Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội từ năm 1991, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có 25 năm kinh nghiệm làm “bà đỡ”. Anh luôn cho rằng đó là sự may mắn khi được chứng kiến hàng nghìn em bé chào đời. Chính sự “may mắn” ấy lại khiến bác sĩ Khải sự bận rộn, thậm chí là những tình huống khiến anh không thể nào quên.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: TL. |
Chuyện về chiếc phong bì trong đêm mưa gió
Đó là câu chuyện về một bệnh nhân mang thai lần thứ 9 sau 8 lần không thể giữ con. Lúc này, anh vẫn là một bác sĩ trẻ học việc không lương. Biết được hoàn cảnh đặc biệt của nữ sản phụ, nên hàng ngày anh luôn thăm hỏi, nghiên cứu bệnh án, dù không phải là bác sĩ điều trị trực tiếp.
"Sau khi sản phụ mẹ tròn con vuông, bất ngờ, vào đêm trời mưa rất to, người chồng của bệnh nhân này đã đến nhà đưa cho tôi một chiếc phong bì và nói lời cảm ơn", bác sĩ Khải chia sẻ.
Qua câu chuyện từ thửa còn khó khăn ấy, anh cho rằng: "Nghề bác sĩ sản khoa rất dễ kiếm tiền nhưng cũng dễ đánh mất y đức. Không phải ai cũng có thể làm ngơ trước sức mạnh của đồng tiền".
Sản phụ có người giàu, người nghèo, người đẻ dễ, đẻ khó, song nguyên tắc làm việc của anh là phải đối xử bình đẳng với tất cả bệnh nhân, tuyệt đối không để đồng tiền chi phối. Hơn ai hết anh hiểu chỉ cần một quyết định của bác sĩ, có ít nhất 2 mạng người bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận, bản thân có phần thiên vị với thai phụ là vợ các chiến sĩ, bộ đội, những người nghèo khó, văn hóa thấp. "Có người nghèo đến mức đi đẻ với đôi bàn tay trắng, thậm chí sinh con một mình trong trạng thái nguy kịch vì chồng là bộ đội phải trực không được về... Họ chính là đối tượng cần sự quan tâm, động viên từ các y, bác sĩ", bác sĩ Khải chia sẻ.
Hai lần phơi nhiễm HIV
Năm 2015, câu chuyện về 19 y bác sĩ phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu bệnh nhân có H đã khiến dư luận rất quan tâm. Trong ê-kíp này, bác sĩ Khải chính là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật.
Ít ai biết rằng, trước đó anh cũng đã từng phải điều trị phơi nhiễm HIV cũng do cấp cứu cho một bệnh nhân có H từ tuyến dưới chuyển lên.
Anh tâm sự: “Đó là những điều rất bình thường, chúng tôi đã chọn nghề này, con đường này nên không được phép thờ ơ trước tính mạng của bệnh nhân, chỉ một chút ích kỷ thôi cũng có thể dồn họ vào con đường chết”.
Bác sĩ Khải cho biết, nếu như các chuyên ngành khác, kết quả điều trị phải lâu dài thì với nghề đỡ đẻ, kết quả đó chỉ được phép có trong 1-3 tiếng và không chỉ với một người mà tới 2, thậm chí 3-4 người. Điều đó đòi hỏi sự đấu trí, quyết đoán, nhanh nhẹn và chính xác.
Bác sĩ không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay anh. Nhưng đó là hành trình giúp anh chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt mừng vui và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt của tình mẫu tử.
Bác sĩ Khải nhớ mãi thời điểm cách đây hơn chục năm, anh từng bất lực khi nhìn một thai phụ 41 tuần thai chết lưu, bị tắc mạch ối trong quá trình chuyển dạ. Đau xót hơn, trước đó, gia đình này đã mất một đứa con vì tai nạn giao thông.
Đỡ đẻ cho vợ tại nhà
Nhớ lại kỷ niệm này, bác sĩ Khải không giấu nổi niềm vui song xen lẫn nỗi xót xa. Anh cho biết, khi vợ mang thai lần đầu, anh chỉ là một bác sĩ mới ra trường, còn non nớt từ tay nghề tới kinh nghiệm. Anh phải trau dồi kỹ năng bằng việc làm không lương tại bệnh viện, còn đêm về làm bảo vệ cho một cơ quan khác để tăng thu nhập.
Vào đêm tháng một, thời tiết Hà Nội rất lạnh, lại mưa, vợ anh trở dạ tại căn phòng chỉ rộng 4m2, trong tình trạng thai ngược. Đêm đó, chính tay bác sĩ Khải đun dầu luộc chiếc kéo và cuộn chỉ lanh - hai dụng cụ duy nhất để đỡ đẻ cho vợ. 1h20, cậu con trai đầu của bác sĩ Khải chào đời trong niềm hạnh phúc.
Nhớ lại kỷ niệm ấy, bác sĩ Khải tâm sự: "Tự đỡ đẻ cho vợ không phải là quyết định sáng suốt của tôi, thậm chí còn rất mạo hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Nhưng chính những tình huống khó đã giúp tôi rèn luyện bản lĩnh khi làm nghề".