Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

10 lần trở thành F1 nhưng chưa mắc Covid-19

Liên tục tiếp xúc F0, thậm chí, một số trường hợp ăn, ngủ, sinh hoạt cùng người mắc Covid-19 nhưng vẫn không bị lây nhiễm.

Sau chuyến đi chơi 2 ngày một đêm cùng người bạn, gia đình P.T.H. (29 tuổi, Hà Nội) nhận được thông báo trở thành F1. Tuy vậy, H. không cảm thấy lo sợ, bởi đây đã là lần thứ 10 chị là F1.

Không quá lo lắng nếu mắc Covid-19

H. kể lần đầu tiên chị trở thành F1 là vào 12/2021. Thời điểm này, gia đình chị được yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày. "Lúc đó, tôi rất hoang mang, sợ hãi. Con gái 3 tuổi cũng là F1 khiến tôi càng lo lắng hơn", chị H. cho biết.

Chị đã mua rất nhiều thuốc bổ, thuốc điều trị Covid-19 để dự phòng. May mắn, cả gia đình đều ổn, không ai dương tính.

Khi hết thời gian cách ly, có kết quả xét nghiệm rRT-PCR âm tính, chị H. trở lại công ty làm việc bình thường. Không lâu sau, nơi làm việc bắt đầu phát hiện F0, chị cũng trực tiếp tiếp xúc và trở thành F1.

Người phụ nữ này lại thực hiện cách ly tại nhà. Đến nay, chị có tổng cộng 10 lần trở thành F1 do tiếp xúc gần đồng nghiệp mắc Covid-19.

nhieu lan la F1 nhung chua mac Covid-19 anh 1

Chị H. đã 10 lần trở thành F1. Ảnh: NVCC.

Những lần tiếp xúc gần sau, khi quy định cách ly được thay đổi, chị H. tự cách ly tại nhà 5 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ở 2-3 lần đầu, công ty chị đều cho nhân viên là F0, F1 xét nghiệm rRT-PCR. Sau đó, vì F0 quá nhiều, họ chỉ cần test nhanh, ai dương tính sẽ nghỉ tại nhà.

"Tôi đã quen với việc trở thành F1 và không còn lo lắng như trước đây nữa. Bạn bè, đồng nghiệp mắc Covid-19 khá nhiều, tôi có thể hỏi kinh nghiệm từ họ", chị H. nói.

Ở chung cư, 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh riêng nên việc cách ly cũng khá đơn giản với gia đình người phụ nữ này. Chị H. cho biết người bị cách ly sẽ sinh hoạt trong một phòng duy nhất, sử dụng bát đũa riêng và tự rửa.

Về việc mua thực phẩm, gia đình chị thường nhờ mẹ đẻ. Tuy nhiên, khó khăn nhất với chị là phải cách ly với em bé.

"Tuần trước, công ty rất nhiều F0, tôi tự cách ly với cả nhà. Ban ngày, mẹ sẽ trông cháu giúp, sinh hoạt ở nhà tôi. Tối đến, 2 bà cháu sẽ về nhà bà ngủ, trước khi tôi đi làm về. Người nhà vất vả hơn nhưng cũng yên tâm hơn", chị H. chia sẻ.

Sống chung với F0

Cũng giống như P.T.H., chị C.T.L., (31 tuổi, Hà Nội) từng tiếp xúc nhiều F0 nhưng chưa mắc Covid-19.

Theo chị L., chị không thấy sợ nếu bản thân mắc Covid-19 nhưng lo lắng nhiều cho cha mẹ của mình vì đã lớn tuổi. Người đầu tiên trong gia đình mắc Covid-19 là em trai, sau đó 5 ngày, cha mẹ chị L. cũng có kết quả dương tính với nCoV.

"Từ khi em trai mắc Covid-19, gia đình tôi đều nghiêm túc thực hiện cách ly, mỗi người một phòng nhưng cha mẹ tôi vẫn lây nhiễm. May mắn, mọi người đều chỉ bị nhẹ, sau vài ngày sức khỏe ổn định trở lại. Bản thân tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng mắc Covid-19 bất cứ khi nào", chị L. cho hay.

nhieu lan la F1 nhung chua mac Covid-19 anh 2

Chị C.T.L. cho biết từng tiếp xúc nhiều F0 nhưng chưa mắc Covid-19. Ảnh: NVCC.

N.Q.M. (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết mình từng 3 lần trở thành F1 chỉ trong một tháng. Chị đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nên cũng không quá lo lắng. Tất cả lần là F1, M. đều test rRT-PCR để kết quả chính xác nhất. Nhận được kết quả âm tính, M. cũng yên tâm hơn nhưng không quá chủ quan.

"Lần thứ 3 trở thành F1 là khi tôi sống chung nhà với 2 F0. Em họ tôi mắc đầu tiên và sau đó một tuần, em gái cũng '2 vạch'. Gia đình từng có người mắc Covid-19 nên tôi cũng có kinh nghiệm chăm sóc F0 tại nhà và tự bảo vệ bản thân", người phụ nữ 28 tuổi cho hay.

Ngay khi em họ test nhanh lên dương tính với nCoV, việc đầu tiên M. làm là cách ly 3 thành viên trong nhà ở 3 phòng khác nhau. F0 sẽ ở trong căn phòng có nhà vệ sinh. Sau đó, chị mua cồn (loại có đầu xịt) để khử khuẩn trong nhà, đặc biệt là các vị trí như tay nắm cửa, công tắc, lối đi...

Về sinh hoạt, chị để riêng một bộ bát đũa, cốc, bình nước, máy xông,... cho F0 dùng. Đến giờ ăn cơm, F0 sẽ để bát ra ngoài nhận đồ ăn, sau đó ăn xong sẽ tự rửa. Các đồ dùng cần thiết sẽ để trước cửa phòng rồi F0 mở cửa ra lấy.

Trước và sau mỗi lần F0 mở cửa, M. đều xịt cồn khử khuẩn khu vực trước cửa phòng. Các phòng trong nhà đều đóng kín, chỉ khi cần mới mở ra lấy đồ. Cô cũng cho biết mình hạn chế tiếp xúc các đồ dùng của F0, luôn đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.

"Sau một tuần, em gái tôi cũng trở thành F0. Cả tuần trước đó, tôi có sinh hoạt (ăn, ngủ cùng giường) cùng em do test nhanh vẫn âm tính. Tôi đã xác định tâm lý là nhiễm nCoV nhưng khi test nhanh vẫn một vạch. Lúc này, tôi cho 2 F0 ở chung phòng với nhau để tiện chăm sóc và lập tức thay hết ga giường, xịt khử khuẩn chăn gối", M. nói.

Bí quyết để trở thành "F1 bất tử"

Theo Q.M., từ trước đến nay, gia đình chị khá ý thức đến sức khỏe, trong mùa dịch càng cẩn trọng hơn. Mọi người trong gia đình đều duy trì việc tăng đề kháng từ hơn một năm nay. M. cũng thường xuyên tập thể thao nên sức khỏe ổn định, ít ốm vặt.

"Trong thời gian cách ly, cả 2 F0 và tôi đều bị ho rất nặng. Bên cạnh dùng thuốc ho, tôi thường xuyên uống chanh, gừng ngâm mật ong. Loại đồ uống này gia đình tự ngâm, trị ho và sát khuẩn họng tốt. Tôi không chú trọng vào dùng thuốc hay xông quá nhiều, chủ yếu bổ sung dinh dưỡng và giữ ấm cơ thể", M. chia sẻ.

nhieu lan la F1 nhung chua mac Covid-19 anh 3

M. cũng thường xuyên tập thể thao nên sức khỏe ổn định, ít ốm vặt. Ảnh: NVCC.

Với các loại thực phẩm được thông tin là tốt cho F0, F1, M. cho biết gia đình cũng sử dụng vừa phải chứ không ngay lập tức dùng quá nhiều.

"Nhiều người quen nói rằng ở cùng nhà với F0 thì trước sau gì cũng 'dính' nhưng với tôi tránh được lúc nào tốt lúc đấy. Nếu chưa mắc, tôi vẫn tuyệt đối tuân thủ phòng bệnh. Khi mắc có thể rất nhẹ nhưng di chứng hậu Covid-19 và hiện tại tỷ lệ tái nhiễm cũng khá cao", M. tâm sự.

Với C.T.L., chị cho rằng có thể bí quyết giúp mình trở thành "F1 bất tử" là thường xuyên tập luyện thể thao, duy trì nếp sinh hoạt khoa học như ăn đúng giờ và đủ bữa. Mỗi khi ăn uống ở ngoài, chị thường ăn thêm nhiều hoa quả hoặc uống nước ép.

"Ăn uống hay tắm gội tôi thường cắt thêm chanh, sả, gừng. Tôi cũng dùng những nguyên liệu này để đun nước xông phòng. Bên cạnh đó, tôi không thể thiếu khẩu trang và nước rửa tay mỗi khi ra ngoài. Khi số ca mắc ngày càng tăng cao, việc hẹn gặp bạn bè ở các quán xá cũng được hạn chế lại", chị L. chia sẻ với Zing.

Gia đình chị P.T.H. cũng có thói quen tập thể dục thường xuyên từ trước khi bắt đầu đại dịch. Bên cạnh đó, hàng ngày, gia đình chị đều súc miệng nước muối sau khi đánh răng và nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Về chế độ dinh dưỡng, cả nhà chị H. cũng tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, ổi. Chị H. cho rằng ăn uống đủ chất sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng, hạn chế khả năng lây nhiễm virus.

Những sai lầm khi điều trị Covid-19 cho trẻ

Thuốc chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong điều trị. Việc tập trung chăm sóc, quan tâm đến tâm lý của trẻ khi ốm, có một chế độ dinh dưỡng hợp lý mới thực sự giúp bé nhanh hồi phục.

Dịch Covid-19

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm