Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2 cây cỏ đặc biệt lọt vào giải Nobel Y học

Lọt vào tầm của Nobel Y học danh giá không phải dễ, nhưng có 2 loại cây đã lên ngôi. Nó là nguồn cội của sáng tạo y học, đồng thời cũng là nguồn cội của cứu thế nhân gian.

Cam và câu chuyện về bảo tồn sự sống

Cây cam vốn là một loại cây thân thuộc. Loại cây này trong y học cổ truyền có nhiều công dụng để làm thuốc. Quả cam có vị chua ngọt, tính lương, có tác dụng sinh tân, giải khát, khai vị, chữa ho, dùng để chữa ho hen lâu ngày, kích thích ăn uống, giải rượu.

Có một sự thật ít ai biết, cam gắn liền với vitamin C, gắn liền với nhà sinh lý học Albert Szent Gyorgyi, nhà khoa học giành giải Nobel Y học năm 1937.

Cha đẻ của vitamin C là Albert Szent Gyorgyi de Nagyrapolt (1893-1986). Szent Gyorgyi là một nhà sinh lý người Hungary. Ông sinh ra ở Budapest, thủ đô của Hungary. Ông giành giải thưởng Nobel Y học năm 1937 cho khám phá kỳ vĩ của mình: vitamin C. Ông cũng là nhà khoa học lỗi lạc tìm ra các chất hóa học và các phản ứng của vòng chuyển hóa citric.

Vitamin C là một loại vitamin có khá nhiều chức năng, nó giúp cơ thể tăng cường chuyển hóa chất, tăng sử dụng chất bột đường, chất béo và chất đạm. Vitamin C hoạt động như một chất chống ôxy hóa, chống lại các gốc tự do thừa thãi hoạt động trong cơ thể. Nó là vitamin cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của xương, răng, lợi, dây chằng và thành mạch. Vitamin C cũng là một thành tố tâm điểm trong tái tạo collagen và trong khả năng tái tạo các cơ quan tổn thương. Nó có khả năng làm tăng sức miễn dịch chung của cơ thể, tăng khả năng đề kháng với bệnh nhiễm trùng và đương nhiên, nó chống lại bệnh thiếu vitamin C - bệnh Scurvy. Và điều quan trọng, vitamin C, đã giúp Szent Gyorgyi trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu.

Cha đẻ của vitamin C là Albert Szent Gyorgyi de Nagyrapolt (1893-1986).

Quá trình tìm ra vitamin C thực cũng không hề bằng phẳng. Trước khi tìm ra nó, người ta đã phải chứng kiến nhiều người bị bệnh do nó gây ra. Chừng hơn 2 thế kỷ trở về trước, các thủy thủ lênh đênh trên biển dài ngày đã thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vitamin C từ thực phẩm tươi. Và gần như họ phải trải nghiệm qua những chứng bệnh dị thường mà bản thân họ không hiểu điều gì đang xảy ra, do tội lỗi hay do chúa trời định đoạt. Họ chỉ biết lợi răng bị sưng, chảy máu chân răng, rụng răng, xuất huyết dưới da, vết thương liền rất chậm nếu như bất cẩn.

Dày công nghiên cứu, các nhà khoa học mới chỉ dừng lại ở mức, có lẽ trong các thực phẩm tươi có một “chất gì đó” có khả năng phục hồi và bảo vệ sự sống. Bởi nếu bổ sung nhóm thực phẩm tươi thì người ta lại khỏe mạnh và hoàn toàn không mắc bệnh. Hai nhà nghiên cứu Axel Holst và Alfred Frohlich đã đề xuất giả thiết về sự tồn tại của chất kỳ diệu đó (sau này được gọi là vitamin C) vào đầu những năm 1970 nhưng không ai chỉ ra được sự xác thực. Phải đợi mãi đến các năm 1920, Szent Gyorgyi mới làm được điều mà các nhà khoa học khác không làm được: nhận ra, phân lập và xác định chính xác sự hiện hữu của vitamin C. Chất này có cấu trúc giống với đường (glucose) và có tính chất như một axit. Ông gọi đó là axit hexuronic, chính là vitamin C ngày nay, một chất có khả năng tách và nhập nguyên tử hydro, ông gọi là chất mang hydro. Song nếu chỉ dừng ở đó thì ông cũng chưa được đăng quang.

Vào một ngày đẹp trời, ông lang thang trong vườn cam. Trong lúc nghiên cứu, quan sát và thí nghiệm, ông đã vô tình làm rớt những giọt nước cam vào đống rau củ bị chặt bỏ. Ông ghi nhận một hiện tượng vô cùng quan trọng: những rau củ có thêm những giọt nước cam, chúng lâu bị thối rữa hơn những rau củ khác. Ông bắt đầu thu hút sự chú ý của mình vào dung dịch cam và nhận thấy trong cam có rất nhiều axit hexuronic. Chất này chính là chất chống lại sự hủy hoại - vitamin C. Chính chất này có khả năng phục tồn sự sống, phòng vệ sự phá hủy và chống lại sự thối rữa. Chất đó là bệ đỡ cho giải Nobel Y học đã vinh danh.

Thanh hao hoa vàng - Cứu thế nhân loại

Thanh hao hoa vàng là một cây thuốc rất quý. Cây cao khoảng 1,5 mét, lá xẻ lông chim 2 lần, vò nát lá có mùi thơm. Hoa có màu vàng nhạt nên còn gọi là cây thanh hao hoa vàng. Quả có đài hình trứng. Cây thanh hao hoa vàng trong y học cổ truyền có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, bổ hư, lợi tiểu, thông khí trệ. Câu chuyện nếu chỉ dừng có thế thì thanh hao hoa vàng cũng chỉ nằm trong nhóm các cây thuốc bình thường của y học cổ truyền. Thanh hao hoa vàng khiến cho cả bác sỹ đông y và tây y chú ý, cả nhân loại chợt biết là vì nó gắn với một giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới về y học, giải thưởng Nobel.

Bà Đồ U U được trao giải thưởng Nobel Y học 2015. Ảnh: Jin Liwang

Giải Nobel Y học năm 2015 được trao cho ba nhà khoa học, William C. Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu (Đồ U U) trong đó 1/2 giải thưởng Nobel Y học năm 2015 được trao cho GS. Đồ U U, một nhà nghiên cứu của Trung Quốc đại lục. Đây là một giải thưởng được trao hơi kỳ lạ vì lẽ ra mỗi nhà khoa học sẽ giành 1/3 tổng giá trị giải thưởng nhưng do giá trị khoa học kiệt xuất của Đồ U U, bà đã giành được 1/2 giải thưởng Nobel Y học.

Đồ U U sinh năm 1930, tại Tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Con đường đến với Nobel Y học của bà không tơ lụa giống như sự nghiệp khoa học bất kỳ của nhà khoa học nào. Nhưng điều đáng nói, đó là sự nỗ lực, cố gắng và niềm say mê nghiên cứu của người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên chạm tới vinh quang này. Trước khi có thuốc điều trị sốt rét, nhân loại khốn đốn với loại bệnh này. Người ta chỉ biết rằng, vào thời đó, sốt rét hoành hành và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vào những năm đó. Hàng ngàn người chết, hàng ngàn binh sĩ phải bỏ mạng hoặc lui về chiến trường. Các cuộc chiến của Trung Quốc đứng bên bờ thất bại. Sốt rét vẫn là căn bệnh đáng sợ nhất trong các căn bệnh tại vùng cao nguyên núi rừng. Sốt rét càng ngày càng khiếp sợ, nó gây ra những đại dịch kháng thuốc khiến cho các nhà chính trị trở nên đau đầu. Một chiến dịch tìm thuốc điều trị mới được khởi động, trong đó có bà Đồ U U.

Thanh hao hoa vàng.

Để nghiên cứu ra thuốc sốt rét, bà đã phải lăn rừng, lội suối, làm ngày, thức đêm, đọc sách, lục báo, bà và cộng sự của bà đã phải nghiên cứu 2.000 bài thuốc y học cổ truyền khác nhau. Những bài thuốc này đa phần là bài thuốc cổ phương, bài thuốc kinh nghiệm và rất khó để áp dụng. Phải trải qua tất cả 380 dịch chiết từ 200 loại thảo dược, cuối cùng bà đã phát hiện ra thanh hao hoa vàng. Nhưng thành công cũng chưa hẳn đã mỉm cười. Lần đầu tiên nhóm nghiên cứu đã chiết ra dung dịch thanh hao hoa vàng hỏng, không có tác dụng điều trị. Tiếp tục “mò kim” trong phòng thí nghiệm, bà đã bào chế thành công thuốc tinh chế từ loại thảo dược này và cứu sống loài người khỏi dịch sốt rét.

Trước khi chạm tay vào giải Nobel Y học, Đồ U U là nhà khoa học bị “người đời lãng quên”. Bà là giáo sư 3 không: không bằng cấp, không nghiên cứu ngoại quốc, không là thành viên của Hội đồng khoa học quốc gia (những tiêu chí bắt buộc của Trung Quốc). Nhưng nhờ có thanh hao hoa vàng, bà đã được vinh danh. Và trong mối tương quan tương hỗ, Đồ U U đã nâng tầm thanh hao hoa vàng từ giá trị đất lên giá trị vàng. Bà đã cùng thanh hao hoa vàng trở thành hiện tượng y học và đem lại sự sống cho rất nhiều người như một cứu thế của nhân loại.

http://suckhoedoisong.vn/2-cay-co-dac-biet-lot-vao-giai-nobel-y-hoc-n112533.html

Theo BS. Đào Châu Tú/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm