Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 lưu ý dành cho ứng viên khi phỏng vấn online

Hình thức phỏng vấn online tuy không mới nhưng có thể trở thành xu hướng tuyển dụng trong tương lai. Đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội vì Covid-19.

Covid-19 đã dạy chúng ta rằng mọi hoạt động đều có thể chuyển sang môi trường trực tuyến. Từ làm việc online, hội họp online, shopping online đến phỏng vấn xin việc.

Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, đây không phải là một hình thức quá mới mẻ. Ưu điểm của phỏng vấn online là rút ngắn thời gian di chuyển và khoảng cách địa lý của ứng viên và nhà tuyển dụng. Song, nhược điểm dễ thấy nhất là mọi trao đổi đều qua màn hình và âm thanh cuộc gọi, không có sự tương tác trực tiếp.

Nếu bạn sắp có một cuộc hẹn phỏng vấn qua mạng, sau đây là những điều bạn cần lưu ý để chuẩn bị tốt và xử lý tình huống suôn sẻ.

Trước buổi phỏng vấn

luu y khi phong van online anh 1

Ảnh: Artem Podrez/Pexels.

Xác nhận thông tin

Sau khi nhận được email thông báo thời gian phỏng vấn, nếu có nội dung nào chưa cụ thể, bạn nên trả lời email và xác nhận một lần nữa với nhà tuyển dụng. Đây là cách để hạn chế những hiểu lầm đáng tiếc, đồng thời bày tỏ cho bên tuyển dụng thấy bạn thật sự nghiêm túc với vị trí ứng tuyển.

Forbes gợi ý bạn nên nắm những thông tin gồm thời lượng cuộc phỏng vấn, ứng dụng sẽ sử dụng, số lượng người phỏng vấn ở phía công ty, hồ sơ bạn cần chuẩn bị.

Làm quen với nền tảng và thiết bị

Nếu đây là lần đầu tiên bạn phỏng vấn trực tuyến, hãy đảm bảo bạn biết đã tải sẵn và biết cách thao tác trên nền tảng mà nhà quản lý dùng như Zoom, Zalo, Google Meet, Skype, Microsoft Teams, cả trên điện thoại và máy tính.

Ngoài ra, bạn nên kiểm tra trước webcam, microphone, đường truyền. Âm thanh từ tai nghe sẽ ít tạp âm hơn so với loa ngoài. Ưu tiên sử dụng máy tính bàn hoặc laptop thay vì điện thoại.

"Hãy kiểm tra âm thanh và hình ảnh trước ngày phỏng vấn", chuyên gia tư vấn tuyển dụng Latesha Byrd nói với Cosmopolitan, "bạn cũng nên ghi chú số điện thoại hoặc email nhà tuyển dụng để thông báo với họ trong trường hợp mất kết nối giữa chừng".

Đặt tên thật và thay ảnh đại diện

Thông thường, tên hiển thị mặc định trên các ứng dụng họp online sẽ là email của bạn hoặc một dãy số.

Để thể hiện mình là người chuyên nghiệp, bạn nên thay tên thật của mình và chọn ảnh đại diện đẹp, nét và thể hiện rõ tính cách của bạn nhất. Tốt nhất là dùng ảnh giống với CV, không dùng ảnh selfie, ảnh con mèo nhà bạn hay ảnh chụp nhóm.

Sắp xếp vị trí ngồi

Bạn chắc chắn không muốn nhà tuyển dụng nhìn thấy chiếc chăn chưa xếp trên giường hoặc bị người thân gọi tên trong lúc đang phỏng vấn. Do đó, hãy chuẩn bị thời gian và không gian chuyên nghiệp nhất có thể.

"Đừng ngồi ở nơi có quá nhiều đồ dùng gây phân tâm phía sau. Lưu ý chọn vị trí có ánh sáng tự nhiên, rõ ràng để ngoại hình bạn xuất hiện một cách tự tin nhất", Byrd nói.

Tập luyện

Mọi cuộc phỏng vấn, dù online hay offline, đều sẽ suôn sẻ hơn nếu bạn có sự tự tin. Và sự tự tin đó đến từ các bước tập luyện từ trước.

Do đó, bạn có thể tận dụng 1-2 ngày trước hôm phỏng vấn để thực hành trả lời các câu hỏi căn bản như giới thiệu bản thân, kinh nghiệm trong công việc, lý do muốn ứng tuyển. Đồng thời chuẩn bị một số câu hỏi của bạn liên quan đến công ty và vị trí ứng tuyển.

Chú ý điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể, tone giọng, biểu cảm khuôn mặt phù hợp. Qua màn hình máy tính, bạn không có nhiều cơ hội để giải thích cho các hành động vô thức của mình.

Trong lúc phỏng vấn

luu y khi phong van online anh 2

Ảnh: Anna Shvets/Pexels.

Đừng trễ hẹn và đổ lỗi

Không một nhà tuyển dụng nào đánh giá cao ứng viên đến trễ giờ, ngay cả với phỏng vấn online. Hãy luôn có mặt trước màn hình khoảng 15 phút trước giờ hẹn.

Kiểm tra lại một lần nữa phần audio và webcam. Bạn có thể nhờ bạn bè gọi trước để chắc rằng giọng bạn hoàn toàn dễ nghe.

Trong trường hợp trễ giờ vì một lý do bất đắc dĩ, hãy xin lỗi chân thành, không đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài vì điều này chỉ ảnh hưởng đến việc đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn.

Giữ hình ảnh đẹp xuyên suốt

Trang The Muse liệt kê checklist để bạn kiểm soát hình ảnh của mình suốt thời gian phỏng vấn:

  • Chọn bộ quần áo lịch sự như đi phỏng vấn trực tiếp, thậm chí mang giày. Có thể bạn nghĩ người ở bên kia màn hình không nhìn thấy chiếc quần nỉ bạn mặc. Nhưng sự tươm tất từ đầu đến chân sẽ tạo tâm lý thoải mái và nghiêm túc hơn khi bạn giao tiếp.
  • Trang điểm nhưng không quá đậm
  • Đừng ngồi quá gần màn hình. Bạn nên giữ khoảng cách vừa đủ để nhà tuyển dụng thấy rõ mặt và vai cùng 10-20% khoảng trống trên đầu
  • Ngồi thẳng lưng, luôn mỉm cười và thi thoảng gật đầu để thể hiện sự tập trung

Tận dụng cơ hội thể hiện kỹ năng

Có 3 lợi thế phỏng vấn online cho bạn, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19: thể hiện kỹ năng tương tác với màn hình, thái độ khi làm việc từ xa, cách bạn cân bằng công việc và cuộc sống giữa lúc giãn cách.

"Nếu bạn đã tận dụng thời gian trống ở nhà để học thêm các khóa học online, tập nấu món ăn mới hay làm các việc freelance liên quan, hãy nói cho nhà tuyển dụng biết vì điều này ấn tượng họ", theo Eliot Kaplan, nguyên phó phòng tuyển dụng tạp chí Hearst, New York, Mỹ.

Cũng đừng quên chuẩn bị giấy bút để ghi chú các câu hỏi của nhà tuyển dụng và trả lời rành mạch.

Sau phỏng vấn

luu y khi phong van online anh 3

Ảnh: RODNAE Productions/Pexels.

Gửi email cảm ơn

Tương tự với phỏng vấn trực tiếp, sau khi tắt máy, bạn nên ngay lập tức gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng vì thời gian họ dành cho bạn.

Theo The New York Times, bí quyết là hãy trình bày thật cụ thể những vấn đề đã đề cập trong buổi phỏng vấn, điều gì làm bạn được truyền cảm hứng, bạn học được điều gì về công ty và công việc.

Hãy nêu trực tiếp tên người phỏng vấn bạn trong thư cảm ơn. Nếu bạn chỉ có email của bộ phận nhân sự nói chung, nhờ họ chuyển lời đến "anh A", "chị B" đã trò chuyện với bạn.

Rút kinh nghiệm cho lần sau

Sau cuộc phỏng vấn online, bạn có thể liệt kê những điều bản thân chưa tốt. Ví dụ như giọng còn run rẩy, quên tắt chuông điện thoại, laptop yếu pin giữa chừng, khát nước,...

Dù được nhận việc hay không, hãy xem mỗi lần phỏng vấn là dịp để bạn nhìn lại bản thân và rút kinh nghiệm cho lần sau tốt hơn.

Thiên Hân

Bạn có thể quan tâm