10 đế vương đánh trận nổi danh sử Việt, khiến ngoại bang kinh sợ
Thứ ba, 1/1/2019 14:10 (GMT+7)
14:10 1/1/2019
An Dương Vương được cho là khai sinh ra nghệ thuật chiến tranh du kích. Trên chiến trường, Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ có tiến, không lùi.
Dưới sự lãnh đạo của Thục Phán An Dương Vương (?- 208 TCN/179 TCN), người Việt đã đánh bại đội quân xâm lược nhà Tần - một trong những triều đại phong kiến mạnh của lịch sử Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định An Dương Vương chính là vị vua đã khai sinh ra nghệ thuật chiến tranh du kích ở nước ta.
Triệu Quang Phục (524-571) là tướng của Lý Nam Đế. Có tài cầm quân, ông được hoàng đế nhà Tiền Lý trao lại binh quyền trước khi qua đời. Triệu Quang Phục đã đánh đuổi đội quân xâm lược đông đảo của nhà Lương do tướng Trần Bá Tiên - người sau này lập nên nhà Trần ở Trung Quốc - chỉ huy. Bằng chiến thuật đánh du kích ở vùng sông nước Khoái Châu (Hưng Yên), Triệu Quang Phục giết viên tướng Dương Sàn, giành lại độc lập từ năm 545 đến 571.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư,Phùng Hưng (?-791) ở làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu, nay là Sơn Tây, Hà Nội. Ông vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ. Khoảng năm 766, Phùng Hưng cùng em trai là Phùng Hải nổi dậy chống lại ách thống trị của nhà Đường. Dưới sự chỉ huy của Phùng Hưng, nghĩa quân đã đánh bại kẻ thù xâm lược phương Bắc, khiến viên đô hộ phủ Cao Chính Bình sợ quá phát bệnh mà chết.
Ngô Quyền (897-944) cũng là người làng Đường Lâm. Ông có tài cầm quân, được chủ tướng Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái. Sau khi Dương Đình Nghệ qua đời, Ngô Quyền tiếp tục sự nghiệp của bố vợ. Ông đánh bại Kiều Công Tiễn và tiêu diệt 200.000 quân Nam Hán xâm lược do hoàng tử Lưu Hoằng Tháo chỉ huy. Theo sử sách, chỉ bằng một trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã khiến vua Nam Hán khiếp vía, bỏ mộng xâm chiếm nước ta. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là mốc son chói lọi trong sử Việt, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm.
Sau khi Ngô Quyền qua đời, đất nước lại vào thời kỳ loạn lạc, các sứ quân thi nhau chiếm cứ. Tình trạng nội chiến liên miên chỉ kết thúc khi Vạn thắng vương Đinh Bộ Lĩnh (924-979) xuất hiện. Sau khi Đinh Tiên Hoàng đánh bại 12 sứ quân, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối.
Lê Hoàn (941-1005) là một trong những vị vua trong sử Việt có tài năng trải đều ở các lĩnh vực như quân sự, chính trị, ngoại giao… Dưới thời ông, Đại Cồ Việt đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống năm 981, đặt nền móng ngoại giao cho nước Việt. Không chỉ khiến quân Chiêm Thành khiếp sợ, Lê Hoàn còn khiến triều đình phương Bắc nể phục.
Nhà Trần 3 lần đánh bại Mông - Nguyên, đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử. Chiến công đó mang đậm dấu ấn của những nhà cầm quân tài ba như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… Hậu thế cũng không thể quên vai trò của Trần Thánh Tông trong cả 3 cuộc chiến. Cụ thể, ông tham gia đánh giặc từ khi còn là hoàng tử Trần Hoảng trong cuộc chiến tranh chống quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258; thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông trong kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai và thứ ba vào các năm 1285, 1287-1288.
Xuất thân từ nông dân, Lê Lợi lãnh đạo quần hùng đánh đuổi quân Minh xâm lược, giành lại độc lập sau 20 năm bị xâm chiến. Chiến công lừng lẫy đó đã nói lên tài năng kiệt xuất của ông. Theo các tư liệu lịch sử còn lưu lại, trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh (1418-1427), Lê Lợi có nhiều quyết định quân sự sáng suốt, mang tính bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) có tước hiệu là Dương Quận Công, được người Đàng Trong gọi là chúa Hiền. Ông là con trai thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Lan và là vị chúa thứ tư của dòng họ Nguyễn. Ngay từ khi chưa nắm quyền, chúa Nguyễn Phúc Tần đã lập nhiều công trạng. Trong đó, chiến công hiển hách nhất của ông là đánh bại hạm đội trên biển của công ty Đông Ấn, Hà Lan năm Giáp Thân 1644. Đây được cho là lần đầu tiên người Việt đánh bại phương Tây trên biển.
Anh hùng áo vải Quang Trung xứng đáng là một trong những vị vua giỏi chiến trận nhất trong số các vua chúa nước Việt. Trên chiến trường, ông chỉ có tiến, không lùi. Với lối hành quân thần tốc, Quang Trung - Nguyễn Huệ từng khiến thù trong giặc ngoài khiếp sợ.