Ở Nhật Bản, các trường áp dụng phương châm "tiên học lễ, hậu học văn'. Học sinh không phải tham dự bất cứ kỳ thi nào trước khi học lớp 4. Các em chỉ phải làm các bài kiểm tra nhỏ. Họ tin rằng, mục tiêu quan trọng nhất trong 3 năm đầu là giúp trẻ em hình thành cách cư xử đúng đắn, phát triển nhân cách chứ chưa nặng về kiến thức. Trẻ được dạy phải tôn trọng người khác, thân thiện với động vật và môi trường. Các em cũng học cách sống rộng lượng, biết yêu thương, đồng cảm, kiên cường, tự chủ và công bằng. |
Trong khi hầu hết trường học trên thế giới khai giảng vào tháng 9, 10, trẻ em Nhật Bản bắt đầu năm học mới từ tháng 4. Đây là thời điểm hoa anh đào nở rộ, cảnh đẹp nhất trong năm. Năm học được chia làm 3 học kỳ: 1/4 - 20/7, 1/9 - 26/12, 7/1 - 25/3. Học sinh nước này nghỉ hè 6 tuần và có thêm kỳ nghỉ đông, xuân kéo dài hai tuần. |
Hầu hết trường học không thuê lao công, bảo vệ. Học sinh phải tự lau dọn lớp, nhà ăn và nhà vệ sinh. Các em được chia thành nhóm nhỏ, cùng nhau hoàn thành công việc và nhận đánh giá từ giáo viên. Các nhà giáo dục Nhật Bản tin rằng, việc này giúp học sinh hình thành kỹ năng làm việc nhóm, biết hỗ trợ lẫn nhau và tôn trọng công việc của bản thân, cũng như của người khác. |
Giáo dục Nhật Bản chú trọng việc đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Tại các trường trung học cơ sở và tiểu học công lập, bữa trưa được nấu theo thực đơn do các đầu bếp chuyên nghiệp và chuyên gia dinh dưỡng chuẩn bị. Học sinh mỗi lớp về phòng học, ăn cơm cùng giáo viên nhằm củng cố mối quan hệ thầy - trò. |
Sau giờ học, trẻ em Nhật Bản tham dự các trường dự bị hoặc trung tâm giảng dạy tư nhân. Những lớp học này diễn ra vào buổi chiều tối. Vì thế, học sinh thường trở về nhà rất muộn. Như vậy, các em học tại trường 8 tiếng mỗi ngày chưa tính học thêm hay học trong các kỳ nghỉ, cuối tuần. |
Ngoài các môn thông thường, học sinh Nhật Bản còn học thêm viết thư pháp và làm thơ Haiku - thể thơ nổi tiếng của người Nhật, sử dụng từ ngữ ngắn gọn để diễn tả nội dung, cảm xúc sâu sắc. Đây là cách người lớn dạy con em họ tôn trọng văn hóa, cũng như lịch sử lâu đời của dân tộc. |
Gần như tất cả học sinh Nhật Bản mặc đồng phục khi đến trường. Trong khi một số trường sử dụng đồng phục được thiết kế riêng, đồng phục các trường truyền thống thường bao gồm trang phục kiểu quân đội cho nam sinh và kiểu thủy thủ cho nữ sinh. Theo các nhà giáo dục, quy định mặc đồng phục được đưa ra nhằm xóa bỏ rào cản xã hội giữa các em, đồng thời tạo không khí học tập chuyên nghiệp. |
Trốn học là tình trạng thường xuyên diễn ra tại các trường học trên thế giới. Tuy nhiên, học sinh Nhật Bản hiếu học hơn hẳn. Các em ít khi trốn học hay đi muộn. Ngoài ra, 91% học sinh khẳng định, các em chưa bao giờ mất tập trung trong giờ học. |
Kết thúc trung học phổ thông, học sinh tham dự một cuộc thi duy nhất để quyết định tương lai. Mỗi em chọn một trường đại học. Những trường này đều đặt ra tiêu chí, điểm chuẩn tuyển sinh. Cuộc cạnh tranh này khá khốc liệt và chỉ khoảng 76% học sinh Nhật có thể tiếp tục học lên, sau khi tốt nghiệp trung học. |
Cuộc thi đại học được ví như "địa ngục". Tuy nhiên, vượt qua nó, giới trẻ nước này được tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời, khác hẳn những ngày tháng học tập vất vả trước đó. Ở Nhật Bản, người ta coi những năm học đại học là "kỳ nghỉ tuyệt vời nhất trong đời". |