Cảnh sát tống đạt quyết định tố tụng đối với Chánh. Ảnh: Công an cung cấp. |
Ngày 31/3, Công quan quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Phạm Văn Chánh (28 tuổi, tạm trú tại phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để làm rõ hành vi giả danh công an, lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Khám xét tại nơi ở của Chánh, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu có liên quan, gồm: Con dấu màu đỏ, mặt dấu hình tròn có dòng chữ UBND quận Sơn Trà TP Đà Nẵng (nghi giả); nhiều bộ quần áo công an có in tên Phạm Văn Chánh và ve hàm công an...
Trước đó, Công an quận Cẩm Lệ nhận được thông tin tố giác của nhiều người dân và giám đốc công ty tài chính, Văn phòng luật đóng trên địa bàn quận về việc bị một người tự xưng là cán bộ điều tra của Công an Đà Nẵng, đưa ra thông tin mình có quen biết với các điều tra viên và lãnh đạo phòng hình sự Công an TP Đà Nẵng để nhận tiền tư vấn luật, “chạy án”.
Người này đưa ra giá chạy án là hàng trăm triệu đồng cho mỗi vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ đặc điểm nhân dạng, cách thức lừa đảo, Công an quận Cẩm Lệ nhận định Chánh là nghi phạm.
Theo xác minh, người này từng là lính nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi trở về địa phương đã không tu dưỡng. Thời gian gần đây, Chánh thường mặc quần áo sĩ quan công an rồi gặp gỡ, giao dịch với nhiều người.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy qua theo dõi các thông tin trên mạng xã hội, Phạm Văn Chánh biết được lực lượng công an đang quyết liệt xử lý các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay, thu hồi nợ. Một số người làm trong các lĩnh vực luật sư, tư vấn cho các công ty thu hồi nợ đang lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến công việc...
Bị can chủ động liên hệ anh N.T.C. (quê Quảng Nam, chủ một văn phòng luật tại quận Cẩm Lệ) để đưa ra thông tin Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đang điều tra vụ cưỡng đoạt tài sản và 3 nhân viên văn phòng luật của anh N.T.C. có dấu hiệu liên quan đến vụ việc.
Chánh nói dối là công an nên có mối quan hệ mật thiết với điều tra viên, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, rồi hứa hẹn sẽ tìm hiểu thông tin, xin cho 3 nhân viên này không bị xử lý hình sự với số tiền chạy án là 250 triệu đồng.
Sợ bị ảnh hưởng đến uy tín bản thân và công ty, anh N.T.C. đã đồng ý và giao trước cho Chánh 100 triệu đồng để lo việc. Sau khi nhận tiền, bị can trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Đến khi anh N.T.C. hỏi về tin tức vụ án có liên quan đến nhân viên công ty mình, Chánh đã không cung cấp được và chặn liên lạc. Anh N.T.C. đã gửi đơn trình báo Công an quận Cẩm Lệ.
Qua xác minh, thu thập thông tin, Công an quận Cẩm Lệ còn phát hiện, Chánh đã lừa đảo nhiều người tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bằng cách đến những gia đình có người thân đang bị công an xử lý hình sự, tự xưng là cán bộ điều tra để đánh vào tâm lý thân nhân.
Sau đó, Chánh giở chiêu hứa hẹn chạy án xin giảm nhẹ hình phạt cho người thân của họ với mức giá hàng trăm triệu đồng cho mỗi trường hợp. Đơn cử, đầu tháng 3, Chánh tự xưng là cán bộ điều tra của Công an quận Sơn Trà và Công an quận Ngũ Hành Sơn đến gặp chị H.T.H. và chị Đ.T.T.T. khi biết họ cùng có con bị Công an quận Sơn Trà khởi tố về hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Chánh đã 160 triệu đồng để chạy án rồi cắt đứt liên lạc với bị hại.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…