Trong bảng xếp hạng 10 đại học hàng đầu thế giới về danh tiếng học thuật của Times Higher Education, Mỹ chiếm tới 8 trường. Hai trường còn lại ở Anh.
ĐH Harvard thành lập năm 1636, cái nôi đào tạo nhân tài của thế giới. Harvard dẫn đầu bảng xếp hạng các trường đại học danh tiếng nhất của Times Higher Education trong nhiều năm. 158 chủ nhân giải Nobel, 32 nguyên thủ quốc gia và 48 người giành giải Pulitzer từng theo học tại đây. Thư viện trung tâm của trường là một trong những thư viện hàn lâm lớn nhất thế giới với 18,9 triệu đầu sách. Ngoài ra, thư viện Pusey chứa bộ sưu tập bản đồ lâu đời nhất ở Mỹ. Ảnh: Getty.
Viện công nghệ Massachusetts tọa lạc tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Trường chuyên đào tạo khoa học và công nghệ. MIT đã đào tạo 93 chủ nhân giải thưởng Nobel. Rất nhiều phát minh khoa học và tiến bộ công nghệ là sản phẩm nghiên cứu của trường như tổng hợp hóa học penicillin đầu tiên, phát triển radar, bộ nhớ lõi nam châm và các ứng dụng máy tính số khác. Ảnh: MIT.
Stanford, khi mới thành lập năm 1891,là đại học cho phép cả nam lẫn nữ sinh tham gia, trong khi các trường khác chỉ nhận nam sinh. Đây là đại học có số giải thưởng về máy tính Turing Award nhiều nhất (18 giải); 17 phi hành gia và 30 tỷ phú từng là sinh viên của trường. Sinh viên của Stanford cũng là sáng lập viên của nhiều công ty nổi tiếng như Google, Nike, Instagram, Snapchat, Linkedin, và Yahoo. Ảnh: Stanford.
ĐH Cambridge là một trong những đại học danh giá và lâu đời nhất thế giới. Trường có 31 phân viện độc lập và 100 thư viện lớn bé khác nhau. Trong đó, nổi tiếng nhất là thư viện Wren, nơi lưu giữ bản thảo Winnie the Pooh - một trong những cuốn sổ tay của Isaac Newton - và những ấn bản đầu tiên cho các tác phẩm của Shakespeare. Cambridge nổi tiếng về đào tạo Toán học, giành được nhiều giải thưởng Fields. Ảnh: PA.
ĐH Oxford xếp vị trí thứ 5, đào tạo 30 lãnh đạo thế giới, 26 thủ tướng Anh, 26 chủ nhân giải thưởng Nobel và trên 120 chủ nhân huy chương Olympic. Tiêu chuẩn đầu vào của trường rất cao, sinh viên buộc phải có điểm số dẫn đầu, cũng như vượt qua phỏng vấn để được nhận vào trường. Những cựu sinh viên ưu tú gồm Stephen Hawking, J.R.R.Tolkien và Oscar Wilde... Điều đặc biệt, trường tọa lạc tại thành phố có dân số trẻ nhất nước Anh: 1/4 thành phố Oxford là sinh viên. Ảnh: Oxford.
ĐH California thành lập năm 1868 ở Berkeley, tọa lạc tại vịnh San Francisco với 37.000 sinh viên. Trường sở hữu 19 giải Nobel về Vật lý, Hóa học và Kinh tế. Sinh viên của trường giành 17 huy chương tại Thế vận hội Anh 2012. Những sinh viên thành danh gồm nhà báo và tiểu thuyết gia Jack London, diễn viên giành giải Oscar Gregory Peck, nguyên Thủ tướng và Tổng thống Pakistan Zulfikat Ali Bhutto, tác giả Joan Didion và nhà vô địch World Cup Alex Morgan. Ảnh: UCB.
ĐH Princeton thành lập từ năm 1746 với tên gọi College of New Jersey, thuộc nhóm Ivy League - các trường đại học danh giá nhất nước Mỹ. 98% sinh viên được cung cấp chỗ ở trong khuôn viên trường. Princeton cũng là đại học chuyên về nghiên cứu với 40 giải thưởng Nobel, 17 giải vàng Khoa học cấp quốc gia và 5 huy chương Nhân văn Quốc gia. Đây cũng là nơi hai Tổng thống Mỹ James Madison và Woodrow Wilson từng theo học và trở thành hiệu trưởng của trường trước khi tham gia chính trị. Một số cựu sinh viên nổi tiếng khác gồm Michelle Obama, diễn viên Jimmy Stewart và Brooke Shields, sáng lập viên Amazon Jeff Bezos và phi hành gia Apollo Pete Conrad. Ảnh: Washington Post.
ĐH Yale là ngôi trường Ivy League lâu đời thứ 3 ở Mỹ và là đại học cấp bằng tiến sĩ đầu tiên của nước này vào năm 1861. Sinh viên quốc tế chiếm 1/5 tổng số sinh viên và hơn một nửa người nhận học bổng và trợ cấp từ trường. Yale sở hữu quỹ tài trợ hơn 25 tỷ USD, là trường giàu thứ hai thế giới. Thư viện của Yale có quy mô lớn thứ 3 ở Mỹ với hơn 15 triệu đầu sách. 5 tổng thống và 2 bộ trưởng Ngoại giao Mỹ từng học ở đây, gồm William Howard Taft, Gerald Ford, George H.W.Bush, Bill Clinton và George W.Bush, Hillary Clinton, John Kerry. Sinh viên của Yale cũng giành 20 giải Nobel và 32 giải Pulitzer. Ảnh: Vox.
ĐH California (UCLA) ở Los Angeles là ngôi nhà của các giảng viên nổi tiếng thế giới, với 230 chuyên ngành đại học và sau đại học, hơn 20 chương trình học thuật được xếp hạng hàng đầu. Các dự án nghiên cứu đại học có từ năm thứ nhất. Hơn một nửa số sinh viên UCLA tốt nghiệp có kinh nghiệm nghiên cứu về các ngành Nhân văn, Khoa học Xã hội, Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Hơn 2.400 sinh viên tham gia 275 chương trình trao đổi tại 39 quốc gia mỗi năm. Nhiều sinh viên của trường thắng giải Oscar, Emmy, Tony và Quả cầu vàng như Francis Ford Coppola, Alexander Payne, John Williams, Tim Robbins. Ảnh: UCLA.
ĐH Chicago thành lập năm 1890, đã tạo dựng được cộng đồng trí thức suốt một thế kỷ qua. Các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên của trường giành 90 giải Nobel, 27 giải Pulitzer và 50 giải thưởng thiên tài MacArthur cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Trường có các trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh, Delhi, Hong Kong và Paris. Ảnh: Getty.
Hạnh phúc là gì và làm thế nào để đạt được hạnh phúc là nội dung của khóa học kéo dài 12 tuần sẽ được đưa vào giảng dạy từ tháng 9 tới tại Đại học Bristol (Anh).
Khoảng 550 người, mới đây, phải sơ tán khỏi thư viện của ĐH Canberra sau khi nghi ngờ tòa nhà bị rò rỉ khí ga. Sau đó, "mùi lạ" được xác định phát ra từ quả sầu riêng.