Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

11 phim hoạt hình có cơ hội thắng giải Oscar 2016

“Inside Out”, “The Peanuts Movie”, “The Good Dinosaur”, “Shaun the Sheep”... là những cái tên hàng đầu trong cuộc chạy đua tới tượng vàng Oscar hạng mục phim hoạt hình năm nay.

Inside Out (đạo diễn: Pete Docter): Gây sốt tại cả phòng vé lẫn cho giới phê bình khi ra mắt hồi mùa hè, Inside Out lấy bối cảnh bên trong tâm trí cô bé 11 tuổi Riley, nơi có năm cảm xúc là Niềm vui, Nỗi buồn, Giận dữ, Chảnh choẹ và Sợ hãi chi phối. Hiện phim được đánh giá là ứng cử viên số một cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar 2016.

‘Những mảnh ghép cảm xúc’ - Đỉnh cao mới của Pixar

Tác phẩm hoạt hình dài thứ 15 từ xưởng hoạt hình lừng danh là điểm sáng đầy khác biệt trong một mùa hè tràn ngập các phim bom tấn hành động, siêu anh hùng, cháy nổ...

The Good Dinosaur (đạo diễn: Peter Sohn): Lần đầu tiên trong lịch sử, xưởng hoạt hình Pixar trình làng tới hai tác phẩm lớn trong cùng một năm. Sau Inside Out, khán giả tiếp tục được thưởng thức The Good Dinosaur. Đây là câu chuyện giả tưởng, đặt ra giả thiết rằng loài khủng long chưa bao giờ bị tuyệt diệt bởi thiên thạch. Theo đó, con người và khủng long chung sống bên nhau, và khán giả được theo dõi chuyến hành trình màu nhiệm của hai nhân vật Arlo và Spot.

Trailer bộ phim 'Chú khủng long tốt bụng' "The Good Dinosaur" là tác phẩm hoạt hình của Pixar nhắm đến thị trường nhân dịp Lễ Tạ ơn năm 2015.

The Peanuts Movie (đạo diễn: Steve Martino): Bộ phim là câu chuyện mới toanh xoay quanh hai nhân vật quen thuộc của văn hóa đại chúng nước Mỹ: cậu bé Charlie Brown và chú chó Snoopy, và được kể dưới định dạng 3D. Dù phải đối đầu với bom tấn Spectre tại Bắc Mỹ trong tuần ra mắt, hãng 20th Century Fox rất tự tin cho rằng đây sẽ là một phi vụ thành công.

Trailer bộ phim 'Snoopy' "The Peanuts Movie" là bộ phim hoạt hình của Fox, xoay quanh hai nhân vật nổi tiếng là Charlie Brown và chú chó Snoopy của cậu.

Anomalisa (đạo diễn: Charlie Kaufman): 8 năm sau Synecdoche, New York, Charlie Kaufman trở lại ghế đạo diễn với tác phẩm hoạt hình mang phong cách stop-motion. Anomalisa theo chân một nhà văn gặp khủng hoảng trầm trọng trong cuộc sống và sự nghiệp. Tại Liên hoan phim Quốc tế Venice 2015, bộ phim giành giải thưởng của ban giám khảo và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các tác phẩm đến từ xưởng Pixar.

Shaun the Sheep Movie (đạo diễn: Richard Starzak, Mark Burton): Không được khán giả Bắc Mỹ đón nhận, nhưng Shaun the Sheep thực sự là một tác phẩm hoạt hình chất lượng. Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) vốn rất ưu ái các bộ phim đến từ xưởng hoạt hình Aardman, nên câu chuyện đi tìm ông chủ của cừu Shaun và các bạn vẫn có cơ hội ganh đua trong mùa giải thưởng cuối năm.

Cười hết cỡ với cừu Shaun trong ‘Cừu quê ra phố’

Sau hơn một thập kỷ tung hoành trên sóng truyền hình, chú cừu Shaun và những người bạn chu du lên màn ảnh rộng và tiếp tục đem đến tiếng cười sảng khoái cho người hâm mộ.

Hotel Transylvania 2 (đạo diễn: Genndy Tartakovsky): Ra mắt từ cuối tháng 9, nhưng phần hai của Khách sạn huyền bí vẫn trụ vững trên bảng xếp hạng phim ăn khách khắp toàn cầu trong suốt thời gian qua. Hotel Transylvania 2 có sự xuất hiện của Vlad - cha Dracula. Chúa tể ma cà rồng cảm thấy không hài lòng khi con trai chấp thuận cho cháu gái mình kết hôn rồi sinh con với một chàng trai phàm trần.

‘Khách sạn huyền bí 2’: Hài hước, giàu ý nghĩa

“Hotel Transylvania 2” có chất lượng không hề thua kém tập đầu tiên cách đây ba năm và đem lại thắng lợi vang dội cho Sony Pictures tại phòng vé trong những ngày cuối tháng 9.

Minions (đạo diễn: Kyle Balda, Pierre Coffin): Binh đoàn “tiểu quái da vàng” của Illumination Entertainment là một thế lực đáng gờm tại phòng vé khi thu về tới hơn 1 tỷ USD hồi mùa hè. Minions giành tình cảm từ phía công chúng, nhưng lại không thuyết phục được giới phê bình. Song, thành tích vượt trội tại phòng vé có thể giúp phim vẫn có tên trong cuộc đua giải thưởng cuối năm nay.

‘Minions’: Thừa hài hước, thiếu tinh tế

Bộ phim riêng về nhóm nhân vật da vàng minion đem đến rất nhiều tình huống hài hước. Nhưng kịch bản tác phẩm càng về cuối càng trở nên “mỏng cơm”.

Home (đạo diễn: Tim Johnson): Bộ phim hoạt hình của 20th Century Fox là chuyến hành trình bất đắc dĩ của một sinh vật ngoài hành tinh có tên Oh và cô bé thông minh Tip. Cả hai có những mục đích khác nhau, nhưng đều cần lẫn nhau để thực hiện chúng. Dù gặt hái thành công tại phòng vé, cơ hội của Home ở Oscar 2016 chủ yếu nằm ở hạng mục Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc với Feel the Light do Jennifer Lopez thể hiện.

The Boy and the Beast (đạo diễn: Mamoru Hosoda): Một trong những nhà làm phim hoạt hình nổi tiếng nhất Nhật Bản trở lại trong năm 2015 với câu chuyện giả tưởng, xoay quanh chuyến hành trình của một cậu bé cô đơn và một sinh vật nửa người - nửa gấu kỳ lạ. Tại đó, họ khám phá ra mình đều cần đến đối phương và trở nên trưởng thành hơn trong cuộc sống. Một số bài phê bình tại xứ sở hoa anh đào so sánh The Boy and the Beast với câu chuyện kinh điển The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh).

When Marnie Was There (đạo diễn: Hiromasa Yonebayashi): Đến từ xưởng hoạt hình lừng danh Studio Ghibli, When Marnie Was There là câu chuyện cảm động về tình bạn và cuộc sống. Đó là khi một thiếu nữ tomboy kết bạn với cô gái tóc vàng bí ẩn, người mà dường như chỉ mình cô trông thấy. Điều đó có thể giúp bộ phim Nhật Bản trở nên tách biệt so với các đối thủ và chiếm chỗ trong các danh sách đề cử giải thưởng năm nay.

 

The Boy and the World (đạo diễn: Ale Abreu): Tác phẩm hoạt hình đến từ Brazil là chuyến hành trình đi tìm cha của một cậu bé cô đơn. The Boy and the World đến từ những nét vẽ tay mang phong cách tối giản, đối lập với xu hướng 3D hoặc kỹ thuật số hiện đại của Hollywood. Phim từng thắng hai giải quan trọng tại Liên hoan phim Hoạt hình Quốc tế Annecy nổi tiếng hồi năm ngoái.

Việt Phương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm