Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 lần nhận đề cử Oscar của tác giả ‘My Heart Will Go On’

Nhà soạn nhạc qua đời sau một tai nạn rơi máy bay sáng 22/6. Nhưng gia tài âm nhạc mà người đàn ông 61 tuổi để lại cho khán giả là thực sự khổng lồ.

Sáng 22/6, một vụ tai nạn rơi máy bay đã cướp đi sinh mạng của James Horner, một trong những nhà biên soạn nhạc phim vĩ đại nhất mà Hollywood từng sản sinh ra. Trong suốt sự nghiệp, ông có tổng cộng 10 đề cử Oscar, với hai lần giành chiến thắng đều với siêu phẩm Titanic (1997) của đạo diễn James Cameron.

Tác giả 'My Heart Will Go On' qua đời vì rơi máy bay

Chiếc máy bay của James Horner gặp tai nạn thảm khốc ở miền Nam California, Mỹ, cướp đi sinh mạng của nhà soạn nhạc hàng đầu Hollywood.

Ông bắt đầu ghi dấu ấn tại Hollywood qua phần nhạc nền của Star Trek II: The Wrath of Khan (1982), rồi sau đó bắt đầu cộng tác thân thiết với James Cameron kể từ Aliens (1986). Trong suốt bốn thập kỷ qua, James Horner để lại nhiều phần nhạc nền đáng nhớ cho người hâm mộ.

Ca khúc Somewhere Out There trong An American Tail và nhạc nền Aliens (1986)

James Horner có đề cử đầu tiên nhờ tác phẩm hoạt hình An American Tail. Giai điệu Somewhere Out There trong phim, dưới sự thể hiện của Linda Ronstadt và James Ingram, tranh tài ở hạng mục Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc. Tuy nhiên, nó lại thất bại trước bản hit Take My Breath Away của bom tấn Top Gun.

Ngoài ra, cũng tại Oscar 1987, James Horner còn tranh tài ở hạng mục Nhạc nền xuất sắc với bộ phim khoa học viễn tưởng hành động Aliens của đạo diễn James Cameron.

Nhạc nền Field of Dreams (1989)

Bên cạnh đề cử Phim truyện xuất sắc, Field of Dreams còn dự tranh ở hạng mục Nhạc nền xuất sắc. Tuy tác phẩm mang đề tài bóng chày của tài tử Kevin Costner ra về tay trắng, những giai điệu trong phim luôn được đánh giá cao và là một điểm sáng lớn của bộ phim.

Nhạc nền Braveheart (1995)

Tác phẩm sử thi Braveheart trở nên bi hùng hơn gấp bội dưới phần nhạc nền được lồng ghép khéo léo tiếng kèn túi, mang đậm không khí xứ Scotland của James Horner. Đáng tiếc là trong số 5 giải Oscar bộ phim giành được, không có hạng mục Nhạc nền xuất sắc của James Horner.

Nhạc nền Apollo 13 (1995)

Trên thực tế, James Horner có đến hai đề cử tại Oscar 1996. Bên cạnh Braveheart, ông còn bộ phim khoa học viễn tưởng Apollo 13 của tài tử Tom Hanks. Điều đó khẳng định cho độ chín sự nghiệp, cũng như sự ghi nhận của giới phê bình dành cho nhà soạn nhạc. Tuy nhiên, thắng giải Nhạc nền xuất sắc năm đó lại là Luis Enriquez Bacalov với The Postman.

Nhạc nền Titanic (1997)

Tượng vàng Oscar không thể trốn tránh James Horner mãi. Trong số 11 giải thưởng mà siêu phẩm Titanic giành được hồi đầu năm 1998, ông có tên ở hai hạng mục: Nhạc nền xuất sắcCa khúc chủ đề trong phim xuất sắc (chia sẻ cùng người viết lời Will Jennings) với My Heart Will Go On. Cũng chính bản hit dưới sự trình bày của Céline Dion đã giúp album nhạc nền của Titanic bán được hơn 27 triệu bản trên toàn cầu.

Nhạc nền A Beautiful Mind (2001)

Bên cạnh James Cameron, James Horner còn thường xuyên cộng tác với một nhà làm phim nổi tiếng khác là Ron Howard. Tác phẩm tiểu sử xoay quanh nhà kinh tế học John Nash tiếp tục đem về cho nhà soạn nhạc một đề cử Oscar nữa trong đầu năm 2002. Tuy nhiên, ông chịu thất bại trước Howard Shore với bom tấn The Lord of the Rings: The Fellowship of the Ring.

Nhạc nền House of Sand and Fog (2003)

Bộ phim chính kịch nhận tổng cộng ba đề cử Oscar. Ngoài vinh dự dành cho James Horner, House of Sand and Fog còn đem đề cử đến cho Ben Kingsley và Shohreh Aghdashloo tại các hạng mục về diễn xuất. Song, không ai trong số họ được xướng tên chiến thắng tại Oscar 2004.

Avatar (2009)

Cái tên James Horner vắng bóng trong danh sách đề cử Oscar suốt 6 năm. Đầu năm 2010, ông trở lại với Avatar của James Cameron. Phần nhạc nền dành cho siêu bom tấn chịu thất bại trước Up của Michael Giacchino. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng những giai điệu mà James Horner sáng tác đã giúp cho bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại thêm phần đáng nhớ trong tâm trí khán giả.

Việt Phương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm