Trở về nhà khi trời đã sẩm tối, chị L.N., 24 tuổi, trú tại TP.HCM, vừa kết thúc một ngày lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân khắp thành phố trong bộ trang phục bảo hộ màu xanh dương quen thuộc. Hình ảnh mái tóc đẫm mồ hôi cùng ánh mắt thẫn thờ do thấm mệt của chị đã trở nên quen thuộc với gia đình.
Do đặc thù công việc trong mùa dịch, như thường lệ, sau khi tắm rửa sạch sẽ, N. tự lấy mẫu test nhanh cho bản thân và mẹ để đảm bảo sớm phát hiện virus, tránh ảnh hưởng tới cộng đồng.
Tối nay, chị thẫn thờ khi nhìn kết quả trên thiết bị test nhanh của mẹ, bà N.H. (48 tuổi) dương tính với SARS-CoV-2.
Những ngày đầu khó khăn
Tham gia chống dịch trong thời gian dài, chị nhanh chóng bình tĩnh và bắt đầu dọn dẹp đồ đạc cho mẹ ở một phòng riêng. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết, bà H. được yêu cầu tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong khi đó, mẫu bệnh phẩm của N. có kết quả âm tính với virus nên chị được xét vào diện F1.
Dù đã tham gia chống dịch trong suốt thời gian qua. N. vẫn không khỏi lo lắng khi chính mẹ của mình nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Để chuẩn bị cho quãng thời gian sắp tới, N. chuẩn bị thuốc và một số vật dụng cần thiết khi chăm sóc mẹ.
Ngày đầu tiên sau khi được phát hiện nhiễm virus, bà H. chưa xuất hiện triệu chứng nào của bệnh. Chị thống nhất với mẹ một số nguyên tắc khi sinh hoạt để đảm bảo an toàn và tránh lây nhiễm chéo.
“Dù thấy hơi phiền khi đi vệ sinh cũng phải sử dụng găng tay, mẹ vẫn thấu hiểu, hợp tác và làm đúng theo những điều tôi hướng dẫn. Một trong những vấn đề quan trọng để phòng tránh phơi nhiễm virus với trường hợp F0 theo dõi tại nhà là vệ sinh và ăn uống. Tôi và mẹ đều phải đặc biệt cẩn trọng trong những vấn đề này”, N. chia sẻ.
Sang ngày thứ 2, bà H. bắt đầu có biểu hiện sốt cao, ho khan nhiều. Theo chỉ định của bác sĩ, chị cho mẹ uống paracetamol để hạ sốt kèm augmentin 1 g. Ngoài ra, N. cũng bổ sung cho mẹ vitamin C, viên ngậm ho và siro ho.
Tuy nhiên, sau một ngày, sức khỏe của bà H. không có nhiều chuyển biến. Triệu chứng ho xuất hiện nhiều hơn, thậm chí chuyển sang ho có đờm.
Tới ngày thứ 4, tình trạng của mẹ khiến N. phải theo dõi sát sao hơn. Lúc này, bà H. vẫn sốt 38 độ C, chỉ số đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) là 98. Bà cũng có dấu hiệu mất vị giác, khứu giác, đồng thời đau nhức toàn thân bên cạnh ho có đờm.
“Đây là thời điểm khó khăn nhất khi mẹ tôi không còn muốn ăn, uống. Tình trạng đau nhức toàn thân cũng khiến mẹ chỉ nằm một chỗ, không muốn vận động. Tôi chỉ có thể cố gắng động viên tinh thần mẹ thật nhiều”, N. nhớ lại.
Trong 2 ngày tiếp theo, các triệu chứng của bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Dẫu vậy, nhờ sự động viên từ con gái, tinh thần của bà H. ổn định hơn. Bà đã có thể gượng dậy để ăn uống, thậm chí tự tập thể dục trong phòng.
Chị kể lại: “Tôi chủ yếu yêu cầu mẹ tự dùng kẹp nhiệt độ để đo thân nhiệt và báo cho tôi hàng ngày qua video call, hình ảnh. Trong những ngày đầu mẹ chưa quen hoặc còn khúc mắc, tôi sẽ mặc quần áo bảo hộ để trực tiếp vào phòng đo”.
Hồi phục
Sau một tuần, các triệu chứng của bệnh bắt đầu giảm dần. Dấu hiệu này khiến hai mẹ con vui vẻ và lạc quan hơn.
“Đến ngày thứ 7 và 8, mẹ tôi bắt đầu hạ sốt, lấy lại được vị giác và quan trọng nhất là giảm ho nhiều. Điều này cũng là thành quả cho sự cố gắng của cả 2 mẹ con suốt những ngày qua”, N. vui mừng.
Sang ngày thứ 9, bà H. lúc này đã có thể sinh hoạt bình thường, ăn uống ngon miệng hơn. Với số lượng thực phẩm có sẵn trong nhà cùng sự hỗ trợ của bố từ bên ngoài, N. đều đặn nấu các món ăn dễ tiêu hóa, đủ chất cho chính mình và mẹ để duy trì sức khỏe.
Trong suốt quá trình tự chăm sóc tại nhà, N. theo dõi sát tình trạng sức khỏe của mẹ thông qua video call và hình ảnh. Ảnh: NVCC. |
Chị tâm sự: “May mắn là tôi cũng chưa cần nhờ đến sự trợ giúp về mặt y tế từ bên ngoài. Về thực phẩm, bố tôi là người cung ứng, hỗ trợ chủ chốt cho gia đình ở vòng ngoài. Suốt thời gian đó, bố phải ở lại văn phòng công ty. Những ngày sau, chính công ty của bố cũng có F0, ông phải ở lại cách ly và không thể ra ngoài”.
Ngày thứ 10, bà H. có thể xem như đã khỏi bệnh khi toàn trạng ổn định, sức khỏe tốt, kết quả xét nghiệm cũng đã cho thấy mẹ của N. âm tính với SARS-CoV-2.
“Nhận được kết quả xét nghiệm của mẹ, tôi thực sự rất vui. Phần vì mẹ đã an toàn vượt qua căn bệnh nguy hiểm, còn lại là hạnh phúc khi công sức theo học ngành y nhiều năm nay đã có thành quả. Tôi đã có thể tự chăm lo được cho chính gia đình mình”, N. cười.
Sau nhiều năm theo học ngành y, N. hạnh phúc vì nay đã có thể chăm lo cho gia đình mình, đặc biệt lại trong đại dịch. Ảnh: NVCC. |
Trong những ngày sát cánh bên mẹ mắc bệnh, chị thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi thăm, quan tâm, trò chuyện từ bạn bè, đồng nghiệp. Những lời động viên này cũng góp phần giúp N. và mẹ nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
“Chúc các anh, chị, cô, chú có người thân hay đang là F0 giữ gìn sức khỏe và quan trọng nhất là chuẩn bị một tâm lý vững vàng, lạc quan, bớt lo lắng. TP.HCM, Việt Nam rồi sẽ sớm chiến thắng đại dịch”, chị nhắn nhủ.
Lưu ý khi chăm sóc F0 tại nhà:
- Tạo tâm lý thoải mái khi được sinh hoạt tại gia đình.
- Thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh: phòng riêng, khép kín, thông gió và tuyệt đối không tiếp xúc gần người thân.
- Tự theo dõi và phát hiện những yếu tố có thể đánh giá dấu hiệu sinh tồn, diễn biến nặng bao gồm: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu.
- Người bệnh diễn biến nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…).
Xem thêm tại đây: Hướng dẫn F0 tự chăm sóc tại nhà.