10 lưu ý giúp phụ huynh chấm dứt cơn đau đầu 'bài tập về nhà'
Thứ bảy, 26/1/2019 08:00 (GMT+7)
08:00 26/1/2019
Nhiều phụ huynh quan tâm thái quá và không đúng cách việc học của con. Nó không những không giúp trẻ học tốt hơn mà còn khiến mối quan hệ hai bên căng thẳng.
1. Không làm bài hộ con: Phụ huynh không nên làm hộ bài tập hay đọc đáp án cho con chép. Họ nên để con tự làm bài từ năm 7 tuổi, chỉ giúp phát hiện lỗi sai và hướng dẫn ở những bài khó.
2. Dạy con học: Mới vào học, trẻ chắc chắn sẽ bối rối, không biết làm bài tập như thế nào. Lúc này, phụ huynh cần hướng dẫn con cách làm, để trẻ nắm được thứ tự làm bài, cách sử dụng tài liệu tham khảo. Sau đó, họ cần để con tự hoàn thành bài tập.
3. Cho con có góc học tập riêng: Nơi học ảnh hưởng lớn tới hiệu quả làm bài của trẻ. Nơi này cần đủ sáng, không có các vật dụng linh tinh, gây mất tập trung, sắp xếp sách vở gọn gàng. Phụ huynh không nên để em nhỏ quấy anh, chị làm bài tập.
4. Dạy con khái niệm thời gian: Nhiều trẻ không có khái niệm thời gian, không biết bao nhiêu giờ đã qua và họ còn bao lâu nữa để làm bài. Cha mẹ nên dạy con cách dùng đồng hồ để đo thời gian ăn, chơi, xem hoạt hình. Nhờ vậy, cha mẹ dễ dàng giải thích để con hiểu cần bao nhiêu thời gian để làm xong bài tập.
5. Dạy trẻ thứ tự làm bài: Cha mẹ cần hướng dẫn con biết sắp xếp công việc. Khi làm bài, trẻ cần xác định được khối lượng bài tập, hiểu được bao nhiêu bài, phần nào nào mất nhiều thời gian hơn, câu nào tự làm được, chỗ nào cần người lớn trợ giúp. Dạy con điều này không chỉ giúp trẻ hoàn thành tốt bài tập về nhà, mà còn phân bố thời gian hợp lý khi làm bài thi.
6. Khuyến khích con: Cha mẹ nên động viên con học bài và khen ngợi khi chúng đạt điểm tốt. Họ cũng có thể đặt ra bảng nhiệm vụ và phần thưởng tương ứng để trẻ có thêm động lực.
7. Dạy con biết đặt câu hỏi: Trong quá trình học, trẻ cần sự trợ giúp của người lớn. Cha mẹ, thầy cô nên dạy trẻ biết lên tiếng nhờ giáo viên trợ giúp hay đặt câu hỏi và truyền đạt suy nghĩ của mình tới người khác.
8. Giúp con kết bạn: Mối quan hệ với bạn cùng lớp rất quan trọng với trẻ. Nó giúp chúng tự tin và học tốt hơn. Người lớn nên tranh thủ hỗ trợ con kết bạn bằng cách mời bạn học của chúng về nhà hoặc rủ các bậc phụ huynh trong lớp tổ chức cho trẻ đi chơi chung.
9. Không đặt nặng thành tích: Cha mẹ không nên quá chú trọng kết quả học tập của con. Đó không phải là điều duy nhất hay quan trọng nhất trong mối quan hệ hai bên. Phụ huynh cần quan tâm sở thích, cảm xúc, mong muốn, bạn bè của trẻ. Họ không nên tìm cách kiểm soát việc con đi học mà nên bày tỏ sự quan tâm, lắng nghe và sẵn sàng trợ giúp để chúng dễ dàng tâm sự về tình hình ở trường.
10. Hiểu rõ điểm số không quyết định thành công: Bố mẹ thường lo con học kém sẽ không thể thành công trong tương lai. Tuy nhiên, điểm kém không có nghĩa trẻ lười biếng, dốt nát, vô trách nhiệm. Chúng chỉ cho thấy vì lý do nào đó, trẻ không muốn học hoặc chương trình học quá khó so với khả năng của trẻ.
Mỗi người cần luôn tìm cách vượt qua bản thân, lắng nghe sự khác biệt để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số, GS Michael Puett (ĐH Harvard, Mỹ) chia sẻ.