5h30, điều dưỡng Huỳnh Thị Kim Huệ bắt đầu chuẩn bị trang phục bảo hộ và hỗ trợ nhóm trực đầu tiên vào chăm sóc ông Tạ Hoa Kiên (73 tuổi, quốc tịch Mỹ), bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Chị cẩn thận kiểm tra lại tất cả dây kéo, chỉnh lại chiếc mũi che mặt cho đồng nghiệp. Khi tất cả đã kín bưng, chị mới “cho phép” mọi người bước vào phòng cách ly. Mỗi ngày, chị Huệ lặp lại công việc này từ sáng đến tối, suốt ngày 21 ngày qua.
Chị Lại Thị Hoài Thu - một trong những điều dưỡng điều trị cho ông Kiên. Ảnh: B.H. |
Không dám ngủ nhiều vì sợ không được nói chuyện với y, bác sĩ
Ngày 31/1, ông Tạ Hoa Kiên nhập khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, với kết quả dương tính với Covid-19. Từng cùng đồng nghiệp vượt qua nhiều trận dịch lớn nhỏ, nhưng đối với Huệ, đây là đợt dịch áp lực và lo lắng nhất. Ông Kiên là bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền của người già, sức khoẻ yếu và tâm lý không ổn định.
“Nhân viên y tế ở Trung Quốc lây nhiễm Covid-19 nhiều khiến chúng tôi có chút lo sợ dù đã được tập huấn từ trước. Tôi tự nhủ phải kiểm tra thật kỹ tất cả đồ bảo hộ cho đồng nghiệp, không được để xảy ra sơ suất gì. May mắn, đến khi ông Kiên xuất viện, đồng nghiệp của tôi hoàn toàn khoẻ mạnh”, chị Huệ nói.
Chị Huệ làm tại khoa Nhiễm nhiều năm, nên khi có thông tin bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, họ hàng đều biết rõ chị đang làm công việc gì.
Dù đã tự giác khử khuẩn, tắm gội sạch sẽ trước khi về nhà, chị Huệ đôi khi nhận được câu nói đùa từ người thân: “Corona về nhà rồi kìa”. Chị bảo câu nói vui thôi nhưng đôi lúc khiến mình cũng ái ngại. “Gia đình thì không sao cả, sợ hàng xóm nghe thấy lại phiền”, chị cười nói.
Lúc vào viện, tôi hết sức bàng hoàng, lo sợ còn bây giờ thì phấn khởi vô cùng. Tôi như được tái sinh một lần nữa. Tôi xin tri ân và ghi nhớ ơn này mãi mãi. Cảm ơn bác sĩ Việt Nam.
Bệnh nhân Tạ Hoa Kiên
Chị Lại Thị Hoài Thu - một trong những điều dưỡng được ông Tạ Hoa Kiên “cưng” nhất - cho biết khác với suy nghĩ của nhiều người, cuộc sống trong phòng cách ly áp lực âm của bệnh nhân không diễn ra trông âm thầm, lặng lẽ hay hạn chế tiếp xúc. Ở đó, luôn tràn ngập tiếng cười, lời thăm hỏi, động viên và những lần nói chuyện hàng giờ đồng hồ.
Chị Thu kể bệnh nhân Tạ Hoa Kiên một mình về TP.HCM thăm người thân duy nhất là chị gái đã lớn tuổi. Không may mắc bệnh, ông ấy lo sợ và cô độc.
Những ngày đầu nhập khu cách ly, ông liên tục hoảng loạn, lo sợ và yêu cầu được biết kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, để chắc chắn, chúng tôi không được phép cho bệnh nhân biết trước. Đến khi thông báo dương tính Covid-19, ông gần như ngã gục.
“Sau khi tháo oxy mask, ông Kiên dần ổn định sức khoẻ, từ đó tâm lý thoải mái hơn. Từ đây, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa trở thành bạn tâm giao với bệnh nhân. Chúng tôi thông báo bệnh tình của ông tiến triển tốt. Ông rất vui, tâm sự cho chúng tôi nghe chuyện gia đình, con cái, cuộc sống, cảm nhận về Việt Nam và cả các món ăn ông thích”, điều dưỡng Thu cười khi kể lại kỷ niệm với "chú Kiên".
Bên cạnh việc tích cực điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân Tạ Hoa Kiên liên tục được các y, bác sĩ khoa Nhiễm D “tiếp tế” đồ ăn mỗi khi ông nói thèm món gì đó.
“Món nào nhà ăn bệnh viện không có, chúng tôi thay phiên nhau ra ngoài mua về cho bệnh nhân. Ông thích ăn nhất món chuối sứ nhưng nhà ăn chỉ có chuối cau. Mỗi ngày, đến ca trực, chúng tôi không ai quên ghé mua nải chuối sứ mang vào cho ông”, chị Thu nói khi nhớ lại căn phòng cách ly áp lực âm nơi Việt kiều Mỹ điều trị.
Cũng theo chị Thu, ông Kiên từng nói với bác sĩ rằng không dám ngủ nhiều, sợ họ vào đúng lúc đang ngủ, lỡ mất thời gian được nói chuyện.
"Chúng tôi nghe vậy, sao có thể kiềm lòng, ai ở khoa cũng thương ông như người thân trong nhà”, chị Thu kể.
"Cảm ơn bác sĩ Việt Nam"
Chiều 21/2, ông Tạ Hoa Kiên chính thức được xuất viện. Trước đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - cho biết ông đã 5 lần cho kết quả PCR âm tính với Covid-19.
Khác với vẻ hốc hác, tiều tuỵ cách đây 21 ngày, hôm ra viện, ông Kiên trẻ trung với quần tây, áo sơ mi, đeo chiếc thắt lưng được các y, bác sĩ khoa Nhiễm D tặng.
“Xin chào mọi người”, ông cười lớn và vẫy tay về phía đông đảo phóng viên.
“Tôi về Việt Nam thăm chị đã lớn tuổi. Khi quá cảnh khoảng 2 giờ tại sân bay Vũ Hán, họ làm thủ tục khá rườm rà, tôi có lẽ đã lây bệnh từ đây. Lúc vào viện, tôi hết sức bàng hoàng, lo sợ còn bây giờ thì phấn khởi vô cùng. Tôi như được tái sinh một lần nữa. Tôi xin tri ân và ghi nhớ ơn này mãi mãi. Cảm ơn bác sĩ Việt Nam”, ông Kiên xúc động nói.
Lễ xuất viện không khẩu trang và bệnh nhân tặng hoa cho bác sĩ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Những buổi lễ xuất viện của các bệnh nhân Covid-19 khác, cả bệnh nhân và bác sĩ đều đeo khẩu trang. Hôm ông Kiên xuất viện, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Sở Y tế TP.HCM, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và nhân viên y tế khoa Nhiễm D hầu như không ai đeo khẩu trang. Tất cả đều rất thoải mái, tay bắt mặt mừng.
Sau khi bày tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ, ông Kiên chu đáo gửi tặng PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM và TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM những bó hoa tươi thắm.
“Khi nào nhớ bệnh viện, nhớ bác sĩ, ông cứ vào thăm”, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhắn nhủ khi nhận được bó hoa từ tay ông Kiên.
Trước lúc rời bệnh viện, ông Kiên nắm chặt tay từng nhân viên y tế ở khoa Nhiẽm D: “Tôi sẽ nhớ mọi người nhiều”. Chị Kim Huệ, Hoài Thu và nhiều y bác sĩ khoa Nhiễm D nghe vậy, rớm nước mắt.