Ngày 28/3, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết vừa thực hiện thành công ca mổ tim bẩm sinh bị hẹp eo động mạch chủ trên bệnh nhi sinh non chỉ nặng 900 gr.
Bác sĩ Phạm Thị Minh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, cho biết bệnh nhi ở Vĩnh Long sinh non ở tuần thai thứ 31. Ngày 3/3, bé được bệnh viện lớn ở địa phương chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 ở TP.HCM, khi vừa chào đời.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết nếu mổ tim bẩm sinh cho bệnh nhi thì không quá phức tạp. Nhưng đối với bệnh nhi sinh non, chỉ nặng 900 gr thì cực kỳ khó khăn.
Trước tình trạng bệnh nhi bị tắc động mạch chủ ở tim khiến máu không thể lưu thông để nuôi cơ thể, các bác sĩ đánh giá đây là ca phẫu thuật tim khó. Bệnh nhi dễ bị tổn thương như suy hô hấp, suy thận, phải đặt nội khí quản, rất nguy hiểm đến tính mạng bé.
“Với bệnh nhi sinh non, nhẹ cân, để sống được đã là việc rất khó khăn, chưa nói đến chuyện mổ tim. Nhưng nếu không mổ lúc này, dị tật ở tim sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và không giữ được mạng sống cho bé”, bác sĩ Tâm nói.
Bệnh nhi được phẫu thuật tim thành công. Ảnh: Khánh Trung. |
Khi chỉ định phẫu thuật, phẫu thuật viên đã đặt ra những phương án phải kích mạch máu để theo dõi. Các bác sĩ chạy đua từng giây, từng phút để giành giật sự sống cho bé. Vì chỉ một sơ suất rất nhỏ, bé có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Bác sĩ Hiếu cho biết nếu không có sự quyết tâm của bác sĩ gây mê thì bác sĩ phẫu thuật sẽ chùn tay. Bác sĩ phẫu thuật không yên tâm để mổ, buộc bác sĩ gây mê phải đưa ra phương án rõ ràng.
Bác sĩ Hà Văn Lượng, Phó khoa Gây mê hồi sức, cho hay với trẻ sinh non khi sinh lý chưa hoàn chỉnh, việc chọn thuốc gây mê là bài toán khó. “Tôi đã phải tính toán từng li để chọn thuốc vận mạch phù hợp với trẻ sơ sinh. Việc gây mê cho bé này rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm”, bác sĩ Hà nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Phó khoa Ngoại tổng hợp, để đưa được bệnh nhi này lên bàn mổ là điều không dễ chút nào, buộc bác sĩ phải cân nhắc, mổ hay không. Nếu mổ thì bệnh nhân được lợi gì và không thì sẽ gặp những nguy cơ nào?
"Do bé chỉ sống được nhờ vào ống động mạch, nếu ống này đóng lại bé sẽ chết. Các bác sĩ phải dùng thuốc để duy trì ống động mạch. Hơn nữa, nếu không mổ bé sẽ bị nhiễm trùng và nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Bang chia sẻ.
Sau 20 ngày tính toán, chuẩn bị kỹ, các bác sĩ quyết định mổ. Việc phẫu thuật cho bé rất khó khăn, đòi hỏi ê kíp phải phối hợp, đảm bảo chính xác 100%. Theo bác sĩ Bang, vì tất cả các cơ quan của bé chưa trưởng thành nên bất cứ một tác động nào cũng dẫn đến tai biến khiến bé suy thận, suy đa cơ quan và tử vong.
Sau 60 phút căng thẳng, các bác sĩ đã mổ thành công. 4 ngày sau phẫu thuật, bé đã cai được máy thở nhưng vẫn còn được trợ thở một phần. Hiện các bác sĩ phải cho bé ăn qua đường tĩnh mạch thông ống dạ dày.