Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

15 ngày giãn cách, nhiều người ở TP.HCM loay hoay vì không biết nấu ăn

Nhiều bạn trẻ thường không tự nấu nướng tại nhà. Quy định giãn cách xã hội mới buộc họ phải tìm cách thích nghi.

Nhận tin các cửa hàng tại TP.HCM không được bán mang về theo chỉ thị mới, Kim Hồng (25 tuổi, quận Bình Thạnh) khá hoang mang bởi lẽ tất cả thiết bị nấu nướng mà cô có chỉ là một chiếc ấm điện siêu tốc.

Hồng mở ứng dụng thương mại điện tử để mua một chiếc nồi đa năng, chỉ cần cắm điện là nấu được cơm cùng một số món kho, hấp đơn giản.

Tuy nhiên, Hồng vẫn tiếp tục trăn trở với câu hỏi "Hôm nay ăn gì?" vì 7 ngày nữa mới có thể nhận hàng.

Nguoi tre loay hoay nau an khi gian cach xa hoi anh 1

Các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi được nhiều khách hàng săn đón sau khi Chỉ thị 16 có hiệu lực. Ảnh: Quỳnh Danh.

Loay hoay nấu nướng những ngày giãn cách

Món ăn đầu tiên Kim Hồng nghĩ đến chính là mì gói và đồ ăn chế biến sẵn tại cửa hàng tiện lợi. Mỗi ngày 3 bữa, mỗi bữa lại chọn một món khác nhau. Giải pháp này tưởng chừng dễ dàng, nhưng chỉ 2 ngày là Hồng chán nản.

"2 ngày nay mình ăn mì và đồ ăn sẵn thấy rất ngán. Mình thèm đồ ăn mặn và những món nóng hổi.

Hơn nữa không thể bữa nào cũng ra ngoài mua đồ thế này được. Chỗ mình trọ lại không có tủ lạnh để tích trữ nhiều đồ một lúc", Hồng chia sẻ.

Giống như Kim Hồng, Hoàng Thanh (24 tuổi, quận 8) đã mua sẵn mì tôm để tích trữ trong nhà. Cách đây mấy ngày, gia đình Thanh ở quê dự định "tiếp tế" thực phẩm để cậu bạn có thể chủ động nấu nướng.

Tuy nhiên Thanh từ chối bởi không muốn ba mẹ phải đi lại vất vả. Hơn nữa phòng trọ cậu không có đủ đồ dùng để nấu ăn.

"6 năm qua, kể từ khi lên TP.HCM học tập, mình đều ăn uống ngoài tiệm, không nấu ăn do khu trọ không cho sử dụng bếp. Phòng mình chỉ dùng cho việc nghỉ ngơi sau khi đi học, đi làm về.

Những ngày này mình ăn mì gói suốt rất chán, đồ ăn siêu thị cũng không hợp khẩu vị. Nhưng mình đành chấp nhận vậy thôi", Thanh nói.

Thái Sơn (thành phố Thủ Đức) cũng đang loay hoay tìm cách để cứu đói bản thân trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện tại.

Khác với Hồng Nhung và Hoàng Thanh, Thái Sơn đã có sẵn một số dụng cụ nấu ăn tại nhà. Tuy nhiên đó đều là do mẹ mua cho, Sơn thậm chí còn không phân biệt được các loại chảo. Món trứng ốp la cháy khét khi rán bằng nồi là kết quả đáng tiếc của cậu.

Nguoi tre loay hoay nau an khi gian cach xa hoi anh 2

Món trứng cháy khét của Thái Sơn.

"Mình không biết rằng chiếc nồi nhà mình không chống dính. Sau khi nấu canh, mình đổ dầu ăn vào nồi để rán trứng khiến dầu bắn tung toé. Sau đó trứng còn bị cháy và dính vào đáy nồi", Thái Sơn kể lại.

Rút kinh nghiệm từ món trứng ốp la, Sơn sau đó chỉ chủ yếu chế biến món xào hoặc luộc.

Thịt heo luộc, rau cải luộc, trứng luộc là những món ăn quen thuộc với Sơn 2 ngày vừa qua.

"Mình đã đi siêu thị mua nhiều thịt và rau tích trữ trong tủ lạnh. Mình có học theo những video nấu ăn trên Internet nhưng thật sự chưa món nào thành công. Mình coi 15 ngày này là cơ hội để mình ăn toàn những món luộc, dù hơi chán nhưng tốt cho sức khoẻ", Sơn lạc quan.

Ứng phó nhờ kỹ năng sống tự lập

Bên cạnh những người bối rối tìm cách ăn uống khi giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ khác lại bình tĩnh hơn.

Nguoi tre loay hoay nau an khi gian cach xa hoi anh 3

Phương Linh không hề bối rối trước chỉ thị mới của thành phố.

Phương Linh (24 tuổi, quận Bình Thạnh) chỉ chuẩn bị thực phẩm đủ cho 5-7 ngày như thường lệ. Khi dịch diễn biến phức tạp ở TP.HCM, cô chuyển sang đi chợ theo tuần để hạn chế ra ngoài nhất có thể.

Vài ngày trước, gia đình Linh gửi cho cô một thùng nông sản. Món quà này trở nên hữu ích hơn bao giờ hết khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

"Từ khi sống một mình ở TP.HCM, đây là lần thứ 2 mình trải qua cảnh giãn cách xã hội. Lần này, mình may mắn được người thân gửi một ít rau củ nên chỉ cần mua thêm một vài lạng thịt, không cần tích trữ nhiều gây lãng phí", Phương Linh nói.

Trước giai đoạn giãn cách, Phương Linh thỉnh thoảng gọi đồ ăn giao tới nhà vì bận công việc hay muốn đổi khẩu vị.

Cô cho biết lối sống này khá phổ biến với nhiều bạn trẻ, song kỹ năng nấu nướng sẽ có ích trong thời điểm hiện tại.

Nguoi tre loay hoay nau an khi gian cach xa hoi anh 4

Khôi Nguyên cho rằng nấu nướng là kỹ năng cần thiết của mỗi người.

"Sống một mình, nhất là vào lúc dịch căng thẳng, không dễ dàng. Nhờ kinh nghiệm sống tự lập và ứng phó với đợt dịch trước, mình bình tĩnh hơn, không còn lúng túng chuyện ăn uống, sinh hoạt nữa.

Ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất, mình cũng cố gắng tìm hoạt động giúp tâm trí thoải mái khi ở nhà toàn thời gian. Mình chăm cây, chơi với mèo cưng và gọi điện cho người thân nhiều hơn", cô cười và nói.

Tương tự Phương Linh, Khôi Nguyên (23 tuổi) cũng mua sẵn rau củ, thịt cá đủ dùng trong 3-4 ngày.

Nguyên cho biết trước đó mình thường xuyên nấu ăn tại nhà, ít gọi món ngoài tiệm nên không hoang mang, lo lắng khi dịch vụ giao đồ ăn, mua mang về bị tạm dừng.

"Với mình, nấu nướng và sắp xếp cuộc sống là kỹ năng cần thiết để sống một mình, bất kể nam hay nữ. Mình biết nhiều người gặp khó khăn lúc này, nên mong rằng tất cả sẽ tìm được cách ứng phó để cùng nhau vượt qua dịch bệnh", Nguyên chia sẻ.

Tối 10/7, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn, giao Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm thiết yếu tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các doanh nghiệp bán lẻ phối hợp hệ thống giao hàng online và các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân.

UBND các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn để có giải pháp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như tổ chức lực lượng tình nguyện viên "đi chợ thay", trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên và giao trực tiếp đến người dân.

Đối với người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác, địa phương có thể chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí.

Bé lớp 3 ở TP.HCM bán bánh, ủng hộ quỹ vaccine Covid-19

Nguyễn Hoàng Thảo My (9 tuổi) còn làm thêm hàng trăm chiếc bánh để gửi tặng các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Thục Hạnh, Trang Minh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm