Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giành giật sự sống cho người uống 20 viên thuốc ngủ tự tử

Sáng sớm, một nữ bệnh nhân vô danh được xe cấp cứu 115 đưa đến đơn nguyên Cấp cứu – BVĐK Đống Đa trong tình trạng hôn mê sâu, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.

BS Hoàng Hồng Hải, Đơn nguyên Cấp cứu, người trực tiếp tiếp nhận và điều trị, chăm sóc cho nữ bệnh nhân chia sẻ: Khoảng 7h sáng 22/2, xe cấp cứu 115 đưa một nữ bệnh nhân đến Đơn nguyên Cấp cứu trong tình trạng hôn mê, hoàn toàn không biết gì, gọi - hỏi không trả lời.

Sau khi tiến hành khám, kiểm tra phát hiện đồng tử bệnh nhân khép nhỏ, không phản xạ với ánh sáng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Lấy máu và nước tiểu xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với ma túy. Khi xét nghiệm chất độc trong dạ dày, bệnh nhân được nhận định đã ngộ độc thuốc ngủ Gacdenal.

ThS, BS Bùi Kim Cương, phụ trách Đơn nguyên Cấp cứu cho biết, lúc này, các bác sĩ tiên lượng tình trạng của nạn nhân rất xấu. Một người bình thường, chỉ cần dùng một viên Gacdenal thôi, đã có thể ngủ miên man 1 ngày trời. Trong khi đó, khai thác bệnh nhân sau khi tỉnh dậy, người phụ nữ này đã uống tới 20 viên! Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy gan, suy thận, nguy cơ tử vong rất cao.

Ngay lập tức sau khi đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân, các bác sĩ Đơn nguyên Cấp cứu đã tiến hành truyền dịch, ủ ấm, tiêm thuốc giải độc ma túy, đặt xông dạ dày, bơm sữa, cháo cho nữ bệnh nhân.

Suốt 24h sau khi vào viện, nữ bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu hồi tỉnh, mê man. Đến ngày thứ 2, bệnh nhân có biểu hiện cựa quậy, kích thích, vật vã chân tay nhưng vẫn không mở mắt được, do vẫn chưa hết chất độc trong người. Đến hết ngày thứ 2, bệnh nhân mới tỉnh.

Các bác sĩ Đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cấp cứu cho bệnh nhân.

Lúc này, khai thác từ lời kể của bệnh nhân, được biết bệnh nhân tên Hoàng Khánh H, 40 tuổi, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ. Bệnh nhân cho biết chị đã uống tới 20 viên thuốc ngủ để tự tử nhưng bất thành và từ chối không chia sẻ thêm về lý do khiến chị làm như vậy. Tiếp tục điều trị tới thêm 12 giờ, bệnh nhân H tỉnh táo, mở mắt, tuy nhiên vẫn chưa thể tự ăn uống mà vẫn cần nhân viên y tế bơm sữa, cháo.

“Ngay sau đó, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện, hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân lên Khoa Hồi sức chống độc, tiếp tục truyền dịch cho bệnh nhân. 12 tiếng sau, bệnh nhân H mới tỉnh táo hoàn toàn” – ThS, BS Bùi Kim Cương chia sẻ.

Điều đặc biệt trong ca cấp cứu này, theo lời kể của BS Bùi Kim Cương thì khi công an tiến hành kiểm kê tài sản để ghi vào biên bản, không tìm thấy giấy tờ tùy thân, không có người quen và không có bất kỳ tài sản nào trong người bệnh nhân.

Mặc dù vậy, các bác sĩ Đơn nguyên Cấp cứu vẫn hết lòng cấp cứu nhanh chóng, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Đến khi bệnh nhân tỉnh lại, các điều dưỡng, y tá trong Đơn nguyên đã thay nhau chuẩn bị dinh dưỡng hàng ngày.

“Các bác sĩ, điều dưỡng, y tá trong Đơn nguyên đã tự bỏ tiền túi mua sữa, cơm cho bệnh nhân, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng 6 bữa/ngày, thậm chí, chúng tôi chăm sóc toàn diện, vệ sinh cá nhân, chăm sóc bữa cơm, giấc ngủ cho bệnh nhân. Sau 6 ngày được chăm sóc, cứu chữa, hôm nay bệnh nhân đã ra viện” – BS Hoàng Văn Hải chia sẻ.

“Do hoàn cảnh bệnh nhân vô gia cư, không người thân, không tài sản đi kèm, chúng tôi báo cáo lên Ban Giám đốc Bệnh viện và đã quyết định miễn phí hoàn toàn viện phí cho bệnh nhân, dù thuốc giải độc ma túy Naloxon, thuốc kháng sinh dự phòng, dịch đạm nâng cao thể trạng… khá đắt tiền. Bệnh viện sẽ chịu toàn bộ chi phí trong trường hợp này!” – ThS, BS Bùi Kim Cương cho hay.

Được biết, mỗi ngày Đơn nguyên Cấp cứu tiếp nhận khoang 50-60 bệnh nhân, cao điểm có ngày lên tới 15-160 bệnh nhân, bởi Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là bệnh viện chuyên ngành hàng đầu Thủ đô về cấp cứu, truyền nhiễm.

“Tháng nào, chúng tôi cũng tiếp nhận từ 1-3 ca vô gia cư, vô danh, không tài sản, được công an, xe cấp cứu đưa đến. Trong số này, có những người hợp tác với bác sĩ điều trị, nhưng cũng có những người chỉ chờ tỉnh lại là… quay ngoắt ra về. Thật ra, chúng tôi cũng không dám hi vọng một lời cảm ơn! Là bác sĩ cấp cứu, lâu rồi, nên chúng tôi cũng… thấy quen. Có khi, với những bệnh nhân nghèo, “vô sản”, chúng tôi cùng góp tiền chia sẻ cho bệnh nhân, giúp họ có thể tìm về với gia đình” – BS Kim Cương mỉm cười.

http://giadinh.net.vn/y-te/gianh-giat-su-song-cho-nguoi-phu-nu-vo-danh-vo-gia-cu-tu-tu-bang-20-vien-thuoc-ngu-20160226220456324.htm

Theo Thu Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm