Bridges Randle, 47 tuổi, từng làm cảnh sát ở thành phố Memphis, bang Tennessee, Mỹ từ năm 1998 tới năm 2001. Ngày 24/6/2000, một phụ nữ gọi điện báo cảnh sát rằng bạn trai đập xe hơi của cô bằng gậy bóng chày. Bridges cùng một số cảnh sát đã tới căn hộ của người phụ nữ để xử lý vụ việc.
Người phụ nữ kể sau khi đồng nghiệp rời khỏi hiện trường, Bridges đã quay lại, yêu cầu cô cho anh ta vào căn hộ để hỏi thêm vài câu. Sau đó, Bridges rút súng đe dọa và buộc cô quan hệ tình dục.
Nạn nhân đã tố cáo hành vi hiếp dâm của Bridges, song vì sự chậm trễ trong quá trình phân tích các vật chứng liên quan tới án hiếp dâm, 14 năm sau các mẫu tinh dịch mà người phụ nữ cung cấp mới được xét nghiệm, và kết quả phân tích DNA cho thấy tinh dịch thuộc về Bridges.
Trên thực tế, giới truyền thông Mỹ phát hiện hàng nghìn vật chứng liên quan tới các vụ hiếp dâm ở thành phố Memphis đã không được xử lý kịp thời trong hơn 10 năm, khiến quá trình xét xử nhiều vụ án hiếp dâm chậm trễ.
Bridges Randle, cựu cảnh sát thành phố Memphis, hầu tòa hồi năm 2018. Ảnh: Wreg.com. |
Năm 2014, lực lượng cảnh sát thành phố Memphis bắt Bridges khi anh ta đang làm nhân viên bảo vệ cho hộp đêm ở thành phố Atlanta, bang Georgia.
Trong phiên xử năm 2018, người phụ nữ khai trước tòa rằng Bridge kéo cô vào phòng ngủ của con gái, rồi đẩy cô lên giường, khi con gái cô ngủ ở phòng bên cạnh.
Dù vậy, luật sư bào chữa cho Bridges lập luận người phụ nữ tự nguyện quan hệ tình dục với cựu cảnh sát. Bồi thẩm đoàn đồng ý với luật sư của bị cáo, và thẩm phán tuyên Bridges trắng án.
Theo các công tố viên, Bridges từng ra tòa vào năm 2004 cũng vì cáo buộc hiếp dâm. Anh ta không chỉ hiếp dâm người phụ nữ vào năm 2000, mà còn thực hiện hành động tương tự với phụ nữ khác vào năm 2001 sau khi cô này báo cảnh sát về hành vi bạo lực gia đình. Ra tòa, anh ta chỉ phải nhận hình phạt cải tạo không giam giữ trong một năm do thành khẩn khai báo để hưởng khoan hồng.
Mãn hạn cải tạo không giam giữ, Bridges đổi tên thành Ajamu Abiola Banjoko và làm nhân viên bảo vệ. Năm 2012, anh ta làm việc cho Đại học Georgia, nhưng bị sa thải bởi cáo buộc quấy rối tình dục nhiều nữ thiếu niên.
Sau khi được xử trắng án trong phiên tòa năm 2018, Bridges tiếp tục đổi tên thành Oluwafemi Banjoko và chuyển tới quần đảo Virgin, nơi anh ta làm việc tại Đại học Virgin Islands. Cựu cảnh sát tự nhận anh ta có bằng tiến sĩ, nên đảm nhiệm vị trí chuyên gia cấp học bổng và xét duyệt gói thầu.
Hôm 14/6, tòa án liên bang Mỹ đã quyết định xử lại vụ án Bridges Randle hiếp dâm người phụ nữ ở Memphis hồi năm 2000. Cơ quan công tố đề nghị mức án tù chung thân vì tội hiếp dâm và một số tội danh khác đối với cựu cảnh sát.