Tôi là Lắk Nguyễn (29 tuổi), hiện là HLV múa cột toàn thời gian.
Cách đây 11 năm, hồi còn là sinh viên năm nhất tôi muốn tìm một lớp học nhảy để "giết thời gian", đốt calo và giải phóng hình thể.
Lựa chọn ban đầu của tôi là một lớp K-Pop dance cover, vốn là phong trào tập luyện phổ biến thời điểm đó. Bỗng tôi bắt gặp một poster giới thiệu lớp múa cột. Sự tò mò đã thôi thúc tôi quyết định học thử.
Tôi không đặt nặng kỳ vọng khi tham gia lớp múa cột, chẳng hạn như lo lắng xem mình có thể trụ bao lâu trên cột, hay độ dẻo cơ thể đến đâu.
Tôi cũng không màng tới những định kiến xung quanh việc nam giới tham gia bộ môn này. Ai nói nam giới không thể múa cột chứ? Họ thậm chí còn có thể làm rất giỏi.
Nhờ đó, tôi đã gạt mình ra khỏi những áp lực. Và chỉ sau 3 tháng học và tập luyện thường xuyên, tôi nhận được lời mời làm trợ giảng. Sau 3 tháng tiếp theo, tôi tự đứng lớp của riêng mình.
Quá trình trở thành HLV của tôi tương đối nhanh so với các đồng nghiệp - những người cần 1,5-2 năm để có thể giảng dạy môn múa cột.
Thời gian đầu, do thiếu kỹ năng sư phạm, cộng thêm bản tính nhút nhát, tôi từng nhiều lần hoài nghi về mình. Nhưng quá trình trau dồi và học hỏi dựa trên việc nắm được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình đã giúp tôi trưởng thành mỗi ngày, theo đuổi nghề đến tận hôm nay.
Chẳng hạn, vì hiểu hình thể của nam giới khó dẻo dai được như nữ giới, tôi chủ động đi học nhiều lớp khác để bổ trợ công việc tập luyện và giảng dạy múa cột, từ múa lụa, yoga, sexy dance, ép dẻo…
Theo tôi tìm hiểu, múa cột vốn là một môn thể thao dành cho nam giới, xuất phát từ môn yoga của Ấn Độ. Tuy nhiên, sau thời gian du nhập, môn thể thao này chuyển dần từ nam sang nữ.
Khoảng năm 2013, nam giới dường như không để tâm đến bộ môn này. nhiều người cũng suy nghĩ rằng múa cột chỉ dành cho vũ nữ thoát y. Nhưng thực tế, múa cột như nhiều bộ môn thể thao khác, đều đi đến đích cuối cùng là rèn luyện, cải thiện sức khỏe.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, tôi nhận thấy múa cột bắt đầu được nam giới chú ý hơn. Mặc dù số lượng đàn ông tập môn thể thao này ở Việt Nam vẫn đếm trên đầu ngón tay, cộng đồng nam giới múa cột tại nước ngoài lại rất đông và tài năng.
Hiện lớp của tôi vẫn có một vài học viên là nam giới, nhưng số lượng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10%.
Hầu hết học viên nam vẫn còn tâm lý ngại ngùng, không thoải mái khi học cùng lớp với nhiều học viên nữ khác.
Bên cạnh đó, cơ thể nam giới vốn "cứng" hơn nữ giới. Nhiều động tác khó để thực hiện thành thục, gây ra những rào cản về mặt tâm lý, như “bộ môn này không dành cho mình".
Hiện nay, ngày nào tôi cũng đứng lớp, đều đặn 2 lớp/ngày.
Đương nhiên, tôi cũng có những băn khoăn, mệt mỏi về nghề nghiệp này tại một số thời điểm trong hơn 10 năm qua. HLV múa cột vốn không phải nghề dễ, chưa kể việc tôi là một trong số ít nam HLV trong nghề.
Nhưng chỉ cần bước chân đến cửa phòng tập, cảm nhận cơ thể theo âm nhạc, và chứng kiến sự cố gắng của học viên theo thời gian, tôi lại được củng cố niềm tin theo nghề. Thời gian tới, tôi dự định sẽ học thêm nhiều khóa để bổ trợ kỹ năng, như múa, belly dance, thể dục dụng cụ...
Cùng với đó là các giải đấu quốc tế dành cho VĐV múa cột đang phát triển. Nếu học viên của tôi có tham vọng "chinh chiến", tôi sẵn sàng truyền đạt tất cả kinh nghiệm, kỹ năng của mình. Với tôi, thành tích của họ cũng chính là của mình.
. |
The Championz là series khai thác câu chuyện hấp dẫn về lối sống, góc nhìn và tư duy vận động hiện đại của giới đam mê thể thao, từ người chơi nghiệp dư tới VĐV chuyên nghiệp.