Trịnh Xuân Kỷ sinh ra ở một vùng quê nghèo của Nghệ An. Trong khi bạn bè đồng trang lứa còn đang say mê trên ghế nhà trường, năm 14 tuổi, cậu đã phải xa quê ra Hà Nội làm giúp việc ở các nhà bếp để mưu sinh. Từ những công việc đơn giản như nhặt rau, lau dọn, rửa bát.., tình yêu với gian bếp trong Kỷ lớn dần. Sau gần 10 năm làm việc và học tập ở nhiều nhà hàng từ Bắc chí Nam, may mắn đã mỉm cười với chàng trai trẻ khi lọt vào vòng Bán kết cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp Chiếc thìa vàng 2015.
Năm nay, Xuân Kỷ tiếp tục trở lại sân chơi này với mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu rộng rãi hơn nữa những nguyên liệu, gia vị đặc biệt của quê hương mình.
- Vì sao anh biết đến chương trình Chiếc thìa vàng và tham dự sân chơi này?
- Năm ngoái, sau khi đọc được thông tin trên Internet, bạn bè cùng nhà hàng nói với tôi rằng Chiếc thìa vàng là chương trình ẩm thực rất chuyên nghiệp, giải thưởng hấp dẫn. Phần vì tò mò, phần vì muốn thử sức mình, học hỏi từ các đồng nghiệp khác nên tôi và một số bạn nữa họp thành một đội để đăng ký tham dự. Thật may mắn là đội tôi đã lọt vào tới vòng Bán kết của chương trình này.
- Điều anh tâm đắc nhất ở cuộc thi năm ngoái là gì?
- Chúng tôi rất thích chủ đề “Hành trình gia vị Việt”. Làm việc ở Kon Tum, tôi được biết và thử rất nhiều gia vị lạ của Tây Nguyên nhưng chưa có nhiều dịp ứng dụng và quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết. Chương trình đã giúp tôi làm được điều này. Những món ăn địa phương như mây đắng Gia Rai - chả trứng kiến, tôm sú cuộn kiến vàng, dê núi sốt cam, trứng kiến vàng ăn kèm bánh mì, chè hạt ư… được các giám khảo đánh giá cao làm chúng tôi rất vui và hạnh phúc.
- Năm nay, cuộc thi vẫn tiếp tục hướng đến sự giàu có và phong phú của gia vị Việt. Anh có sợ mình bị “hết bài” nếu tiếp tục tham gia?
- Tôi vẫn tiếp tục tham gia mùa giải năm nay bởi vẫn còn rất nhiều loại gia vị dân gian độc đáo chưa được ứng dụng rộng rãi trong nhà bếp. Nếu như năm ngoái tôi hướng đến ẩm thực Tây Nguyên thì năm nay, các gia vị ở quê nhà Nghệ An và các dân tộc thiểu số sẽ được tôi tìm kiếm và đưa vào bài thi của mình. Hy vọng các món ăn sẽ được đón nhận và phổ biến rộng rãi hơn nữa.
Trịnh Xuân Kỷ (ngoài cùng bên trái) tại cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015. |
- Từng tham gia Chiếc thìa vàng và lọt vào các vòng thi quan trọng, anh có kinh nghiệm nào để chia sẻ với các thí sinh mới?
- Ngoài niềm tình yêu với ẩm thực, sự đam mê tìm hiểu và sáng tạo là những yếu tố được đánh giá cao ở chương trình này. Bên cạnh đó, để nâng tầm ẩm thực Việt, các bạn cũng cần phải chú trọng đến cách chế biến, bài trí sao cho hấp dẫn.
- Ở cuộc thi năm ngoái, anh gây ấn tượng với các giám khảo bởi cách xử lý nguyên liệu rất thuần thục và chuyên nghiệp. Từ đâu anh có lợi thế này?
- Có lẽ vì tôi có kinh nghiệm làm bếp nhiều năm. Sinh ra trong một gia đình không khá giả ở Nghệ An, lúc mới 6 tuổi, tôi đã có thể phụ bố mẹ nấu cơm mỗi ngày. Năm 14 tuổi, vì điều kiện kinh tế khó khăn, tôi ra Hà Nội xin làm phụ bếp ở một cửa hàng nhỏ. 2 tháng chăm chỉ lau dọn, nhặt rau, rửa bát…, tôi được cho lên đứng bếp.
Tình yêu dành cho ẩm thực đến với tôi từ những ngày khó khăn đó. Tôi có xin người bếp trưởng được học nghề nhưng bị từ chối. Vậy nên hàng ngày, sau giờ làm việc ở cửa hàng, tôi thường tự mua các nguyên liệu đơn giản về tự nấu ở phòng trọ. Có những món ban đầu làm rất dở nhưng sau vài lần, tôi đều có thể thực hiện được. Một thời gian sau, tôi may mắn gặp được một bếp trưởng đồng hương và ông đã nhận dạy thêm cho tôi.
Món
rau dớn tôm - đặc sản Tây Nguyên mà Xuân Kỷ từng giới thiệu tại Chiếc thìa vàng. |
- Trong số các món, anh cảm thấy tự tin nhất ở mảng nào?
- Năm 16 tuổi, tôi vào làm việc ở một nhà hàng ở Đà Nẵng, rồi tới năm 2014 thì vào Tây Nguyên. Bởi vậy, tôi có thể làm được nhiều món ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng tự tin nhất vẫn là các món rừng và biển. Tôi nghĩ sống lâu ở đâu, mình sẽ hiểu được ẩm thực và văn hóa của nơi đó và cho ra đời những món chuẩn vị nhất.
- Là một đầu bếp 9X, theo anh người làm bếp trẻ có những ưu và nhược điểm gì?
- Tôi thấy người trẻ có ưu điểm là nhanh nhẹn, cập nhật tốt những xu hướng thịnh hành trên thế giới. Bản thân tôi rất hay lên Internet để xem các chương trình ẩm thực nước ngoài, xem và tập theo cách chế biến, bài trí của họ. Tuy nhiên, vì còn trẻ nên vốn kinh nghiệm của tôi còn rất ít. Đó là điều tôi cần học hỏi từ các thế hệ đi trước. Cuộc thi Chiếc thìa vàng với sự giam gia của giám khảo là các chuyên gia ẩm thực như Bùi Thị Sương, Chiêm Thành Long… đã cho tôi nhiều lời khuyên thực sự bổ ích. Đó cũng là lý do tôi quyết định trở lại sân chơi này.