Tôi là Lê Đỗ Anh Thư (sinh năm 1994). Tôi đã theo đuổi bộ môn múa cột được 8 năm. Ngoài một agency quảng cáo riêng, tôi sáng lập và điều hành một học viện dạy múa cột dành cho mọi lứa tuổi.
Tôi vốn yêu thích thể thao và tập luyện. Trước múa cột, tôi đã tập yoga và sexy dance một thời gian dài. Dù vậy, tôi chưa từng hình dung mình sẽ trở thành một giáo viên cho một môn thể thao, đừng nói là mở studio riêng.
Năm 2016, khi múa cột chỉ mới du nhập vào thị trường Việt Nam, tôi đã đăng ký tham gia một lớp vì tò mò và khao khát được chinh phục những thứ mới mẻ.
Đến năm 2019, tôi bắt đầu nhận được lời mời dạy học tại các trung tâm và bén duyên với việc đứng lớp từ đó. Thời điểm đó, tôi vẫn thực hiện song song 2 công việc: ban sáng, tôi là nhân viên văn phòng và đến tối, tôi trở thành HLV dạy múa cột.
Hai năm sau, khi công việc văn phòng trở nên ổn định, với chức danh marketing manager (quản lý cấp cao phòng marketing) cùng những mối quan hệ công việc chất lượng, tôi xin nghỉ việc.
Từ vị trí quản lý, tôi trở về làm freelancer marketing (nhân viên tự do) cho công ty và dành tâm sức vào việc mở studio dạy múa cột.
Thành lập và điều hành một trung tâm giảng dạy múa cột là bài toán khó với tôi, một người vốn chưa từng có kinh nghiệm khởi nghiệp trước đó. Ngoài các khâu quen thuộc liên quan đến chuyên môn marketing, tôi phải tự học và giải quyết các vấn đề khác, từ tìm địa điểm, lên concept... cho đến quản lý dòng tiền.
Tôi nghĩ rằng quãng thời gian duy trì song song 2 công việc quản lý cấp cao phòng marketing - giáo viên dạy múa cột "không thấm vào đâu" so với giai đoạn đầu khởi nghiệp studio này.
Chẳng hạn, hồi năm 2021, khi trung tâm mới được khai trương ít ngày, học viên mới tập 1-2 buổi thì TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Mọi thứ phải dừng lại. Rất may, chủ cho thuê mặt bằng đã hỗ trợ tôi trong việc thanh toán, nhờ đó doanh nghiệp nhỏ của tôi có thể tồn tại đến nay.
Trong một năm kinh doanh đầu tiên, tôi gần như không có lời, ngay cả khi đã không tính chi phí đứng lớp của mình. Trong giai đoạn thiếu nhân lực, tôi chấp nhận đứng lớp 16 tiếng/tuần.
Không ít biến cố, gây mệt mỏi khác cũng khiến tôi muốn từ bỏ. Nhưng tôi phải xốc lại tinh thần bản thân, rằng tôi là chủ của một doanh nghiệp, không còn chỉ là một giáo viên và có những nhân viên phụ thuộc vào mình.
Nhưng hiện tình hình đã ổn định hơn. Những khó khăn trong quá khứ là bài học để tôi tiếp tục đứng vững.
Ưu tiên của tôi khi giảng dạy là để học viên biết yêu cơ thể mình. Nhiều người thường bảy tỏ lo lắng khi tham gia múa cột, không tự tin về hình thể là điều dễ hiểu. Công việc của tôi chính là giúp mọi người phá vỡ rào cản đó.
Mỗi học viên đến với chúng tôi sẽ có mục đích riêng. Tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân, chúng tôi sẽ dạy họ theo những cách khác nhau.
Chẳng hạn, với những người và muốn được đào tạo nghề, tôi sẽ thúc đẩy và tạo động lực để họ cố gắng phát triển tối đa khả năng.
Khoảng 50% học viên sẽ bỏ cuộc sau buổi học đầu tiên. Với tôi, điều đó không có gì phải xấu hổ, chỉ là thể trạng và sức chịu đựng của họ không phù hợp với bộ môn này.
Tuy nhiên, trong các buổi dạy, tôi luôn động viên học viên phải kiên trì. Chỉ cần nỗ lực sau 2 tháng, mọi người sẽ thấy sự thay đổi toàn diện, từ sức mạnh, độ dẻo dai cho đến cả sự tự tin.
Hiện tôi đã không còn đứng lớp nhiều như trước đây. Tôi tập trung vào kinh doanh, mở rộng mô hình dạy học, có thêm nhiều chi nhánh để mọi người có một sân chơi, tập luyện và phát triển đúng nghĩa.
The Championz là series khai thác câu chuyện hấp dẫn về lối sống, góc nhìn và tư duy vận động hiện đại của giới đam mê thể thao, từ người chơi nghiệp dư tới VĐV chuyên nghiệp.