Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội dự kiến tăng học phí, tác động đến 1,8 triệu học sinh

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa gửi phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018-2019. Mức học phí này sẽ tác động đến 1,8 triệu học sinh trên địa bàn.

Trong tờ trình gửi UBND thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tăng học phí năm học 2018-2019 để cải cách tiền lương và chi cho sự nghiệp giáo dục hàng năm.

Cụ thể, theo lộ trình, học phí năm học 2018-2018 đối với học sinh ở địa bàn thành thị là 155.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 45.000 đồng với với năm học trước), học sinh nông thôn 75.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 20.000 đồng) và học sinh miền núi 19.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 5.000 đồng).

Ha Noi tang hoc phi anh 1
Khoảng 1,8 triệu học sinh trên địa bàn Hà Nội sẽ chịu tác động từ mức học phí mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết các trường sẽ không được quyền giữ lại toàn bộ học phí để chi tiêu. Căn cứ quy định, Chính phủ sẽ sử dụng 40% để cải cách tiền lương. 60% còn lại được nộp về thành phố để phục vụ giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất tại các trường.

Ngành giáo dục đang đề nghị thành phố đầu tư lại số tiền học phí đã đóng để tăng đầu tư lại cho giáo dục. Mức tăng học phí này tính ra cũng mới đạt 11%, phần còn lại vẫn là tiền ngân sách.

Ngoài ra, theo lộ trình, học phí hàng năm chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập của Hà Nội được điều chỉnh tăng dần.

Đến năm học 2020-2021, mức thu học phí của Hà Nội sẽ bằng mức cao nhất trong khung học phí quy định tại Nghị định 86 (năm 2015) - đối với vùng thành thị là 300.000 đồng và nông thôn 120.000 đồng. Học phí các xã miền núi của thành phố bằng 50% mức cao nhất trong khung, tức 30.000 đồng.

Mức tăng này dựa trên nguyên tắc phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND thành phố đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục.

Ha Noi tang hoc phi anh 2
Học phí năm 2017-2018 và phương án tăng học phí năm học 2018-2019 của Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Sương.

Cụ thể, việc tăng học phí phải phù hợp đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội, qua khảo sát thống kê, hiện nay, học phí của Hà Nội không cao. Mức thu này thậm chí thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh thuộc địa bàn khu vực sông Hồng. Sở đề xuất mức tăng không vượt quá 2% thu nhập người dân.

Phương án mới được đề ra theo Nghị quyết 01 năm 2016. Theo đó, đến năm 2020-2021, Hà Nội đảm bảo mức trần của khung Nghị định 86, quy định cho năm học 2014-2015, riêng với miền núi chỉ bằng 50%. Với phương án này, các đối tượng chính sách miễn giảm được đảm bảo. 

Hiện tại, thành phố có 2.641 đơn vị trường học với khoảng 1,8 triệu học sinh. Quy định mới về mức học phí phổ thông sẽ tác động đến phần lớn số học sinh này.

'Giá dịch vụ đào tạo' tác động đến người học như thế nào? Một số chuyên gia giáo dục cho rằng nếu "học phí" được chuyển thành "giá dịch vụ đào tạo" sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc thu hút học sinh.

Đổi học phí thành giá dịch vụ: Đừng biến trường học thành hàng hóa

Theo TS Lê Viết Khuyến, không thể quy đổi học phí thành giá dịch vụ đào tạo, bởi giá trị của hai khái niệm này không tương đương nhau.



Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm