Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2014 - năm 'nóng hổi' chuyện bản quyền ở Việt Nam

Rất nhiều những vụ lùm xùm về bản quyền đã xảy ra trong làng văn học, nghệ thuật Việt Nam khiến khán giả không ít lần lắc đầu... ngán ngẩm.

“Lùm xùm” tác quyền đêm nhạc Khánh Ly

Làng nhạc Việt được phen xôn xao xung quanh câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đi đòi tiền tác quyền các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong liveshow Khánh Ly.

Bắt nguồn từ đêm nhạc đầu tiên tại quê nhà sau bao năm xa cách của nữ danh ca Khánh Ly diễn ra vào ngày 9/5 ở Hà Nội, đại diện đơn vị tổ chức là ông Nguyễn Ngọc Sơn (công ty TNHH giải trí Đồng Dao) nhận thấy không hợp lý về phí tác quyền cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc) nên vào đêm nhạc Khánh Ly lần thứ 2 tại Hà Nội (2/8) đơn vị tổ chức đã từ chối thanh toán số tiền mà trung tâm đưa ra.

Ca sĩ Khánh Ly ( trái) và nhạc sĩ Phó Đức Phương ( phải).

Ca sĩ Khánh Ly (trái) và nhạc sĩ Phó Đức Phương (phải).

Chính vì lẽ đó nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đến tận nơi “đòi nợ” và cho biết, ông sẵn sàng lên sân khấu để tố cáo BTC trước khán giả. Câu chuyện lại càng căng thẳng hơn khi một lần nữa, nhạc sĩ này tiếp tục cất công vào Đà Nẵng và màn tranh luận về “tiền” lại tiếp tục diễn ra dù đã giờ diễn đã cận kề.

Lùm xùm qua lại tác quyền đêm nhạc của Khánh Ly đến nay vẫn là tranh luận. Cũng vì câu chuyện tác quyền mà đêm diễn của Khánh Ly tại Bình Dương đã phải tạm hoãn cho đến khi giải quyết xong chuyện tác quyền.

Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch sau đó kết luận: Công ty Đồng Dao phải trả bản quyền cho 2 chương trình Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng diễn ra trong tháng 8 vừa qua là 250 triệu đồng. Như vậy số tiền này đã giảm so với mức giá 170 triệu đồng/chương trình như yêu cầu lúc đầu của Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam .

Sáng tác Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo beat

Sơn Tùng M-TP là cái tên được nhắc nhiều nhất trong năm qua ở làng giải trí Việt. Cùng với sự yêu mến của rất đông khán giả trẻ với các bản hit Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua, Chắc ai đó sẽ về… là hàng loạt những ồn ào đi kèm với sự nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP.

Gần đây nhất là vụ đạo nhạc ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP, ca khúc được cho là đạo nhạc từ Because i miss you của trưởng nhóm nhạc Hàn Quốc CNBlue. Do vậy, nhạc phim Chàng trai năm ấy cũng đã không ít ý kiến trái chiều dẫn đến bộ phim phải dời ngày công chiếu.

Ca khúc Chắc ai đó sẽ về đã gây nên một tranh luận dài kỳ về vấn đề đạo nhạc. Vào ngày 10/11 Hội Âm nhạc Việt Nam gồm các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Dương Khắc Linh, Võ Thiện Thanh... đã phân tích và đưa ra kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về là một sản phẩm đạo nhạc.

Đến ngày 5/12, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có cuộc họp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền và các nhà quản lý, các chuyên gia thẩm định âm nhạc và các nhà tư vấn về pháp luật đã có buổi làm việc cuối cùng để xử lý trường hợp ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP.

Kết luận cuối cùng được đưa ra là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu tác giả Sơn Tùng M-TP phải thay toàn bộ phần beat ca khúc Chắc ai đó sẽ về nếu muốn tiếp tục lưu hành.

Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng bị "trộm" liên tiếp và trắng trợn

Đó là câu chuyện về việc NXB Kim Đồng gửi Cục Xuất bản thông báo về việc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng bị đánh cắp bản quyền liên tiếp và trắng trợn gây bức xúc dư luận. Đơn vị này cho biết đã ký hợp đồng độc quyền xuất bản, thời hạn 10 năm (từ 2010 - 2020) cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh nhưng trên thị trường sách lại tràn ngập tiểu thuyết này với danh nghĩa NXB Thời Đại ấn hành.

Cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng gắn mác NXB Thời Đại và Công ty CP sách Nhân dân phát hành (2013 và 2014) đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), xác nhận đó là sách lậu.

Vì vậy, Cục đã gửi công văn đến tất cả các sở TT- TT, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị phát hành sách trên cả nước, yêu cầu thu hồi và không phát hành các bản sách in trái phép này.

Bản quyền phim điện ảnh Dòng máu anh hùng

Sự thua lỗ của Dòng máu anh hùng - một bộ phim được coi là bom tấn một thời đặt ra nhiều dấu hỏi về câu chuyện bản quyền điện ảnh tại Việt Nam.

Sau khi đứng trước nguy cơ mất toàn bộ gia sản, ngày 14/03, nghệ sĩ Chánh Tín đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình, trong đó có việc làm phim Dòng máu anh hùng. Theo đó, việc bộ phim này bị mất cắp bản quyền tràn lan đã gây ra thua lỗ trầm trọng, khiến ông tiêu tán toàn bộ tài sản.

Mặc dù được đông đảo người xem ủng hộ, bộ phim vẫn “chìm xuồng” bởi bị ăn cắp bản quyền ồ ạt cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Nếu như những nhà làm phim Hollywood có thể nhận doanh thu từ bộ phim của mình sau 10 năm, thì sau 7 năm công chiếu Dòng máu anh hùng, Chánh Tín đã từ một đại gia trở thành người phải kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng về mặt tài chính.

Việc lập ra một trung tâm bảo vệ bản quyền chặt chẽ cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam đang đặt ra một cách cấp thiết. Bên cạnh đó, để vấn đề bản quyền thực sự có hiệu quả, ý thức của những người sử dụng internet phải được đặt lên hàng đầu.

Chính công chúng là người bảo vệ quyền tác giả, có tâm lý tôn trọng và bù đắp xứng đáng cho các nghệ sĩ. Trường hợp nghệ sĩ Chánh Tín chính là ví dụ cụ thể rằng: Một việc làm tưởng chừng vô cùng nhỏ của khán giả điện ảnh có thể ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của một nhà sản xuất.

Gia đình nhà văn Ngô Tất Tố bức xúc về quyền nhân thân

Mới đây, gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đã lên tiếng cho rằng sách Lều chõng Việc làng, do NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành, vi phạm quyền nhân thân được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phía đơn vị xuất bản phủ nhận những cáo buộc này.

Hai công trình khảo cứu, biên soạn của vợ chồng ông Cao Đắc Điểm đã được bảo hộ (trên) và bản photo báo Hà Nội tân văn.

Hai công trình khảo cứu, biên soạn của vợ chồng ông Cao Đắc Điểm đã được bảo hộ (trên) và bản photo báo Hà Nội tân văn.

Tác phẩm Lều chõng xuất hiện lần đầu trên báo Thời vụ năm 1939, được Nhà xuất bản Mai Lĩnh in thành sách năm 1941. Còn Việc làng đăng lần đầu trên báo Hà Nội tân văn, được NXB Mai Lĩnh in thành sách năm 1940. Hai tác phẩm này được nhiều nhà xuất bản in lại nhiều lần.

Mới đây, con gái nhà văn - bà Ngô Thị Thanh Lịch cùng chồng - ông Cao Đắc Điểm - lên tiếng về những bản in mà theo họ là bị cắt xén nhiều đoạn. Cụ thể, đó là hai bản Lều chõng Việc làng do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2014. Cả hai cuốn đều nằm trong bộ Việt Nam danh tác do Nhã Nam thực hiện.

Ông Tạ Duy Anh, Phó Ban biên tập NXB Hội Nhà văn cho biết, NXB chỉ nhận trách nhiệm về những lỗi sai như chính tả, morat và một số từ cổ do hiểu biết hạn chế và quá trình biên tập, chứ không hề vi phạm quyền nhân thân của tác giả Ngô Tất Tố như gia đình nhà văn đã nói.

Còn trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học bày tỏ: "Trong vụ việc này, điều quan trọng nhất đó là việc xác định và đưa ra một văn bản gốc, thì chưa thấy ai đề cập. Ở thời điểm hiện tại, xung quanh 2 cuốn sách của Ngô Tất Tố vẫn chưa có một khẳng định sai lệch nếu không có nguyên tác".

http://danviet.vn/thoi-su/2014-nam-nong-hoi-chuyen-ban-quyen-o-viet-nam-521981.html

Theo Hồng Liên/Dân Việt

Bạn có thể quan tâm