Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên có được kiện trường nếu tốt nghiệp không có việc làm?

Khi “học phí” thay bằng “giá dịch vụ đào tạo”, điều khiến sinh viên, phụ huynh lo lắng nhất là chi phí phải bỏ ra để học đại học chắc chắn sẽ tăng.

Nhưng tăng học phí, liệu có đi kèm với tăng chất lượng đào tạo, hay hàng năm vẫn có hàng nghìn sinh viên ra trường không có việc làm?

Học phí tăng theo giá, chất lượng đào tạo ra sao?

Cách đây không lâu, cô Pok Wong - cựu sinh viên Đại Anglia Ruskin (Anh) - đã đưa đơn khởi kiện trường cũ và đòi bồi thường số tiền khoảng hơn 60.000 bảng. Lý do cô kiện trường là vì 2 năm học tập ở đây chẳng mang lại cho cô điều gì, mặc dù tốt nghiệp xuất sắc. Việc trường này khẳng định về “một nền giáo dục có chất lượng và triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp” là gian dối.

Nhưng đó là câu chuyện ở nước ngoài, còn tại Việt Nam, chưa có tiền lệ.

Thậm chí hàng năm, số lượng sinh viên ra trường không có việc làm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vậy mà sau này, học phí đại học có thể sẽ tăng theo giá, được tính đủ, tính đúng khi chuyển thành "giá dịch vụ đào tạo" như đề xuất của Bộ GD&ĐT.

Với tư cách là một phụ huynh, bàn về câu chuyện này, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng "học phí" hay "giá dịch vụ đào tạo" chỉ khác nhau về từ ngữ, còn về bản chất vẫn là việc người học phải trả một khoản tiền để được học trong trường đại học.

Vấn đề quan trọng là thời gian tới, Nhà nước sẽ giao cho các trường đại học được tự chủ, trong đó có việc tự chủ về tài chính. Nếu Nhà nước khoán trắng, thì toàn bộ chi phí đào tạo sinh viên sẽ phải lo, từ tiền lương của giảng viên, tiền mua sắm trang thiết bị… Nếu như vậy sẽ gây áp lực lớn lên người học.

hoc phi thanh gia dich vu dao tao anh 1
Việc các trường tính học phí theo giá dịch vụ đào tạo sẽ là một áp lực lên học sinh, sinh viên và gia đình.

Cùng suy nghĩ, Tuấn Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lo lắng: "Nếu các trường nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng được một kế hoạch giúp sinh viên ra trường có công ăn việc làm ổn định, chứng minh được đồng tiền họ bỏ ra là xứng đáng, thì chắc chắn nhiều người sẽ ủng hộ.

Ngược lại, nếu thu giá đào tạo cao mà chất lượng lại không tương xứng, thì thiệt thòi nhất là sinh viên và gia đình. Liệu ra trường không có việc làm, sinh viên có được trả lại những khoản chi phí đóng góp hay không?”.

Làm giáo dục không thể coi như kinh doanh

Khẳng định tăng học phí phải tương ứng với tăng chất lượng đào tạo, luật sư Bùi Đình Ứng cũng cho rằng Nhà nước nhất định phải có cơ chế quản lý, chứ không để các trường muốn định giá bao nhiêu cũng được.

Ví dụ, Nhà nước có thể khống chế bằng mức sàn và có quy định rõ những gì được tính vào chi phí đào tạo, những gì không.

“Làm giáo dục không thể coi như kinh doanh các mặt hàng khác được. Tất nhiên cũng phải có thu để đủ bù đắp cho chi phí đào tạo và có lợi nhuận một phần, nhưng không thể muốn tăng bao nhiêu thì tăng.

Bởi giáo dục đào tạo ra con người, đào tạo ra lực lượng lao động cho thế hệ sau, nên đòi hỏi người làm giáo dục phải có tâm, phải hỗ trợ hết sức cho người học.

Quan trọng hơn, nếu học phí tăng quá cao mà chất lượng đào tạo chưa tương xứng, đồng nghĩa với các trường đang tự đào thải mình" - luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ.

Hà Nội dự kiến tăng học phí, tác động đến 1,8 triệu học sinh

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa gửi phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018-2019. Mức học phí này sẽ tác động đến 1,8 triệu học sinh trên địa bàn.

https://laodong.vn/giao-duc/hoc-phi-thanh-gia-dich-vu-dao-tao-sinh-vien-co-duoc-kien-truong-neu-tot-nghiep-khong-co-viec-lam-610473.ldo

Theo Bích Hà / Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm