Ngày 31/3, TAND Hà Nội xét xử Ngô Thị Ngọc Lan (29 tuổi, cựu nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank), Phạm Thị Thanh Nga (39 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Thanh (44 tuổi, cùng ở Hà Nội) về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Liên quan vụ án, Nguyễn Thị Hương Giang (46 tuổi) và 8 bị cáo khác hầu tòa về một trong các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Hồ sơ vụ án cho thấy năm 2019, Phan Thị Hảo (cựu nhân viên Ngân hàng ANZ) biết một số nhà băng cho đổi thẻ lấy thẻ trên cơ sở khách hàng đã có thẻ tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào. Khách muốn mở tiếp thẻ tín dụng, khách chỉ cần xuất trình thẻ cũ và giấy tờ tùy thân, không cần phải thẩm tra xác minh và chứng minh thu nhập...
Lợi dụng sơ hở của chương trình, Hảo bàn với Lan làm giả hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng.
Ngô Thị Ngọc Lan và các bị cáo tại tòa. Ảnh: N.T. |
Theo thỏa thuận, Lan lấy thông tin khách hàng và bản sao giấy tờ tùy thân của họ chuyển cho Hảo, còn Hảo tìm người đóng giả khách hàng ký hồ sơ, làm giả giấy tờ. Cuối cùng, họ tìm người làm trong lĩnh vực ngân hàng tư vấn lập hồ sơ cấp thẻ tín dụng, chuẩn bị SIM điện thoại, thuê máy POS để quẹt thẻ tín dụng rồi rút tiền và chia nhau.
Tìm được một số cá nhân, Lan chuyển thông tin để Hảo nhờ các bị cáo Nga, Giang và một phụ nữ tên Hương (chưa rõ nhân thân) mạo danh các cá nhân này đi ký hợp đồng tín dụng. Nếu thẻ được phát hành, bị cáo trả công 3-5 triệu đồng/thẻ. Hảo còn nói với bị cáo Nguyễn Trọng Nam thuê người làm giả chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cho các khách hàng giả.
Chuẩn bị được 3 bộ hồ sơ giả mạo, Hảo gửi cho nhân viên Ngân hàng ShinhanBank làm thẻ tín dụng nhưng nhà băng từ chối. Sau đó, Hảo gửi hồ sơ làm thẻ tín dụng đến Ngân hàng Standard Chartered Bank, Công ty tài chính Lotte Finance Việt Nam, Ngân hàng Quốc tế (VIB) và ngân hàng TPBank
Từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019, Hảo và các đồng phạm đã làm giả 8 tài liệu để thực hiện 7 vụ lừa đảo. Họ bị cáo buộc chiếm đoạt trên 1,3 tỷ đồng của 3 ngân hàng. Trong đó, TPBank bị chiếm đoạt gần 286 triệu đồng, Standard Chartered Bank hơn 851 triệu đồng. Lotte Finance Việt Nam bị chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng.
Cũng với chiêu thức trên, Hảo thuê nhiều người làm giả các loại giấy tờ để đăng ký 22 hồ sơ vay vốn tiêu dùng của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) rồi chiếm đoạt trên 1,6 tỷ đồng.
Ngoài các vụ việc trên, Hảo, Lan và Giang còn khai đã sử dụng hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng VIB. Cơ quan công an đã đề nghị nhà băng này cung cấp thông tin nhưng chưa nhận được phản hồi. Do đó, cơ quan điều tra tách hành vi để xử lý sau.
Nguyễn Thị Thanh Thanh còn câu kết với Phạm Thị Thanh Nga và các bị cáo làm giả 36 chứng minh nhân dân. Sau đó, họ gửi hồ sơ vay vốn qua app, lợi dụng chính sách hỗ trợ cho vay qua app không cần hóa đơn tiền điện hoặc đăng ký xe để chiếm đoạt tiền của Công ty tài chính TNHH MTV - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (Công ty VPB FC - FE Credit). Từ tháng 5 đến tháng 6/2019, nhóm của Thanh thực hiện 22 vụ lừa, chiếm đoạt của công ty này tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Hảo có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần nên cơ quan điều tra tổ chức giám định. Căn cứ kết quả trưng cầu, VKS ra quyết định bắt buộc đưa Hảo đi chữa bệnh. Sau đó, Công an Hà Nội tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Phan Thị Hảo.
Đối với nhân viên các ngân hàng và công ty liên quan, CQĐT xác định họ không biết hồ sơ là giả, làm theo quy trình của nhà băng và đơn vị, nên họ không phải đồng phạm với nhóm của Hảo.
HĐXX nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 4/4.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…