Từ những sàn thương mại điện tử có tiếng...
Shopee, Lazada, Tiki... là những sàn thương mại điện tử thuộc loại top đầu ở Việt Nam. Sản phẩm trên các sàn này rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, cũng như giá cả. Khi cần mua một sản phẩm, khách hàng lần đầu truy cập sẽ ít nhiều “hoa mắt chóng mặt" trước rất nhiều shop khác nhau, với hàng trăm sản phẩm cùng loại, song lại chênh nhau về giá, phí ship... Nếu không tỉnh táo, khách hàng rất dễ lâm vào cảnh tiền thì mất còn phải ôm một cục tức.
Như trường hợp chị Mai Anh (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một ví dụ. Đặt 2 đôi giày “hàng hiệu" tại một shop trên sàn Shopee, khoảng 2 ngày sau, chị nhận được cuộc gọi từ một người nói là nhân viên chuyển phát (shipper) của hãng vận chuyển Giao hàng nhanh nhẹn giao món hàng mà chị đặt. Không chút nghi ngờ, chị Mai Anh trả cho shipper số tiền hơn 3 triệu đồng và nhận gói hàng. Song, đến khi mở ra, chị mới tá hỏa khi phát hiện thay vì 2 đôi giày mới tinh thì trong đó là 2 đôi giày không đúng chủng loại, lại là hàng cũ nát chỉ đáng vứt đi.
Lập biên bản một chủ shop chuyên nhập hàng trôi nổi về đóng lại tem mác rồi livestream bán với giá gấp năm, gấp mười. |
Chị đăng nhập tài khoản của mình trên app (ứng dụng), kiểm tra tình trạng đơn hàng thì phát hiện đơn mua của mình đã được giao cho đơn vị vận chuyển. Tuy nhiên, hàng vẫn nằm tại kho trung gian và chưa giao cho shipper. Chị Mai Anh thắc mắc, không biết tại sao shipper kia lại biết được thông tin về đơn hàng. Phải chăng Shopee đã làm lộ thông tin của chị?
Một trường hợp khác, chị Hoàng P. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đặt mua 3 hộp sữa tại một shop, cũng trên sàn Shopee. Chủ shop nói với chị rằng đặt trên ứng dụng sẽ mất thời gian hơn nên nhờ chị hủy đơn, shop sẽ ship trực tiếp hàng đến cho chị, kèm thêm khuyến mại. Tin lời, chị P. đã cho số điện thoại và địa chỉ nhận hàng. Khi shipper vận chuyển hàng đến, người nhà chị P. nhận và thanh toán đầy đủ số tiền anh ta yêu cầu. Song, chỉ đến khi chị P. mở gói hàng thì mới tá hỏa khi thấy thay vì 3 hộp sữa trị giá nhiều triệu đồng thì chỉ là mấy viên đá kèm đống giấy lộn. Liên hệ lại với chủ shop thì shop không một lời hồi đáp.
Anh Thanh Minh lại có kỷ niệm nhớ đời với sàn thương mại điện tử Lazada. Anh đặt một chiếc máy hút bụi dành cho xe hơi. Tuy nhiên, khi nhận được thì máy... vô tác dụng, không thể hoạt động được. Anh gửi phản hồi cho shop, song mất hàng tháng trời nhắn đi nhắn lại, đơn hàng của anh vẫn không được đổi trả hay hoàn tiền.
...cho đến những “siêu phẩm" livestream
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử, các website bán hàng... thì khoảng vài năm trở lại đây, hình thức bán hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... cũng được dịp bùng nổ. Và, tại các shop này, chuyện hàng nhái, hàng giả được trộn lẫn với hàng thật, hàng “auth"... khiến không ít khách hàng phải nếm quả đắng.
Chúng tôi truy cập shop thời trang H.M, chủ shop nói như máy, giới thiệu cho khách hàng hàng loạt sản phẩm nằm bên cạnh, chất cao như núi. Mỗi sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo rất nhanh, chỉ trong vòng 5-10 giây và cũng rất nhanh được khách hàng "chốt". Người nào comment chậm sẽ bị “mất hàng".
Lực lượng chức năng kiểm tra kho nghi chứa hàng giả, hàng lậu của một shop chuyên livestream bán hàng qua mạng. |
Tương tự, shop L.N livestream quần áo với hàng ngàn người xem trực tuyến. Tất cả sản phẩm được khẳng định tốt nhất, uy tín nhất, giá rẻ nhất hoặc “số lượng có hạn, chỉ còn 1 hoặc 50 sản phẩm cuối cùng”, “chỉ trong trong 1 giờ livestream”... Phía dưới những tài khoản là hàng trăm lượt tương tác với những bình luận đề nghị chốt đơn hàng hoặc khen sản phẩm dùng rất tốt; cùng với đó là hàng trăm chia sẻ,... thực sự khiến người theo dõi bị thu hút, kích thích và nhanh chóng đưa ra quyết định chốt đơn hàng.
Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, shop nào cũng khẳng định hàng của mình là chuẩn, là zin, còn của shop khác là fake. Tuy nhiên, không ít khách hàng than phiền vì mua hàng qua livestream “lành ít dữ nhiều”.
Chị Hoàng Anh, viên chức một sở nọ có sở thích xem livestream mua hàng. Ngày nào chị đến cơ quan cũng bật máy tính, vào các trang quen thuộc để xem có hàng mới, săn sale... Sau bao ngày dành dụm, chị quyết định mua một "siêu phẩm" là chiếc túi hàng hiệu với giá hơn 30 triệu đồng. Nghe chủ shop quảng cáo là hàng mới dùng được 1-2 lần, vẫn còn như mới và rẻ được đến 10 triệu so với hàng đập hộp. Tuy nhiên, chị Hoàng Anh chỉ dùng được vài lần thì túi đã sờn, rách. Chị lên mạng check giá thì mới điếng người khi phát hiện chiếc túi y hệt được bán chỉ với giá vài trăm ngàn đồng.
Anh Long Nguyễn - một khách hàng trú tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết từng đặt mua thịt lợn gác bếp của một cơ sở sản xuất tại Tây Bắc để nhắm với bia, xem bóng đá. Anh kể buổi livestream có đến hàng nghìn người xem, người bán vừa quảng cáo, vừa xé miếng thịt ăn trực tiếp nên cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, sản phẩm không giống như quảng cáo. Thịt rất khô, không có mùi thơm, xé ra cũng không có màu hồng như trên livestream. Sau khi ăn, anh bị “Tào Tháo" đuổi cả ngày hôm sau.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những shop tử tế, có tâm thì trên mạng xã hội có không ít những shop luôn có nhiều màn kịch khác nhau để đánh vào lòng tham của khách hàng. Đơn cử như chủ shop K.L than khóc thảm thiết trước những lô hàng như nước hoa, mỹ phẩm, hộp sữa, lon nước, bánh kẹo bị rơi, vỡ, móp hộp nên giảm giá cực mạnh, kêu gọi khách hàng ủng hộ với giá xả lỗ. Hay hôm khác thì cũng xả kho vì sản phẩm bị móp, ướt vì "bị nước tràn vào container" hay "mưa dột mái nhà kho"... Shop này bán chai nước hoa chỉ có giá chưa đến 300 ngàn đồng! Thực chất, nếu khách hàng nào tinh ý sẽ phát hiện ngay không bao giờ có chuyện hàng auth mà có giá rẻ... bất thường như thế!
Ngoài ra, lợi dụng sơ hở của khách khi công khai thông tin cá nhân trong các đợt livetream, một số đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng giả danh chủ shop gọi điện để chốt đơn ngay khi khách cung cấp thông tin đặt hàng hoặc tạo tài khoản mạng xã hội có tên, hình ảnh tương tự như của shop nhắn tin cho khách để chốt đơn. Các đối tượng còn yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước để đặt hàng rồi chiếm đoạt...
Khách hàng lên tiếng cảnh báo bị lộ thông tin khi đặt hàng trên sàn thương mại điện tử shopee. |
Cảnh giác để không bị lừa
Cuối tháng 4/2023 vừa qua, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cơ sở buôn bán hàng giả, hàng lậu rất lớn tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). Đáng chú ý, chủ cơ sở cũng đồng thời là chủ một shop hàng hiệu có tiếng trên mạng xã hội. Mỗi lần shop này livestream bán hàng đều có hàng ngàn lượt theo dõi, và rất nhiều khách đã đặt mua. Có mặt hàng như váy len Gucci giá lên tới 33 triệu đồng. Còn đa phần các mặt hàng của nhiều hãng nức danh như Adidas, Burberry, Zara... đều được chủ shop bán với giá rất hữu nghị.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Chủ shop là Đinh Thị Lan Hương (trú số 1, khu nhà dân cư mới, tổ 5, phường Kiến Hưng) khai nhận tất cả những sản phẩm trên đều được Hương mua trôi nổi trên thị trường. Sau đó chị ta sẽ tự dán tem mác, ghi giá gấp hàng chục lần giá nhập rồi đẩy lên livestream.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khi phát hiện thì hàng hóa tại nhà riêng của Hương có dấu hiệu là hàng giả, thậm chí có cả hàng lậu. Hương bán hàng ở nhà riêng trên tầng 4. Tại thời điểm kiểm tra, cô ta sử dụng livestream để bán hàng, hàng để rải rác ở các tầng.
Còn đối với trường hợp nghi ngờ bị lừa khi đặt hàng qua Shopee, đại diện sàn thương mại điện tử này cho biết: Với những người dùng (là chủ shop) vi phạm hoặc có hành vi gian lận, Shopee sẽ có các mức độ xử lý khác nhau, từ cảnh cáo cho tới khóa tài khoản vĩnh viễn".
Với những trường hợp nghi ngờ gian lận hoặc có hành vi lừa đảo, người dùng có thể liên lạc với Shopee thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng, hoặc thông qua địa chỉ email: support@shopee.vn trước khi tiếp tục thực hiện các giao dịch. Đại diện sàn thương mại điện tử này cũng khuyến cáo khách hàng trước khi nhận hàng và thanh toán thì cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng bao gồm: Mã đơn hàng, mã vận đơn, thông tin người gửi... (phải khớp với thông tin của một trong các đơn hàng đang có tại mục Tôi > Đang giao trên web/ứng dụng Shopee); Hạn chế nhờ người nhận thay/nếu có nhận thay cũng phải lưu ý bước kiếm tra kỹ thông tin đơn hàng như đã nêu trên. Khách hàng có thể từ chối không nhận hàng nếu có nghi ngờ về tính xác thực của đơn hàng; Ưu tiên chọn hình thức thanh toán trước (Vi Shopee Pay, Số dư tài khoản Shopee, Thẻ tín dụng/ghi nợ chuyển khoản ngân hàng) khi đặt đơn hàng. Đối với đơn hàng là quà tặng từ Shopee thì kiểm tra và nhận quà từ chương trình mà bạn có tham gia. Thông tin quà tặng từ các chương trình của Shopee sẽ được cập nhật trên web/app hoặc fanpage chính thức của Shopee. Không nhận quà không rõ chương trình hoặc có thu thêm phí.
Còn theo một khách hàng có kinh nghiệm nhiều năm mua bán trên các sàn thương mại điện tử thì khách hàng trước khi chốt đơn cần phải “soi" rất kỹ chủ shop. Cần nắm các thông tin về shop như địa chỉ rõ ràng, có nhiều mặt hàng đa dạng, các mặt hàng có lượng mua bán càng nhiều thì độ tin cậy càng cao, có đánh giá “sao" và bình luận tích cực... Ngoài ra, cần trao đổi trước với chủ shop có được đồng kiểm khi nhận hàng hay không. Nếu shop nào không cho kiểm tra hàng thì cần phải cảnh giác cao độ...
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cảnh báo. Thời gian qua, để lừa dối người tiêu dùng và lẩn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm sở hữu trí tuệ thường triệt để lợi dụng nền tảng công nghệ số để bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng, đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng.
Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…