Chiều 11/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục đã nhận được thông tin phản hồi từ phía Đài Loan liên quan đến 4 lô đũa sử dụng một lần của Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan có chứa biphenyl (0.22 ppm) và hydrogen peroxide gây phá hủy phổi, dạ dày và tuyến tụy theo đề nghị của Việt Nam từ ngày 8/11.
Tuy nhiên, hiện phía Đài Loan mới chỉ cung cấp tên 4 công ty tại Đài Loan nhập khẩu số đũa nói trên gồm công ty WeiTing, Jiang Tai, Ma Er Si và GuangMing.
Do đó, ngay trong chiều nay, Cục An toàn thực phẩm đã tiếp tục gửi công văn đề nghị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan cung cấp chi tiết tên, địa chỉ công ty của Việt Nam xuất khẩu đũa một lần vào Đài Loan để có cơ sở tiến hành các biện pháp quản lý cần thiết.
Ông Phong cũng cho biết, trong khi chờ phản hồi, ngay trong ngày 10/1, Cục ATTP đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy các mẫu đũa dùng một lần trên thị trường để kiểm nghiệm các chất tẩy trắng. Kết quả cho thấy cả 10 mẫu đũa lấy trên thị trường đều âm tính với chất tẩy trắng.
Trước đó, cách đây vài ngày trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế Đài Loan mới đây có thông báo kết quả hoạt động lấy mẫu và kiểm nghiệm đối với sản phẩm đũa dùng một lần năm 2015 tại Đài Loan. Các chỉ tiêu được lựa chọn để kiểm tra là hàm lượng dioxide, biphenyl và hydrogen dioxide.
![]() |
10 mẫu đũa dùng 1 lần trên thị trường được kiểm nghiệm cho kết quả âm tính với chất tẩy trắng. |
Theo đó, trong 250 mẫu đũa dùng một lần được kiểm tra tất cả đều đạt tiêu chuẩn về hàm lượng dioxide. Tuy nhiên, có 1 mẫu phát hiện có chứa chất biphenyl (0.22 ppm) và 3 mẫu khác có chứa chất hydrogen peroxide và tất cả đều có nguồn gốc từ Việt Nam. Thậm chí có trang trích nguồn chuyên gia cho rằng những chất này có thể phá hủy dà dày, phổi, tụy.
Phản hồi về thông tin này, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết đây mới là thông tin một phía từ trang web của Đài Loan, thông tin chưa chính thức nên chưa thể kết luận điều gì. Ngày 8/1, Cục đã liên hệ ngay với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin chi tiết của các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm đũa xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn như phản ánh để tiến hành kiểm tra, giám sát tiếp và xử lý nếu có vi phạm.
Ông Phong cũng cho biết thêm, trước đó vào năm 2013, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng đã từng lấy 20 mẫu đũa tre dùng một lần và 5 mẫu tăm tre trên thị trường để giám sát các chất bảo quản và tẩy trắng thường dùng nhưng kết quả cũng không phát hiện các chất này. Ông Phong cho biết, đũa dùng một lần có thể dùng chất chống mốc, kháng khuẩn để bảo quản nhưng phải trong danh mục và hàm lượng cho phép.