Olesya Trunova sinh năm 1995, quốc tịch Italia. Cô đã trải qua 2 năm học tiếng Việt tại khoa Việt Nam học, Đại học L'Orientale, thành phố Napoli, miền Nam nước Ý.
Tại trường, Olesya được học kiến thức cơ bản về xã hội và văn hoá Việt Nam, ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng tiếng Việt. Cô bạn đang tham gia nhóm biên soạn từ điển Việt - Ý.
Olesya Trunova không phải nữ sinh duy nhất học ngành Việt Nam học. Còn nhiều chàng trai, cô gái khác được học về văn hóa và con người Việt Nam ngay tại đất nước mình.
Một buổi thi vấn đáp môn Văn hóa Việt Nam tại
khoa Việt Nam học, Đại học Quốc gia Kiev – Ucraina |
Ngành Việt Nam học thu hút sinh viên
Olesya Trunova đang sống tại thành phố Kandy, Srilanka. Anh theo học ngành Việt Nam học tại Đại học Colombo. Nam sinh đã học tiếng Việt hơn 1 năm. Lúc đầu, Olesya nghĩ sẽ chỉ mất 3 tháng để nói giỏi tiếng Việt, nhưng càng học, anh càng phát hiện tiếng Việt "khó nhằn".
"Phát âm của mình không chuẩn lắm, ngữ điệu cũng chưa hay, nhưng rất may nói chuyện với các bạn Việt Nam, mọi người đều hiểu", Olesya tâm sự.
Thành phố Houston, bang Texas, Mỹ có hàng chục nghìn người nói tiếng Việt, bao gồm người Châu Á, Úc, Đông Âu và Bắc Mỹ. Đây là ngôn ngữ nước ngoài được nhiều người sử dụng thứ hai tại Houston (sau tiếng Tây Ban Nha).
Anis Smaali đang theo học khoa tiếng Việt tại Đại học Houston. Giáo viên của cậu là cô giáo người Việt. Cô cho sinh viên học về văn hóa Việt, lễ hội Việt. Thỉnh thoảng, cô còn mặc áo dài đến trường.
Anis chia sẻ: "Mình muốn đến Việt Nam. Tiếng Việt khó hơn bất cứ ngôn ngữ nào mình từng học nhưng rất hay vì khi nói cứ như đang hát một bản nhạc".
Khoa Việt Nam học tại các trường đại học ở Châu Âu, Châu Mỹ thường cùng chung chuyên ngành Châu Á, với tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái. Thời gian gần đây, ngành học về Châu Á tại Châu Âu và Châu Mỹ rất thu hút sinh viên. Ngành tiếng Việt cũng vậy.
Để thi được vào khoa Việt Nam học, sinh viên phải chọn trước khi vào trường. Tùy kỳ thi tuyển sinh vào đại học ở mỗi nước mà có những quy định xét tuyển khác nhau.
Tại Đức, sinh viên học một năm đại học dự bị, sau đó tham gia "Kỳ thi đánh giá chất lượng tương đương". Khi có điểm thi, sinh viên sẽ nộp vào khoa Việt Nam học.
Điểm vào ngành tiếng Việt thường không cao, nhưng sinh viên đánh giá chương trình học khó và phải kiên trì.
Sách tiếng Việt học tại Đại học Rennes Bretagne, Pháp. Ảnh: Ngân Giang. |
Pauline Orhan, sinh viên khoa tiếng Việt tại Đại học Rennes Bretagne, Pháp nhận xét, viết tiếng Việt không khó vì bảng chữ cái giống bảng chữ latin, các dấu dễ nhớ. "Nhưng đọc tiếng Việt rất khó. Các chữ cái đọc riêng lẻ, chứ không ghép như tiếng Pháp, không nối từ. Trạng từ và giới từ nhiều, khó phân biệt".
Muốn đến thăm Việt Nam
Sinh viên theo học ngành Việt Nam học đều có mong muốn một lần được đặt chân đến mảnh đất hình chữ S. Phần lớn các bạn đều học 1 hoặc 2 năm tại quê hương, rồi xin học bổng hoặc theo chương trình trao đổi tại Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại ngữ TP HCM.
Wilbi Torres học 1 năm ngành tiếng Việt tại Bakersfield College, Mỹ. Sau đó cậu học tại ĐH Hà Nội theo chương trình trao đổi. Wilbi được học tiếng Việt trực tiếp với giáo viên người Việt, trò chuyện với bạn người Việt Nam. Cuối tuần, nam sinh lại cùng nhóm bạn lên đường khám phá Hà Nội.
"Học tiếng Việt tại California không thể bằng tại chính Việt Nam. Phát âm và ngữ điệu của mình khá lên đáng kể sau 3 tháng sống tại Hà Nội", Wilbi hào hứng nói.
Nhiều sinh viên nước ngoài đến Việt Nam đều chọn ở lại đất nước hình chữ S. Năm 2015, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, Olesya Trunova bảo rất vui. Được tận mắt nhìn thấy vịnh Hạ Long, thắng cảnh Tràng An, cao nguyên đá Hà Giang, Olesya quyết định sẽ tìm việc tại Hà Nội, và định cư tại đây.
"Con người Việt Nam sống đơn giản và hiền lành. Đồ ăn ở Hà Nội hấp dẫn và rẻ. Mình dự kiến sẽ sống ở đây 2 năm tới", cô bạn quả quyết.
Theo thống kê của ĐH Hà Nội, 40% sinh viên nước ngoài của khoa tiếng Việt chọn ở lại Việt Nam, để tiếp tục học tiếng Việt và trau dồi ngữ âm, từ vựng tiếng Việt.
Các nữ sinh học tiếng Việt tại
Đại học Quốc gia Kiev – Ucraina . Ảnh: Fb. |
Pauline Orhan đã sống tại Hà Nội từ tháng 9/2015 đến nay. Cô bạn đang làm tại tập đoàn khách sạn InterContinental Hotels. Pauline cho hay công việc ở Việt Nam dễ tìm, lương đủ sống, con người và cuộc sống đơn giản, ít bon chen.
Cô Sophia Nguyễn đã dạy tiếng Việt tại khoa Việt Nam học tại Đại học Victoria, Austalia được 5 năm. Cô chia sẻ hầu như sinh viên của mình đều mong muốn được đến Việt Nam một lần để du lịch và làm việc.
"Hầu hết các bạn đã đến Việt Nam rồi đều lựa chọn sinh sống tại đó. Chúng tôi gọi vui đó là 'cơn lốc Việt Nam', nó cuốn các bạn trẻ đến và giữ các bạn ở lại đất nước chữ S", nữ giáo viên nói.
Nhiều đại học trên thế giới đưa tiếng Việt vào giảng dạy
Tại Mỹ, nhiều trường đại học lớn đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy, như Đại học Houston, Đại học California, Đại học Yale, Đại học Oriental, Đại học Washington, Đại học Oregon...
Một số trường có chương trình trao đổi sinh viên với các trường tại Việt Nam như Đại học Hobart and William Smith, Đại học Oriental, Đại học Washington...
Tại Canada, đại học giảng dạy tiếng Việt nổi tiếng nhất là Học viện Konrad.
Ở trung tâm châu Âu, trường dạy tiếng Việt lâu đời nhất là Đại học Prague, với ngành "hot" Dân tộc học Việt Nam. Đại học L'Orientale (Italia), Đại học Humboldt, Đại học Hamburg, Đại học Passau (Đức), Đại học Fulbright (Anh)... đều là các trường có ngành Việt Nam học.
Sinh viên Nga muốn nghiên cứu về tiếng Việt và Việt Nam học sẽ tìm đến Đại học Quốc gia Lomonosov.
Tại Nhật Bản, sinh viên đam mê tiếng Việt có thể tới học tại trường Đại học ngoại ngữ Tokyo. Còn ở Hàn Quốc là Đại học ngoại ngữ Hankuk.