Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10.000 áo dài 0 đồng gửi các cô giáo miền Trung sau bão lũ

"Vừa đi qua bão lũ với nhiều mất mát, tôi chỉ muốn các cô có tấm áo dài vừa vặn để mặc trong ngày tôn vinh nghề của mình", cô Kim Oanh, người khởi phong trào áo dài 0 đồng nói.

"Ước gì được một lần xỏ tay vào chiếc áo dài", "20/11 này em không còn áo dài để mặc" - câu nói bâng quơ của một cô giáo hay phụ nữ nào đó không kịp nhớ mặt nhưng lại trở thành nỗi băn khoăn của cô Đặng Kim Oanh (nguyên Phó giám đốc Đài phát thanh truyền hình Bình Thuận) trong đợt đi hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn do bão lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị.

Chính những lời bộc bạch vô tình là ý tưởng cho ra chương trình "10.000 áo dài cho các cô giáo miền Trung".

ao dai cho co giao mien Trung anh 1

Những tấm áo được giặt, là cẩn thận trước khi trao tặng các cô giáo ở vùng lũ. Ảnh: Chung Le.

'Ăn áo dài, ngủ áo dài'

Trực tiếp có mặt ở những vùng ngập sâu trong đợt lũ lịch sử vừa qua, cô Đặng Kim Oanh nhận ra ngoài lương thực, nhu yếu phẩm, người dân miền Trung cũng cần nhiều thứ khác để khôi phục cuộc sống bình thường. Trong đó, các cô giáo cần những tấm áo dài để đứng lớp vì nhiều nơi áo quần đã bị cuốn trôi hoặc ngâm trong bùn non sau lũ. Trong điều kiện thiếu thốn sau lũ, không phải ai cũng có điều kiện may mới.

"Tôi nghĩ nhiều nơi khác, trong tủ đồ các chị em có đến vài bộ áo dài, sao không vận động mọi người san sẻ cho nhau. Thấy việc nằm trong khả năng của mình nên tôi làm ngay", cô Oanh nói.

Quay về sau chuyến đi miền Trung, với vai trò là trưởng nhóm từ thiện "Chợ 0 đồng T.O.T. Bình Thuận", cô Oanh bắt tay tổ chức phiên chợ áo dài 0 đồng trong nội bộ nhóm từ thiện. Trong khoảng một tuần đầu tiên, nhóm kêu gọi được khoảng 3.000 bộ áo dài tặng các cô giáo ở miền Trung.

Điều làm cô Oanh bất ngờ là ngay khi phát động phong trào, người đầu tiên đem áo dài đến ủng hộ là nam giới. Người này mang áo dài của vợ, đã được giặt, là cẩn thận, đến trao cho nhóm.

"Khi nghe chúng tôi kêu gọi, nhiều hàng xóm, không kể già trẻ, gái, trai đã đến nhà tôi cùng phụ phân loại, giặt, là, đóng gói. Nhiều người khi mang áo dài đến gửi cho chúng tôi còn cẩn thận ghi size, số đo, gửi kèm tấm thiệp với lời chúc cho ngày Nhà giáo Việt Nam. Chính sự góp sức, chung tay của cả cộng đồng khiến tôi thực sự xúc động", cô Oanh chia sẻ.

Phát động phong trào vào ngày 23/10, đến ngày 1/11, cô Oanh chia sẻ việc làm này đến nhóm từ thiện "Vì ta cần nhau" mà cô là thành viên. Ngay lập tức, ý tưởng của cô được mọi người ủng hộ và chia sẻ rộng rãi. Cô Lê Thanh Chung, dù đang sống tại Mỹ cũng nhiệt tình kêu gọi bạn bè, người thân ở Việt Nam ủng hộ hoạt động ý nghĩa này.

Cô Chung chia sẻ suốt 2 tuần vừa qua, điện thoại của cô luôn trong tình trạng cắm sạc pin. Thông báo tin nhắn nhảy liên tục, những cuộc gọi nối nhau.

"Người này nhắn tin đã nhận được bao nhiêu áo dài. Chỗ kia chia sẻ hình ảnh cảm động của những người tự nguyện tham gia chương trình. Có nhà, vợ bận thì chồng và con trai đem áo dài đến địa điểm gom. Có gia đình cả vợ chồng con cái đều xắn tay áo phụ giặt, là, đóng gói. Nhiều người vội đến không kịp ăn uống đàng hoàng. Là một trong những người khởi xướng chương trình, mình vừa cảm động, vừa cảm thấy có lỗi với những vất vả của mọi người", cô Chung tâm sự.

Từ đó, những bộ áo dài từ khắp các tỉnh, thành được gửi về. Nhóm phải chia ra các địa điểm gom tại nhiều tỉnh, thành phố. Một số trường phổ thông, đại học, công ty, doanh nghiệp khi biết đến chương trình, đã đứng ra kêu gọi quyên góp trong đơn vị mình.

ao dai cho co giao mien Trung anh 4

Các cô giáo ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) trong tà áo dài. Ảnh: Chung Le.

Niềm vui trọn vẹn ngày 20/11

Để kịp gửi áo dài đến các cô giáo trước ngày 20/11, đã có một số thành viên trong nhóm từ thiện tự nguyện đi cùng những chuyến xe chở hàng ra tận Quảng Bình, Quảng Trị ngay trong lúc miền Trung còn mưa lũ.

Cô Oanh cho biết, các nhà xe khi biết những thùng hàng quyên góp cho miền Trung đều tự động giảm giá hoặc miễn phí cước vận chuyển.

Những tấm áo dài từ nhiều nơi đã kịp đến tay những cô giáo huyện Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong (Quảng Trị) - những vùng bị ngập lụt nặng nề nhất, rồi sau đó lan sang Quảng Bình, Quảng Nam.

"Nhận được những hình ảnh các cô vùng lũ thướt tha trong tà áo dài, vui mừng khi nhận được bộ đồ vừa người, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui lây niềm vui của các cô", trưởng nhóm từ thiện áo dài 0 đồng chia sẻ.

Trưởng nhóm cho biết nhóm đã gửi gần 9.500 bộ áo dài đến những người cần tại các tỉnh miền Trung. Mục tiêu ban đầu nhóm đặt ra là 10.000 bộ áo dài, nhưng khi nào vẫn còn người trao tặng và người có nhu cầu, nhóm vẫn tiếp tục đóng vai trò cầu nối. Có lẽ, chỉ trong một vài ngày tới, số lượng áo dài được trao tặng sẽ vượt mục tiêu ban đầu nhóm đặt ra.

'Không chấp nhận những nhà giáo bình bình, tàm tạm'

PGS Nguyễn Kim Sơn khẳng định ĐH Quốc gia Hà Nội không chấp nhận nhà giáo làm công việc cốt cho xong, bảo thủ, lãnh cảm, vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm