10 nghề căng thẳng, áp lực nhất năm 2013
Phóng viên ảnh, phi công, cảnh sát, quân nhân… là những nghề khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi, áp lực nhất khi làm việc, theo CareerCast.com.
CareerCast.com đánh giá mức độ căng thẳng của 200 công việc dựa trên các tiêu chí đánh giá như nhu cầu vật chất và mức độ nguy hiểm, tiềm năng phát triển, thăng tiến trong công việc, điều kiện làm việc hay hình ảnh của bạn trong mắt người khác như thế nào…
Dưới đây là danh sách 10 nghề khiến bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, áp lực nhất trong năm Qúy Tỵ
1. Binh lính
Số điểm đánh giá căng thẳng: 84,72
Mức lương trung bình năm: 875 triệu VND
Sự nguy hiểm mà mỗi binh lính phải đối diện khi gia nhập quân ngũ là khi họ bị điều chuyển đến quốc gia hay vùng lãnh thổ xảy ra các cuộc xung đột. Tuy nhiên, ngay cả trong những tình huống đời sống bình thường, áp lực vẫn đè nặng khi b inh lính làm nhiệm vụ như giúp đỡ người dân trong việc cứu trợ thiên tai.
2. Chỉ huy quân sự
Số điểm đánh giá căng thẳng: 65,54
Mức lương trung bình năm: 4 tỉ VND
Những vị tướng chỉ huy đưa ra chiến thuật tác chiến, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của các hoạt động quân sự cũng như sự an toàn của cấp dưới.
3. Lính cứu hỏa
Số điểm đánh giá căng thẳng: 60,45
Mức lương trung bình năm: 1 tỉ VND
Đánh giá tổng thể công việc: 9%
Theo báo cáo của Cơ quan Cứu hỏa Mỹ, 81 trường hợp tử vong do hỏa hoạn trong năm 2011 và 77 trường hợp vào năm 2012. Đây là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Thêm vào đó, lính cứu hỏa thường làm việc có ngày lên đến 48 giờ, khiến họ mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Đồng thời, điều đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình và hạnh phúc cá nhân.
4. Phi công làm nhiệm vụ “bay” thương mại
Số điểm đánh giá căng thẳng: 60,28
Mức lương trung bình năm: gần 2 tỉ VND
Đánh giá tổng thể công việc: 21%
Nhiều người cảm thấy sợ hãi và ám ảnh khi đi máy bay mặc dù được hỗ trợ những thiết bị đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, những hành khách trên chuyến bay thương mại được đối xử như những ông hoàng, bà chúa. Nguy hiểm mà phi công phải đối mặt là diễn biến bất thường của thời tiết có thể khiến họ khó điều khiển hướng bay và giữ thăng bằng. Thêm vào đó, họ có thể phải thực hiện những chuến bay dài ngày đi khắp châu lục. Thậm chí, họ có thể hàng tháng không có dịp về thăm nhà, gặp gỡ người yêu…
5. Quan hệ công chúng
Số điểm đánh giá căng thẳng: 48,52
Mức lương trung bình năm: 1,2 tỉ VND
Đánh giá tổng thể công việc: 21%
Người làm nghề quan hệ công chúng phải chịu trách nhiệm kiểm soát hình ảnh của công ty, cá nhân ra bên ngoài xã hội, tránh gây ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu nơi làm việc hay công ty thuê làm việc theo thời vụ. Nghề này đòi hỏi có suy nghĩ và ý tưởng nhanh, chính xác, thích hợp và thường xuyên đối mặt với những vấn đề khó kiểm soát, phát sinh bất ngờ.
Công việc này thu hút nhiều sinh viên đại học nhất và có rất ít người có thể bám trụ đến cuối cùng dù được đánh giá là một trong những công việc rất tốt.
6. Giám đốc điều hành cao cấp
Số điểm đánh giá căng thẳng: 47,46
Mức lương trung bình năm: hơn 2 tỉ VND
Đánh giá tổng thể công việc: 14%
Những người làm lãnh đạo phải có tài ứng biến, linh hoạt và đưa ra chiến lược thích hợp để ứng phó kịp thời trước những biến động của thị trường, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và dẫn dắt nhân viên làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Họ còn là người đại diện, quảng bá hình ảnh công ty đến với công chúng. Tuy nhiên, họ cũng phải chịu sự quản lý, giám sát của các nhà đầu tư, thành viên hội đồng quản trị, nhân viên và công chúng.
7. Phóng viên ảnh
Số điểm đánh giá căng thẳng: 47,12
Mức lương trung bình năm: 600 triệu VND
Đánh giá tổng thể công việc: 13%
Những bức ảnh ấn tượng về thảm họa thiên nhiên và chiến tranh do phóng viên ảnh chụp lại giúp độc giả có cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống của người dân ở khắp nơi trên. Họ phải đối mặt với nguy hiểm từng phút từng giây để nắm bắt những hình ảnh nguy hiểm chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong vài giây, thậm chí là từng tích tắc nếu bỏ lỡ thì không thể có bức ảnh đẹp. Tuy một số phóng viên ảnh có thu nhập cao nhưng lại phải đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập, đe dọa tính mạng.
8. Nhà báo chuyên nghiệp
Số điểm đánh giá căng thẳng: 46,75
Mức lương trung bình năm: 750 triệu VND
Đánh giá tổng thể công việc: 6%
Nhiều tòa soạn trên thế giới đang cắt giảm nhân viên và yêu cầu nhà báo, phóng viên làm việc nhiều giờ hơn với mức lương và nhuận bút "bèo bọt". Thêm vào đó, lãnh đạo yêu cầu họ phải có bằng thạc sĩ về công nghệ trực tuyến.
Họ cũng làm việc trong môi trường đòi hỏi có tinh thần trách nhiệm cao và chịu thời gian khắt khe nhất để đảm bảo đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới độc giả.
9. Lái xe taxi
Số điểm đánh giá căng thẳng: 46,18
Mức lương trung bình năm: 467,5 triệu VND
Đánh giá tổng thể công việc: 20%
Mức thu nhập thấp, làm việc nhiều giờ và có thể gặp nhiều người khách say rượu, mất lịch sự… khiến người lái xe không thể tập trung vào công việc dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Không những vậy, họ còn là một trong những đối tượng dễ bị cướp hơn bất cứ nghề nào.
10. Nhân viên cảnh sát
Số điểm đánh giá căng thẳng: 45,60
Mức lương trung bình năm: hơn 1 tỉ VND
Đánh giá tổng thể công việc: 7%
Nhân viên cảnh sát thường phải đối đầu với những tên tội phạm nguy hiểm và được đánh giá là một trong top 10 công việc nguy hiểm nhất thế giới. Họ phải đập vỡ cửa kính hay phá cửa để đột nhập vào bên trong các căn nhà nơi tội phạm lẩn trốn. Không có gì đảm bảo chắc chắn bên trong có những gì nhưng một điều có thể chắc chắn đó là họ sẽ bị tăng huyết áp. Thậm chí, họ có thể mất đi tính mạng trong khi làm nhiệm vụ.
Cảnh sát được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự xã hội nhưng đồng thời, phải tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp - thách thức lớn đối với mỗi người không đủ dũng cảm, kiên nhẫn làm việc trong ngành này.
Theo Kiến Thức