Sáng 15/3, Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết Việt Nam đã ghi nhận 11 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Những người này đều được theo dõi và xử lý kịp thời, sức khỏe ổn định.
Tỷ lệ người gặp phản ứng nằm trong giới hạn an toàn
Theo ông Đặng Đức Anh, sau khi ghi nhận một số trường hợp có phản ứng phản vệ và tai biến nặng sau tiêm vaccine, Bộ Y tế đã có công điện khẩn đề nghị các địa phương thành lập hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá nguyên nhân gây tai biến.
"Các địa phương này đều đang thực hiện đề nghị và sẽ có phản hồi chính xác nguyên nhân trong thời gian sớm nhất", ông Đức Anh cho biết.
Về tỷ lệ 26% người gặp phản ứng thông thường và 0,7% trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vaccine của AstraZeneca tại Việt Nam, ông Đặng Đức Anh cho biết tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn. Nhận định này dựa trên cơ sở khuyến cáo của nhà sản xuất, WHO và một số cơ quan chuyên trách.
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết các địa phương sẽ sớm gửi lại kết luận nguyên nhân gây phản ứng nặng sau tiêm. Ảnh: MT. |
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho biết tất cả trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm sẽ được hội đồng chuyên môn của sở y tế các tỉnh điều tra, xử lý đúng quy định.
“Công điện được Cục Y tế Dự phòng gửi nhằm mục đích nhắc nhở các địa phương. Do đây là đợt đầu tiên tiêm chủng nên có thể lãnh đạo ngành y tế ở các địa phương quên. Quy trình, hướng dẫn về an toàn tiêm chủng đã có sẵn, đó là khi phát hiện trường hợp có phản ứng nặng, sở y tế các tỉnh sẽ xử lý, điều tra, họp kết luận và đề xuất liên quan công tác tiêm chủng. Quan điểm của Bộ Y tế là thực hiện theo đúng quy định”, bà Hằng chia sẻ.
Đồng tình với điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhấn mạnh khi xem xét về các tai biến, cần đánh giá tỷ lệ này trên tổng số trường hợp được tiêm chủng.
"Chúng ta cần tham khảo, xem xét nhiều thông tin và đánh giá lại các trường hợp này, không nên định hướng việc dừng tiêm vaccine. Vaccine phụ thuộc vào tùy cơ địa, quá nhiều người có cơ địa bị phản ứng, ảnh hưởng đến tính mạng do vaccine thì mới đáng bàn. Còn tỷ lệ phản ứng thấp thì không đáng bàn. Theo quy trình, tất cả trường hợp có phản ứng nặng cần được xem xét, đánh giá lại các chẩn đoán ban đầu, từ đó mới kết luận nguyên nhân gây tai biến", bác sĩ Khanh nói thêm.
Theo các chuyên gia, hiện tại, tỷ lệ người gặp phản ứng sau tiêm vaccine ở Việt Nam vẫn nằm trong mức thông thường theo khuyến cáo và tương tự các loại khác.
Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca
Trả lời Zing về vấn đề nhiều quốc gia châu Âu tạm dừng tiêm vaccine của AstraZeneca, bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh tại Việt Nam, tất cả hoạt động tiêm chủng được thực hiện theo thông lệ quốc tế và quy trình được xây dựng chặt chẽ ngay từ đầu.
"Khi trong nước ghi nhận trường hợp tai biến liên quan vaccine, có vấn đề cần thiết phải dừng, các cơ quan y tế mới xem xét dừng tiêm, không phải cứ xảy ra phản ứng, tai biến là lập tức dừng.
Sở y tế các địa phương sẽ đánh giá phản ứng, tai biến nặng hay nhẹ, liên quan vaccine hay không và xử lý theo quy định. Với trường hợp có vấn đề liên quan vaccine ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế sẽ quyết định tùy trường hợp", bà Hằng cho biết thêm.
Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca theo kế hoạch. Ảnh: Thạch Thảo. |
Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khẳng định: "Chúng tôi đã có kế hoạch phân bố lượng vaccine này tới các địa phương có dịch. Trong thời gian tới, việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch. Hy vọng lộ trình này sẽ được hoàn thành vào khoảng cuối tháng 3".
Giáo sư Đặng Đức Anh cho biết vừa qua, một lô vaccine của AstraZeneca đã gây ra một số phản ứng nghiêm trọng, khiến 9/13 quốc gia được cung cấp loại vaccine này phải tạm dừng tiêm chủng để tiếp tục điều tra.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), chưa có bằng chứng về mối liên quan giữa vaccine này và các phản ứng nghiêm trọng gặp phải sau tiêm.
"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo các quốc gia có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nên tiếp tục theo dõi để đánh giá căn nguyên. Trong khi đó, những quốc gia còn lại vẫn được khuyên tiếp tục sử dụng", Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay.
Ngày 14/3, đại diện hãng dược AstraZeneca tuyên bố không tìm được bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 của hãng gây đông máu, sau khi xem xét dữ liệu an toàn của hơn 17 triệu người dùng.
Động thái này được đưa ra sau khi giới chức y tế của nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Áo, Thái Lan... tạm ngưng sử dụng vaccine.
Theo thống kê của chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (TCMR), đến ngày 15/3, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên 11.000 đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ Y tế, khoảng 1/10 số lượng vaccine chúng ta nhập về (117.600 liều).
Về tiến độ sản xuất vaccine trong nước, Nano Covax đã hoàn thành tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Sáng nay, vaccine COVIVAC do Viện Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Theo thiết kế nghiên cứu, 120 tình nguyện viên được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau. Trong sáng nay, 6 tình nguyện viên sẽ được tiêm mũi đầu tiên (vaccine hoặc giả dược).
Sau đó các tình nguyện viên được lưu lại khu thử nghiệm lâm sàng trong 24 giờ để các bác sĩ theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời cũng như ghi nhận biến cố bất lợi xảy ra. Mũi thứ 2 sẽ được tiêm sau 28 ngày. Dự kiến, báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 được hoàn thành vào tháng 7/2021.