1. Sống chân thành: Đây là điều đầu tiên TS Travis Bradberry, tác giả cuốn sách "Trí tuệ Cảm xúc 2.0" khuyên thế hệ trẻ trong năm 2020. Theo ông, con người thường bị thu hút, thích chơi, làm việc cùng người chân thành vì biết có thể tin tưởng họ. Những người như vậy biết mình là ai, đủ tự tin để thoải mái khi sống là chính mình. Họ cũng có sức hút hơn người cố đưa ra lựa chọn, hành động vì nghĩ nó khiến người khác thích họ. Ảnh: AP. |
2. Hỏi những câu có ý nghĩa: Sai lầm lớn nhất khi giao tiếp là quá chú ý đến những gì mình sắp nói hoặc lời người khác nói sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mình thay vì nội dung đang được nói. Để tránh tình trạng đó, người trẻ nên đặt câu hỏi để nắm thông tin người khác muốn truyền đạt. Nó cũng giúp người đối diện cảm thấy được tôn trọng và có thiện cảm hơn. Ảnh: Shutterstock. |
3. Sẵn sàng tiếp thu: Không ai muốn giao lưu với người đã định sẵn ý kiến và không tiếp thu tư tưởng của người khác. Để bắt đầu một năm thuận lợi, người trẻ nên học cách mở rộng tư duy, sẵn sàng tiếp thu ý tưởng mới cùng sự giúp đỡ từ người xung quanh, đặc biệt ở nơi làm việc. Đương nhiên, điều này không có nghĩa bạn phải tin tưởng lời người khác hay chấp nhận hành vi của họ, chỉ đơn giản là biết gạt bỏ định kiến, chịu khó lắng nghe để hiểu họ muốn nói gì. Ảnh: Getty Images. |
4. Không cố thu hút sự chú ý: TS Travis Bradberry cho rằng người giao tiếp thân thiện, tự tin, súc tích sẽ dễ giành được sự chú ý và tin tưởng từ người xung quanh hơn người cố tỏ ra mình quan trọng. Ngoài ra, người trẻ cũng cần chú ý đến người xung quanh, khiêm tốn và biết đánh giá cao sự hỗ trợ từ họ. Ảnh: Getty Images. |
5. Kiên nhẫn: Khi tiếp cận người khác, mọi người thường muốn biết họ đang nói chuyện với ai và nhận phản hồi như thế nào. Vì thế, kể cả khi cảm xúc không ổn định, người trẻ vẫn nên duy trì cách hành xử bình thường, kiên nhẫn trò chuyện với người khác. Việc này giúp bạn trở nên đáng tin, dễ mến hơn. Ảnh: Shutterstock. |
6. Dùng ngôn ngữ cơ thể tích cực: Cử chỉ, biểu cảm và tông giọng là yếu tố quan trọng khi trò chuyện. Giữ giọng nói nhiệt tình, buông lỏng hai tay, duy trì giao tiếp bằng mắt là biểu hiện của việc dùng ngôn ngữ cơ thể tích cực. Người có trí tuệ cảm xúc cao thường dùng nó để thu hút, tạo thiện cảm với người khác. Ảnh: Getty Images. |
7. Để lại ấn tượng ban đầu tốt: Nghiên cứu cho thấy người khác thường quyết định thích hay không thích ai đó trong vòng 7 giây gặp gỡ đầu tiên. Họ dành khoảng thời gian còn lại trong buổi trò chuyện để âm thầm chứng minh nhận định ban đầu của mình. Vì thế, để có mối quan hệ tốt đẹp, người trẻ cần biết tạo ấn tượng ban đầu tốt. Việc này thường được thực hiện thông qua ngôn ngữ cơ thể tích cực. Ảnh: Getty Images. |
8. Nhớ tên người khác: Nghiên cứu chỉ ra con người cảm thấy có giá trị khi người khác nhớ tên họ trong buổi giao tiếp. Vì thế, một trong những cách để ghi điểm với người xung quanh là nhớ và gọi tên họ. Nếu bạn không thể nhớ sau lần hỏi đầu tiên, khi gặp lại, đừng quên hỏi lại và nhớ kỹ. Ảnh: Getty Images. |
9. Mỉm cười: TS Travis Bradberry khuyên người trẻ nên mỉm cười khi nói chuyện nếu muốn giành thiện cảm từ người xung quanh. Nghiên cứu cho thấy con người thường chịu ảnh hưởng và dễ bắt chước cử chỉ của người đối diện. Vì thế, khi trò chuyện, nếu bạn mỉm cười, người khác sẽ phản hồi lại bằng cử chỉ thân thiện, thoải mái. Ảnh: AP. |
10. Động chạm người khác hợp lý: Sự động chạm hợp lý trong giao tiếp giúp con người tin tưởng nhau, cảm thấy thoải mái hơn. Một cái chạm nhẹ vào vai, bắt tay hay ôm đều mang lại hiệu quả tốt nếu bạn động chạm đúng người, theo cách hợp với họ. Nếu không, nó sẽ phản tác dụng. Ảnh: Getty Images. |
11. Cân bằng giữa hoài bão và thú vui: Mọi người thường hướng tới người có hoài bão. Nhưng những người này cũng dễ trở nên quá nghiêm túc vì mải mê công việc. Trong khi đó, người dễ mến biết cân bằng giữa hoài bão và các thú vui. Trong công việc, họ nghiêm túc nhưng vẫn thân thiện, tương tác tích cực với đồng nghiệp thay vì chú tâm vào tin đồn. Ảnh: Getty. |