Thầy Phạm Ngọc Thụ, giáo viên Lịch sử, trường THPT Anhxtanh Hà Nội, cho rằng, câu 1 khá dễ, giáo viên đã chú ý đến câu hỏi như thế này trong quá trình dạy học hay kiểm tra.
Câu 2: Đề bài cho sẵn dữ kiện, học sinh không phải nhớ hay học thuộc. Đây là điểm đổi mới so với các đề thi trước. Trên cơ sở các dữ kiện, học sinh cần tư duy để tìm câu trả lời. Vì thế, câu hỏi này có thể phân loại được học sinh.
Câu 3 quan trọng nhất của đề thi, đề cập việc xác lập chủ quyền và độc lập của dân tộc. Tuy là vấn đề không mới, đã được nhắc nhở thường xuyên nhưng cách hỏi mạnh mẽ, không khô cứng.
Câu 4: Đòi hỏi không chỉ biết kiến thức và tư duy lịch sử. Thí sinh cần nêu rõ và lý giải quan điểm của mình về nhận định được đưa ra trong đề thi. Đây là cách hỏi tương đối mới với đề thi lịch sử. Câu này là câu hỏi khó với thí sinh và học sinh dễ nhầm ở chỗ Hiệp định chia thành hai miền chứ không phải hai quốc gia.
Nhận định chung đây là đề thi hay vừa về dữ liệu lịch sử, vừa về cách hỏi. Tư tưởng về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bao trùm toàn bộ các câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Đề thi có cấu trúc rõ ràng, hợp lý và phân hóa, giúp đảm bảo việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Để làm tốt đề thi này, học sinh cần có phương pháp hơn là học thuộc. Học sinh trung bình có thể được 5 - 6 điểm. Học sinh học khá có thể được 7 - 8. Không dễ được 9 - 10.