Nhiều năm làm nghề, TS Nguyễn Huy Thọ - Phó Chủ tịch hội Phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình BV Quân đội TƯ 108 đã có cảm nhận như vậy về nhu cầu của các khách hàng về việc nâng mũi làm đẹp.
Miễn là được việc
Ngày nay khi kinh tế mỗi gia đình bớt khó khăn, đã đủ cơm ăn áo mặc, con người lại có thêm nhu cầu làm đẹp. Việc sở hữu một chiếc mũi tẹt, thiếu hài hòa, với nhiều người không chỉ cảm thấy mất tự tin mà còn có thể ảnh hưởng tới công việc. Thậm chí, họ còn cho rằng việc thay đổi dáng mũi có thể đưa tới vận may trong công việc nhiều hơn.
Hiểu về các đối tượng bệnh nhân trong quá trình làm việc, TS Nguyễn Huy Thọ đã rút ra nhận xét: ở các vùng miền khác nhau thì con người có những nhu cầu thẩm mỹ khác nhau; lứa tuổi và công việc cũng tạo ra những nhu cầu thẩm mỹ cũng rất khác nhau. Nhu cầu thẩm mỹ của người nghệ sĩ khác nhu cầu thẩm mỹ của người giáo viên; nhu cầu nâng mũi của người trẻ tuổi cũng khác người lớn tuổi.
TS Nguyễn Huy Thọ cho biết, chị em phía Nam thích mũi cao hẳn hơn phụ nữ miền Bắc. |
Ông Thọ cho biết, có người tỏ ra khá cầu kỳ, cẩn trọng trong việc lựa chọn bác sĩ phẫu thuật, kiểu dáng mũi. Thậm chí, ông đã gặp nhiều trường hợp mang ảnh người mẫu, diễn viên đến để thực hiện theo “sao nguyên bản chính” và phải thực hiện phẫu thuật ở bệnh viện công.
Ngược lại, có người hiểu về phẫu thuật thẩm mỹ rất giản đơn, miễn là được việc, hợp với túi tiền kể cả việc “đón” bác sĩ thực hiện phẫu thuật tại gia - gọi là “mổ dạo”.
“Họ không nghĩ đến rủi ro, miễn là đẹp hơn. Họ chấp nhận qua các dịch vụ “tiêm chích dạo” để nâng sống mũi, bơm độn mông, độn ngực bằng silicon lỏng và đã xảy ra nhiều biến chứng” - ông Thọ nói. Chính những suy nghĩ giản đơn đó, nhiều người vô tình đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các “thẩm mỹ dạo” đang có xu hướng phát triển ở một số các địa phương xa các thành phố lớn.
Ngoài ra, những yêu cầu khi thực hiện làm mũi cho các đối tượng cũng rất khác nhau. TS Nguyễn Huy Thọ cho biết, với một số người, đã mất tiền nâng mũi thì phải cao hẳn, khác hẳn; còn nhóm khác, rất kín đáo trong việc làm đẹp, họ cần hài hòa, tự nhiên, không muốn cho người khác nhận ra mình đi nâng mũi.
“Tai nạn” khi nâng mũi không nhiều
Không nói thêm về những biến chứng nâng mũi tại các TMV kém chất lượng hoặc TMV di động, TS Nguyễn Huy Thọ - Phó Chủ tịch hội Phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ Hà Nội cho biết, ngay cả tại các TMV hay các bệnh viện uy tín, đôi khi biến chứng vẫn xảy ra bởi việc phẫu thuật thường có hai mặt không thể phủ nhận.
Biến chứng trong phẫu thuật nâng mũi nói riêng và phẫu thuật thẩm mỹ nói chung thường phụ thuộc vào hai yếu tố: chất liệu sử dụng và kỹ thuật của bác sĩ.
Nếu nâng mũi bằng silicon đơn thuần, tỷ lệ biến chứng trên thế giới là 1-2% thì trong nghiên cứu trên 2.000 ca của mình, TS Nguyễn Huy Thọ cho biết: tỷ lệ biến chứng đơn thuần là 0,5%; biến chứng bọc sụn là 1-1,5%. So với thế giới, biến chứng nâng mũi tại Việt Nam là không đáng kể.
TS Nguyễn Huy Thọ cho biết, so với thế giới, biến chứng sau khi nâng mũi tại Việt Nam không nhiều. |
Theo đó, các biến chứng có thể gặp khi nâng mũi được chia thành nhiều giai đoạn: rất sớm, sớm, muộn, rất muộn…
Đối với loại biến chứng sớm, bệnh nhân có thể gặp hiện tượng viêm nhiễm trong quá trình mổ hay bị tụ máu, toàn thân mũi sưng nề rộng bất thường.
Biến chứng muộn hơn có thể là hoại tử da, lộ mảnh ghép sống mũi. Bệnh nhân không hài lòng bởi sống mũi thô, không thanh thoát, không hài hòa cũng được coi là những biến chứng đáng kể trong kỹ thuật nâng mũi ngày nay.
Thậm chí, biến chứng xa hơn có thể là mảnh ghép sống mũi dài làm đầu mũi đau; mảnh ghép hoặc quá ngắn không cải thiện được dáng mũi; mảnh ghép không bám chắc vào xương mũi, có thể cầm mũi lắc qua lắc lại được; mảnh silicon lệch trục khiến người khác có thể thấy mũi bị vẹo; đỏ mũi kéo dài khi thời tiết thay đổi…
Hay, bệnh nhân có thể gặp những biến dạng bất thường như: da mũi dày lên, dáng mũi cứng…
“Không thể khẳng định trong phẫu thuật thẩm mỹ chỉ có thành công mà không có thất bại. Mỗi khi tư vấn cho bệnh nhân, tôi luôn thẳng thắn chia sẻ về những biến chứng dù rất nhỏ có thể xảy ra để họ cân nhắc”, TS Nguyễn Huy Thọ cho biết.
Nói thêm về kinh nghiệm phát hiện những chiếc mũi “nhân tạo”, bác sĩ này cho biết, không khó nếu kỹ thuật người bác sĩ không khéo.
“Với những người có sống mũi cao dị thường, thẳng tưng không điểm lõm, da thân mũi bóng, đầu mũi lộ mảnh ghép… chắc chắn họ đã nâng mũi. Tuy nhiên, với kỹ thuật và trình độ các bác sĩ hiện nay, hầu như việc phát hiện rất khó. Trong các cuộc thi hoa hậu, ban tổ chức thường xuyên phải nhờ tới các chuyên gia PTTM trong khâu sàng lọc thí sinh là với lý do như vậy”, ông Thọ nói.