Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

13 nhóm ngành nghề cần nhiều lao động ở Sài Gòn

Giai đoạn 2018-2025, mỗi năm, TP.HCM cần khoảng 300.000 lao động. Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ.

Tại tọa đàm cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2019 diễn ra sáng 30/11 tại TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đưa ra những thống kê mang tính dự báo về nhu cầu lao động tại thành phố trong 7 năm tới.

Theo đó, từ 2018-2025, thành phố cần thêm 300.000 việc làm mỗi năm (150.000 việc làm tăng thêm). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%.

nganh nghe can nguon lao dong anh 1
Ông Trần Anh Tuấn cho biết nhu cầu nhân lực sẽ tập trung chủ yếu ở 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ. 

Cụ thể, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là Điện tử - Công nghệ thông tin; Cơ khí tự động hóa - Cơ điện tử; Hóa chất - Nhựa - Cao su; Chế biến lương thực - Thực phẩm, chiếm tỷ trọng 21%.

42% nhu cầu lao động tập trung ở 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ gồm: Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng - Bảo hiểm; Giáo dục - Đào tạo; Du lịch; Y tế; Kinh doanh tài sản - Bất động sản; Dịch vụ tư vấn, Khoa học - Công nghệ, Nghiên cứu và triển khai; Thương mại; Dịch vụ vận tải - Kho bãi - Dịch vụ cảng; Dịch vụ bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin.

138.000 chỗ làm việc tương đương 37% nhu cầu nhân lực thuộc về các ngành nghề khác như: Quản trị kinh doanh (ngoại thương, xuất nhập khẩu, logistic); Marketing; Bán hàng; Dịch vụ - Phục vụ; Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng; Dệt may - Giày da; Thiết kế mỹ thuật ứng dụng, thiết kế thời trang; Công nghệ truyền thông; Chăm sóc sức khỏe (nha sĩ, y sỹ, kỹ thuật y, công nghệ y sinh); Khoa học - xã hội - văn hóa - nghệ thuật...

Cũng theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN làm cho không gian thị trường lao động sôi động hơn. Người lao động được tự do di chuyển tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt là lao động có kỹ năng và ngoại ngữ.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho thị trường lao động. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước.

Đặc biệt, nhân lực trong ngành công nghệ kỹ thuật - nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa sẽ bị tác động mạnh mẽ và có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.

'Mỗi năm cả nước có thêm 200.000 sinh viên thất nghiệp' Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết nước ta đang đối mặt với tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu nguồn lao động chất lượng cao

Sinh viên có được kiện trường nếu tốt nghiệp không có việc làm?

Khi “học phí” thay bằng “giá dịch vụ đào tạo”, điều khiến sinh viên, phụ huynh lo lắng nhất là chi phí phải bỏ ra để học đại học chắc chắn sẽ tăng.

Bộ trưởng GD&ĐT: 200.000 sinh viên thất nghiệp, tỷ lệ không quá lớn

“Tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam khoảng trên dưới 4%. Đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới", báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm