Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Hơn 10.000 người tại Việt Nam đã tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19

Trong 6 ngày (3-13/3), 12 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã tiêm phòng vaccine cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu. Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp là những địa phương tiếp theo.

Thông tin từ Chương trình tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), tính tới cuối giờ chiều ngày 13/3, thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vaccine phòng Covid-19. Tổng số người đã được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 10.041. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.

Trong số 12 tỉnh, thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, Hải Dương là địa phương có số lượng người được tiêm nhiều nhất với 6.287 cán bộ, nhân viên y tế. Các địa phương còn lại gồm có Hà Nội (163), Hưng Yên (840), Bắc Ninh (312), Bắc Giang (823), Hải Phòng (205), TP.HCM (774), Gia Lai (200), Long An (193), Đà Nẵng (117), Hòa Bình (32), Khánh Hòa (95).

Dự kiến trong tuần tới, tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp triển khai tiêm chủng. Một số cơ sở y tế tạm ngừng trong 2 ngày cuối tuần và tiếp tục vào đầu tuần tới. Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 tại 6 huyện, thành phố, đó là TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn và Nam Thành. Những nơi còn lại, người dân sẽ được tiêm phòng từ ngày 17/3.

Viet Nam tiem phong vaccine Covid-19 anh 1

Vaccine Covid-19 mà Việt Nam đang sử dụng để tiêm phòng cho người dân là do AstraZeneca sản xuất. Ảnh: Chí Hùng.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 13/3, chương trình TCMR không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca. Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe (bệnh nền, bệnh cấp tính và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng), tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế. Sau tiêm, họ được theo dõi chặt chẽ các biểu hiện sức khỏe và báo cáo hàng ngày.

Trong 6 ngày triển khai, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 7 trường hợp có phản ứng phản vệ độ II. Một số người khác có phản ứng sau tiêm thông thường. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện yêu cầu các sở y tế khẩn trương xác minh thông tin, tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến vaccine sau tiêm chủng. Qua đó, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng và triển khai hoạt động theo quy định.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia quy định phải điều tra nguyên nhân gây phản ứng phụ không mong muốn khi tiêm vaccine. Các đơn vị báo cáo về sở y tế, sau đó gửi lên cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để phân tích. "Đây là điều bình thường được quy định trong hoạt động tiêm chủng", ông nhấn mạnh.

Vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca hiện được phê duyệt tiêm chủng tại 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi triển khai những mũi tiêm đầu tiên, một số quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã hủy bỏ kế hoạch tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Họ nghi ngờ vaccine này gây ra phản ứng phụ đông máu.

Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, khẳng định hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Vì vậy, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Khi nào thế giới có câu trả lời về nguồn gốc của SARS-CoV-2?

Tiến sĩ Peter Daszak cho rằng còn quá sớm để kết luận cách virus truyền sang người dân tại Vũ Hán và khẳng định câu trả lời về nguồn gốc nCoV sẽ có trong vài năm tới.

Thành phố tại Trung Quốc có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp bí ẩn

Tại thành phố Enshi, tỷ lệ mắc Covid-19 chỉ là 6/100.000 cư dân, thấp đáng kinh ngạc so với nhiều nơi ở Trung Quốc.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm