Nhiều người trải qua tuổi mới lớn đầy khó khăn với việc học kém, thất tình, bạn bè phản bội, bị bỏ rơi. Khi trưởng thành, họ sẽ nhận ra vấn đề không đến nỗi nghiêm trọng đến vậy.
1. Thất bại có thể là điều tuyệt vời nhất: Thất bại, phạm sai lầm đều khiến người trẻ xấu hổ. Nhưng nhờ thế, họ học được nhiều điều. Sai lầm ở tuổi mới lớn dù sao vẫn tốt hơn thất bại ở tuổi trưởng thành. Điều quan trọng, người trẻ cần học được điều gì đó từ những sai lầm, biến thất bại thành động lực để thành công.
2. Học cách chăm sóc bản thân trước: Đây không phải tính ích kỷ. Một người không thể quan tâm, giúp đỡ người khác nếu không thể tự chăm sóc mình. Ở tuổi mới lớn, mỗi người cần học cách đặt ra giới hạn cho bản thân, bớt tiêu cực, biết suy nghĩ, tự lấy lại động lực, dùng kem chống nắng, uống đủ nước. Việc sống lành mạnh, vui vẻ, duyên dáng giúp bạn tự tin và thu hút người khác hơn.
3. Mấy bạn "ngầu" chưa hẳn là... ngầu: Phần lớn học sinh trung học không thực sự ngầu như cách họ biểu hiện. Hành vi của họ giống như cơ chế phòng thủ. Có lẽ, bản thân họ cũng không muốn thành người như vậy và thường cảm thấy hối tiếc hoặc xấu hổ khi sau này ngẫm lại thời niên thiếu.
4. Trường trung học hay đại học được đánh giá quá cao: Đương nhiên, giáo dục rất quan trọng nhưng không nên đặt nặng điểm số hay chấp nhận khoản vay khổng lồ để học đại học. Trừ khi bạn muốn thành nhà khoa học hoặc bác sĩ, bằng tiến sĩ không cần thiết. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian, tiền bạc vào thứ mình thích và giỏi. Kể cả không thành công, bạn vẫn biết phải làm gì với cuộc đời, tiếp tục học những thứ cần thiết khác.
5. Vẫn còn những người khác: Bạn có thể vượt qua mọi tan vỡ dù đó là tình bạn hay tình yêu. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Dù kết thúc không mấy tốt đẹp, bạn hãy biết ơn những người đã xuất hiện trong đời mình và để họ ra đi. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra chuyện người khác đến rồi đi không ảnh hưởng chuyện minhg tốt hay xấu. Vì cuộc sống luôn biến chuyển, con người thay đổi cũng là điều dễ hiểu.
6. Trưởng thành không giúp bạn trả lời mọi câu hỏi: Ở tuổi 25, 30, nhiều khi bạn vẫn cảm thấy mông lung như hồi 16. Dù trưởng thành, chúng ta vẫn nghi ngờ về các mối quan hệ, công việc, kế hoạch cho tương lai và nhiều thứ nữa. Vì thế, ở độ tuổi nào, bạn cũng cần học cách tin tưởng bản thân khi đưa ra những quyết định có thể thay đổi cuộc đời.
7. Thái độ của bạn sẽ thay đổi: Những nhìn nhận về mọi thứ, từ âm nhạc, phim ảnh đến tôn giáo ở tuổi 16 chưa chắc đã là những gì bạn nghĩ 5 năm sau. Nó không có nghĩa bạn từ bỏ nguyên tắc, chỉ là chúng ta đang trưởng thành và linh hoạt hơn. Thoải mái chấp nhận điều này, người trẻ sẽ vừa có chính kiến riêng, lại biết thông cảm, bao dung hơn với sự khác biệt của người khác.
8. Tận dụng cơ hội: Thời mới lớn, bạn có thể dành toàn bộ thời gian rảnh để chơi game hoặc tranh thủ từng khoảnh khắc tận hưởng cuộc sống. Bạn có thể du lịch cùng bố mẹ, làm tình nguyện tại một trang trại ở nước ngoài, học đấm bốc hoặc khiêu vũ. Đó chính là tuổi trẻ, cơ hội để người trẻ thử sức những thứ hay ho mình thích.
9. Ăn uống lành mạnh: Bạn cần chấp nhận sự thật cơ thể của mình không bao giờ hoàn hảo. Nhưng nếu thực sự yêu quý bản thân, bạn sẽ học cách ăn thực phẩm lành mạnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Cơ thể biết ơn bạn vì điều đó.
10. Rung động không phải tình yêu: Bạn đỏ mặt, cười khúc khích một cách ngu ngốc hay xốn xang trong lòng khi nghĩ tới một người. Đó không phải là tình yêu. Nó chỉ là phản ứng bình thường của hormone. Tình yêu thực sự không phải kiểu "từ đó, hai người hạnh phúc mãi mãi" như phim ảnh. Tình yêu là lựa chọn có chủ ý hàng ngày của hai người lớn. Bởi chỉ khi trưởng thành, bạn mới đủ khả năng đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính mình.
11. Bố mẹ chúng ta cũng từng như thế: Hãy nhớ rằng, bố mẹ cũng trải qua thời niên thiếu. Nếu họ nghiêm khắc, có thể vì họ vẫn nhớ những chuyện mình làm và muốn bạn không phạm sai lầm tương tự. Vì thế, thay vì cố gắng chống đối mọi lúc, mọi nơi, người trẻ nên học cách ngồi lại, nói chuyện để hai bên hiểu nhau. Nó không dễ nhưng là cách để bạn trưởng thành.
Nhiều phụ huynh chăm sóc con cẩn thận thái quá mà không biết rằng cách làm không đúng của họ có thể khiến trẻ tổn thương, thậm chí mắc các chứng bệnh tâm lý.
Smartphone được nhiều phụ huynh sử dụng như công cụ trông con. Đáng tiếc, nó hủy hoại quan hệ gia đình, khiến trẻ bị mắc nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Mỗi phụ huynh có cách dạy con riêng, nhưng nhất định không được quên nói với trẻ phải biết yêu bản thân, quý mến người khác, cũng như tự tin và có chính kiến.