Trình bày trước Quốc hội sáng 30/5 các nội dung sửa đổi bổ sung Luật giáo dục Đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập việc đổi thuật ngữ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo".
Theo ông Nhạ, tên gọi "giá dịch vụ đào tạo" được đề xuất trong Luật giáo dục Đại học sửa đổi, được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác...
Không phù hợp
Chia sẻ với Zing.vn trưa 30/5, TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay “giá dịch vụ đào tạo” sẽ khiến hiểu giáo dục thành hàng hóa, thương mại. Ông đề xuất chuyển thành “chi phí đào tạo”. Quy trình để có được mức học phí hay chi phí đào tạo cần tính toán kỹ lưỡng.
“Trước tiên, chúng ta cần hiểu mục tiêu đào tạo cần ra sản phẩm gì? Mục tiêu đào tạo cao chót vót, sánh vai cùng các trường đại học hàng đầu sẽ khác so với trường trung bình", TS Khuyến phân tích.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quân Minh. |
Sau khi đặt ra mục tiêu, các trường sẽ tính chi phí đào tạo, trong đó có phần do Nhà nước hỗ trợ, huy động từ cộng đồng, xã hội, cũng như chi phí dành cho dịch vụ, nghiên cứu khoa học, tuyển sinh. Phần chi phí tính toán cho người học là học phí.
Theo TS Lê Viết Khuyến, học phí không thể là từ chung chỉ tất cả chi phí trên, và không thể sánh bằng hay quy đổi thành “giá dịch vụ đào tạo”. Bởi nếu học phí nhiều như thế, người dân nào chịu nổi. Việc xác định “giá dịch vụ đào tạo” như bộ trưởng nói cũng phải "liệu cơm gắp mắm", không thể đặt giá… trên trời.
Bộ GD&ĐT giải thích thế nào?
Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo.
Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.
Sáng 30/5, trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng học phí là khái niệm lâu nay, giờ chuyển sang tự chủ có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật giá, đảm bảo tương xứng chất lượng đào tạo. Việc tính toán toàn bộ để hạch toán theo tự chủ thì gọi là "giá dịch vụ đào tạo".
Nói về việc có cần thiết đổi tên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định vấn đề tên gọi là chuyện khác, tinh thần phải làm sao cho thuận và phản ánh đúng bản chất theo luật.
"Mặt nội hàm thì giá dịch vụ đào tạo và tên gọi thông thường học phí là hai vấn đề không phải một. Việc này còn đang bàn", ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Ông cũng phân tích trước hết, thuật ngữ phải theo luật và vận dụng sao cho phù hợp thực tiễn. Việc này sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, ban soạn thảo sẽ tiếp thu chính lý.
Đến trưa 30/5, Bộ GD&ĐT đưa ra phản hồi của cơ quan soạn thảo. Theo đó, cơ quan này cho hay, ý kiến của cơ quan thẩm tra chủ yếu về sử dụng thuật ngữ, không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật.
Theo quy định của Luật phí, lệ phí hiện nay, học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ theo quy định của Luật giá. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, với những khoản người học phải đóng góp cho quá trình học, thuật ngữ học phí vẫn nên sử dụng để đảm bảo tính thông dụng, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Điều 105 dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí đã được đổi mới theo Luật giá. Điều 105 nêu trên quy định: Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nội dung này được cơ quan thẩm tra đồng thuận.
Về tên gọi "giá dịch vụ đào tạo", theo điều 65 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học không chỉ quy định về học phí mà còn về các vấn đề như: Nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/không sử dụng ngân sách Nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… Giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả nội dung được đề cập trong điều này.
Riêng phần đóng cho đào tạo được viện dẫn sang điều 105; nghĩa là đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí.
Về nội dung, đối với dịch vụ do Nhà nước đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí để thực hiện và các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định khung giá và giá cụ thể.
Những dịch vụ không sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Các mức này đều được tính theo cơ chế tính giá và phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng thông báo tuyển sinh.
Quy định như trên với mục đích đảm bảo đổi mới căn bản về tài chính giáo dục đại học, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, minh bạch để người học lựa chọn các chương trình, cơ sở đào tạo phù hợp.
Dự thảo mới được đưa ra xin ý kiến Quốc hội và toàn xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để hoàn thiện trong thời gian tới.
Không đồng ý thay đổi thuật ngữ "học phí"
Sáng 30/5, trình bày báo cáo thẩm tra tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng đa số ý kiến thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, các ý kiến không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự thảo luật và do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.