Chiều 21/2, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên giảm án cho 2 cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban.
Theo đó, ông Hồng lĩnh 5 năm 3 tháng tù (án sơ thẩm tuyên 6 năm tù), ông Ban lĩnh 12 năm tù (sơ thẩm phạt 14 năm tù) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh này, tòa tuyên y án bị cáo Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của BHXH Việt Nam) 14 năm tù.
Các bị cáo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà lần lượt lĩnh y án 3 năm và 4 năm tù.
Hai bị cáo Lê Bạch Hồng (phải) và Nguyễn Huy Ban. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo chủ tọa, tại phiên phúc thẩm cơ bản các bị cáo đều thừa nhận có tội nhưng không chấp nhận tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Một số bị cáo thì cho rằng nếu có tội, họ chỉ phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng căn cứ lời khai các bị cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan vụ án cũng như chứng cứ có được, tòa phúc thẩm xác định năm 2003, Tổng giám đốc Agribannk Lê Văn Sở cùng Nguyễn Huy Ban ký thỏa thuận với nội dung BHXH Việt Nam đồng ý cho các chi nhánh cấp 1 và các công ty thuộc nhà băng này vay vốn.
Tháng 2/2008, do nhu cầu về vốn nên ông Vũ Quốc Hảo (Tổng giám đốc Công ty ALC II thuộc Agribank) gặp bị cáo Ban và Tường để vay vốn tại BHXH Việt Nam.
Sau đó, được ông Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban bút phê, các bị cáo dưới quyền đã thực hiện việc cho Công ty ALC II vay tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Năm 2016, TAND TP.HCM tuyên bố Công ty ALC II phá sản. Số tiền doanh nghiệp này còn nợ BHXH Việt Nam, không có khả năng thanh toán gần 1.700 tỷ đồng (trong đó hơn 760 tỷ là tiền gốc, còn lại là tiền lãi).
HĐXX cấp phúc thẩm xác định trong vụ án, Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban với cương vị Tổng giám đốc BHXH Việt Nam bắt buộc phải biết hành vi cho Công ty ALC II vay tiền là sai đối tượng và trái quy định.
Tuy nhiên, quá trình làm việc, 2 bị cáo này đã không chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện kiểm tra tính pháp lý của hoạt động cho vay. Hành vi của 2 cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam và các bị cáo đã gây thiệt hại cho BHXH Việt Nam gần 1.700 tỷ đồng.
Tòa phúc thẩm kết luận bị cáo Nguyễn Huy Ban giữ vai trò chính trong vụ án, là người đầu tiên quyết định cho Công ty ALC II vay vốn. Bị cáo Lê Bạch Hồng giữ vai trò sau ông Ban khi ký một số hợp đồng cho doanh nghiệp thuộc Agribank vay vốn trái quy định.
Trong bản án phúc thẩm, HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục xem xét trách nhiệm của các cá nhân tại Agribank trong việc bảo lãnh và thực hiện việc cho Công ty ALC II vay tiền.