Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khâm phục quyết tâm học tiếng Việt của nữ sinh Nhật Bản

Yêu thích tiếng Việt và quyết tâm thi vào ĐH Ngoại ngữ Kanda, cô gái Nhật Bản đã có bài hùng biện rất cảm động.

Trên các diễn đàn học ngoại ngữ của giới trẻ đang chia sẻ clip về bạn gái người Nhật nói về niềm say mê và quyết tâm học tiếng Việt.

Trong clip dài 3 phút, người xem có thể cảm nhận được sự hào hứng, yêu thích của cô gái với ngôn ngữ của đất nước hình chữ S.

Khâm phục quyết tâm học tiếng Việt của nữ sinh Nhật Bản Mộ cô gái người Nhật chia sẻ về niềm say mê tiếng Việt tại một cuộc thi hùng biện khiến dân mạng cảm động và tự hào về tiếng Việt- ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Clip được quay trong "Cuộc thi hùng biện tiếng Việt" của ĐH Ngoại ngữ Kanda, Tokyo, Nhật Bản. Nhân vật nữ nói trong video là sinh viên đang thực hiện phần thi của mình.

Nữ sinh chia sẻ, yêu thích tiếng Việt và quyết tâm thi vào ĐH Ngoại ngữ Kanda, nhưng bị trượt 2 lần. Không nản chí, cộng thêm sự ủng hộ, động viên từ gia đình, cô gái đã thực hiện được ước mơ của mình.

" ...Trên con đường tôi chọn, tôi sẽ hết lòng với công việc để thấy nụ cười của người khác. Giống như bố tôi say mê công việc của mình để thấy nụ cười của bệnh nhân. Một khi đã có niềm đam mê thì hãy giữ ngọn lửa đó đến cùng. Say mê điều gì đó và không bỏ cuộc, chắc chắn thành công sẽ mỉm cười với bạn", nữ sinh chia sẻ.

Trong chiếc áo dài đỏ truyền thống duyên dáng của Việt Nam, chất giọng lơ lớ của người nước ngoài học tiếng Việt, cô bạn đã truyền được cảm hứng học tập, niềm đam mê học tiếng Việt đến người nghe.

Clip đã được gần 150.000 người theo dõi, 5.000 người thích, 2.000 chia sẻ và 8.000 bình luận.

Thành viên Khoa Nguyễn bình luận: "Thấy yêu tiếng mẹ đẻ của mình hơn qua những câu nói của bạn. Tiếng Việt rất giàu và đẹp, các bạn trẻ hãy yêu quý và bảo vệ tiếng Việt nhé".

Phùng Trang viết: "Cảm ơn bạn đã lựa chọn ngôn ngữ của đất nước tôi. Phát âm còn chưa chuẩn nhưng bạn ngắt câu, lên trầm xuống bổng rất rõ ràng. Thật tuyệt vời khi bạn yêu tiếng Việt như thế".

Facebook Chan Tonbo cho biết, bạn đang học tiếng Nhật và và thấy tiếng Nhật rất khó, nhưng sau khi xem clip này, bạn thêm quyết tâm và vững tin sẽ chinh phục ngôn ngữ ấy hơn.

"Nếu bạn gái này có thể học được tiếng Việt, mình cũng học được tiếng Nhật. Cố lên nào tôi ơi!", Chan Tonbo hạ quyết tâm.

co gai nguoi Nhat noi tieng Viet anh 1

Các nữ sinh học tiếng Việt tại 

Đại học Quốc gia Kiev – Ucraina . Ảnh: Fb.

Trên thế giới, có nhiều đại học lớn thành lập khoa Việt Nam học, dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt. Nhiều sinh viên nước ngoài phải thừa nhận, tiếng Việt khó học vì cách đọc có dấu yêu cầu âm điệu, ngữ pháp rắc rối với nhiều trạng từ và tính từ. Không ít người đã phải bỏ cuộc khi học ngôn ngữ này.

Nhưng ngược lại, nhiều người với sự đam mê và kiên trì, vẫn quyết tâm chinh phục tiếng Việt dù "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", như cô bạn người Nhật ở clip trên.

Nhiều đại học trên thế giới đưa tiếng Việt vào giảng dạy

Tại Mỹ, nhiều trường đại học lớn đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy, như Đại học Houston, Đại học California, Đại học Yale, Đại học Oriental, Đại học Washington, Đại học Oregon...

Tại Canada, đại học giảng dạy tiếng Việt nổi tiếng nhất là Học viện Konrad.

Ở trung tâm châu Âu, trường dạy tiếng Việt lâu đời nhất là Đại học Prague, với ngành "hot" Dân tộc học Việt Nam. Đại học L'Orientale (Italia), Đại học Humboldt, Đại học Hamburg, Đại học Passau (Đức), Đại học Fulbright (Anh)... đều là các trường có ngành Việt Nam học.

Sinh viên Nga muốn nghiên cứu về tiếng Việt và Việt Nam học sẽ tìm đến Đại học Quốc gia Lomonosov.

Tại Nhật Bản, sinh viên đam mê tiếng Việt có thể tới học tại trường Đại học ngoại ngữ Tokyo. Còn ở Hàn Quốc là Đại học ngoại ngữ Hankuk. Thậm chí, Bộ Giáo dục ở xứ sở kim chi còn đưa môn tiếng Việt vào kỳ thi đại học của nước này.

Khoa Việt Nam học tại nhiều trường nổi tiếng thế giới

Nhiều đại học lớn trên thế giới thành lập khoa Việt Nam học, dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt. Không ít sinh viên học tiếng Việt đã đến đất nước hình chữ S và muốn sinh sống tại đây.


Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm