Ngày 9/8, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế và phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Tại lễ phát động, Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức trao thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho đại diện của hơn 100 người đăng ký hiến tạng từ trước. Đồng thời, trung tâm tiếp nhận đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi qua đời của hơn 150 cá nhân, chủ yếu là y, bác sĩ và cán bộ viên chức đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Nhiều y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Ảnh: Điền Quang. |
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, ghép tạng là thành tựu đỉnh cao của y học nhân loại hiện nay. Ước tính, số bệnh nhân suy chức năng các cơ quan như tim, thận, gan, phổi đang chờ được ghép tạng lên đến 16.000 người.
Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu từ năm 2001 với ca ghép thận đầu tiên. Đến năm 2014, bệnh viện đã thực hiện 200 ca ghép thận và 1 ca ghép tim. Năm 2015, bệnh viện này thành lập đơn vị Điều phối ghép tạng.
Tính đến tháng 8/2019, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện được gần 800 ca ghép thận, 4 ca ghép tim và 1 ca ghép tim phổi, 7 ca ghép giác mạc.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho rằng hiến mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp nhất. Khi linh hồn ra đi, thể xác trở về với cát bụi, để một phần cơ thể ở lại giúp các bệnh nhân có thể chữa trị là việc làm thiêng liêng và cao quý.
Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Google Maps. |