Từ miền núi hoang vu của địa phương đến đặc sản theo mùa vùng sông nước, đầu bếp Chiếc thìa vàng tìm kiếm, khám phá hàng chục gia vị độc đáo, làm phong phú bản đồ ẩm thực Việt.
|
Cây ô môi được dùng ngâm rượu uống, quả đem nấu cao mềm uống làm thuốc kích thích tiêu hoá, nhuận tràng. Quả càng để lâu, chất lượng càng tăng, ăn ngon ngọt có hương vị đặc biệt. Nguyên liệu này được chế biến thành Sườn heo nấu rượu ô môi ăn kèm bánh mỳ (đội Thắng Lợi 1) và chè hạt ô môi (khách sạn Hòa Bình An Giang 1). |
|
Tàu bay thuộc nhóm rau rừng, học cúc Asteraceac, mọc ở đa dạng địa hình. Loại rau này có giá trị dinh dưỡng tốt, tuy nhiên ít chất sắt nên cần dùng kèm bí đỏ, rau muống. Theo y học dân gian, rau có vị đắng, tác dụng giải độc, se da, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu… Gia vị được quán 79 Gia Bảo chế biến thành món rau rừng vị tỏi Lý Sơn. |
|
Thùn mũn còn được gọi là cây chua meo, phi từ... Quả chín hái về xát sạch vỏ, phơi khô, khi dùng tán nhỏ. Vị lúc đầu ngọt sau chua và hơi tê tê. Gia vị này xuất hiện trong thực đơn của đội khách sạn Palace Vũng Tàu với món salad quả bơ, lá thùn mũn với thịt cua, trứng cá hồi sốt lá giấm. |
|
Cây cà ri có dạng bụi, cao khoảng 1-2 m, lá, quả, vỏ, rễ cây dùng làm gia vị, thực phẩm và thuốc. Theo y học Ấn Độ, lá cà ri là một loại thuốc bổ, tăng cường hoạt động của bao tử. Đội khách sạn Palace Vũng Tàu dùng gia vị này để chế biến món gà nhồi lá xương sông xốt quả cà ri tươi ăn kèm cơm cà ri. |
|
Lìm kìm là loại lá rừng, thân dây leo, mềm, nhỏ thường sống giữa các bụi cây thấp hay bờ rào. Mùa nắng, lá thiếu nước, khô quắt, nhỏ và đắng chát. Đến mùa mưa, lá tươi non mơn mởn, điểm vị chua nhẹ, giòn thơm. Gia vị này được KDL Bình Quới 1 giới thiệu trong món tôm tít sốt lá cay sưng ăn kèm xà lách lá lìm kìm củ hủ dừa. |
|
Cây duối thuộc họ dâu tằm, các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm, dùng đọt non tươi đem luộc chấm mắm hoặc thái ngắn, phơi khô rồi sao vàng để làm thuốc. Duối có vị đắng, chát, tính mát thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu và sát khuẩn. Với món tôm hấp lá duối trong thực đơn, đội Thắng Lợi 1 đã giành được giải nhất vòng sơ kết khu vực ĐBSCL. |
|
Cây mua thường mọc hoang ở vùng đồi núi miền Trung, thân, cành và lá có lông nhám màu nâu, mọc dày, sần sùi. Toàn bộ cây đều sử dụng làm thuốc, thanh nhiệt giải độc, lợi thấp tiêu thũng, hoạt huyết, tán ứ, giảm đau, cầm máu, tiêu viêm… Đội Sông Bé Golf Resort dùng nguyên liệu này để chế biến món gỏi lục bình hải sản với sốt mua tím. |
|
Cây bui còn được gọi là cỏ hôi, răng thỏ (vì thỏ rất thích ăn), thường mọc ở các mô đất, gò. Chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho biết đã có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng dược tính của loại cây này. Đầu bếp Lê Võ Anh Duy sử dụng lá bui đã được gia nhiệt để giảm đi phần tinh dầu (gây vị đắng nhẫn) rồi chế biến món ốc hoàng hậu gói lá bui ăn kèm nước mắm trái sả. |
|
Trái muối là gia vị chủ lực dùng kèm thịt trâu trong những dịp lễ trọng hoặc sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên. Cây thường cho trái vào mùa xuân, to cỡ hạt đậu xanh, trữ lâu chuyển qua màu nâu sậm, ăn vào có vị mằn mặn, pha chút chua nhẹ. Với sự chế biến khéo léo, đội 79 Gia Bảo đã dùng nguyên liệu này để thổi hương vị núi rừng vào các món cá chạch gai sốt hạt muối rừng ăn kèm ngũ vị lá và gà vườn nấu trái muối rừng ăn kèm bún tươi. |
Minh Long I
Chiếc thìa vàng
ẩm thực
đầu bếp
món ăn