Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chiến đấu' tại điểm nóng Mường Nhé

Quá trình giải quyết “điểm nóng” Mường Nhé năm 2011, nhóm phóng viên đã sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu, ghi hình, thu thập tư liệu, phản ánh sâu sắc, toàn bộ diễn biến vụ việc.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, ngay trong những ngày nghỉ lễ vốn dĩ bình yên, êm ả lại bắt đầu có những diễn biến bất thường ở vùng rừng núi Tây Bắc của đất nước. Những chuyến xe chở quân của Cảnh sát cơ động lặng lẽ lên đường, những chuyến trực thăng trên bầu trời Tây Bắc với tần suất gấp nhiều lần thời gian trước đó.

Vào thời điểm này, Facebook chưa quá phổ biến, nhưng đã không thiếu những bài post, những status úp mở về việc có một vụ việc nghiêm trọng về ANTT tại huyện Mường Nhé, địa bàn xa xôi nhất về phía Bắc của tỉnh Điện Biên - mảnh đất phên giậu của Tổ quốc.

Kết thúc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đang chuẩn bị cho kế hoạch công tác dài ngày ở phía Nam, thì Đại tá Nguyễn Quang Vinh (khi đó là Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh CAND) bất ngờ gọi tôi và anh Nguyễn Văn Thịnh (hiện là Phó Giám đốc Truyền hình ANTV) vào phòng: “Hai anh em chuẩn bị khẩn trương, kiểm tra thiết bị đủ để ghi hình liên tục trong vòng 3 ngày, mai bay lên Điện Biên nhận nhiệm vụ đột xuất do lãnh đạo Bộ giao!”.

Nội dung công việc cụ thể chưa được tiết lộ, không biết là lên để làm gì? Cùng thời gian này cũng có một nhóm phóng viên khác đã được duyệt kế hoạch lên làm chương trình văn nghệ cho Công an tỉnh Điện Biên, vì vậy tôi đề nghị giao cho mũi công tác đó đảm nhận luôn để tránh chồng chéo. Thủ trưởng chốt lại: “Đây là nhiệm vụ! Tôi quyết định 2 anh em đi mới có thể hoàn thành được yêu cầu của lãnh đạo Bộ”.

diem nong tai Dien Bien anh 1

Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an) thị sát tại thực địa vụ tụ tập trái phép tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011.

Lúc ấy, Truyền hình CAND vẫn chưa phát sóng kênh riêng ANTV, nhân lực toàn bộ là sĩ quan chính quy chứ không có lao động hợp đồng và cộng tác viên, tổng cộng gần 30 người. Là lực lượng vũ trang nên nhiệm vụ đã giao là phải chấp hành. Tôi lập tức chuẩn bị dù trong đầu vẫn không khỏi băn khoăn công việc sắp tới là gì.

Sáng 4/5/2011, chúng tôi có mặt tại Điện Biên, đồng chí Dương Thành Trung, Đội trưởng Tuyên truyền của Công an tỉnh Điện Biên đón chúng tôi với khuôn mặt lo âu, căng thẳng. Anh đưa chúng tôi đến gặp Thiếu tướng Vi Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Lúc này mục đích chuyến công tác mới được hé lộ.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, địa hình dốc núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Với 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 34,8%, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc, nhưng do tập quán du canh du cư nên đời sống kinh tế của đồng bào còn khó khăn. Điện Biên cũng là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo đồng bào Mông triển khai các hoạt động gây rối, chống phá chính quyền.

Tổ chức do Vàng A Ía, Thào A Lù, Giàng A Tỉnh (còn được gọi là nhóm 6 cánh) cầm đầu đã tiến hành vận động đồng bào Mông trên cả nước tập trung về Mường Nhé, liên kết với các thế lực thù địch bên ngoài tổ chức huấn luyện vũ trang và đề ra kế hoạch gây bạo loạn, đánh chiếm các cơ sở quân sự, kinh tế, chính trị trên địa bàn huyện Mường Nhé vào đúng ngày 7/5.

Trung tuần tháng 4/2011 đã có khoảng 7.000 người tụ tập vể bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, gây sức ép với chính quyền địa phương, đòi giao đất và tiến hành các hoạt động gây bất ổn an ninh chính trị tại địa bàn.

Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên tổ chức tiếp cận, tác động tư tưởng người dân; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu; kiên trì vận động nhân dân trở về nơi cư trú… nhưng tình hình ngày càng phức tạp hơn, buộc phải tính đến phương án khác. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và tỉnh Điện Biên phải giải quyết xong “điểm nóng Mường Nhé” trước 7/5, ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhiệm vụ giao cho Truyền hình CAND và Đội Tuyên truyền của Công an tỉnh Điện Biên lúc này là phải ghi hình được toàn bộ thực địa ban đầu và công tác xử lý tiếp theo để làm bằng chứng đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, dối trá của các thế lực thù địch. Thế nhưng để tiếp cận được địa bàn đang căng thẳng như vậy là nguy hiểm.

Thiếu tướng Vi Văn Long nhắc nhở: “Các đối tượng cầm đầu đã phân công nhiệm vụ cho từng nhóm người được trang bị vũ khí để hành động. Một số đối tượng bị kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tư tưởng ly khai, tự trị nên cực đoan, trong đó nhiều tên đã được huấn luyện vũ trang ở nước ngoài… phải thận trọng khi tác nghiệp”.

7h30 ngày 5/5/2011, hai anh em phóng viên Truyền hình CAND cùng Phó Trưởng phòng Chính trị và Đội trưởng Tuyên truyền Công an tỉnh Điện Biên đi ôtô lên thẳng Mường Nhé. Quãng đường dài hơn 200 km rất nhỏ, xấu, hoàn toàn là đèo dốc len lỏi giữa núi non trùng điệp, xe không thể đi nhanh được. Ra khỏi tỉnh hơn 30 km đã gần như không còn gặp ai, ngoài các chốt Cảnh sát cơ động được thiết lập rải rác trên cung đường sau khi có sự việc xảy ra.

Khoảng 15h cùng ngày, chúng tôi đến địa bàn xã Nậm Kè. Tại đây, các lực lượng làm nhiệm vụ đã có mặt xung quanh khu hành chính của xã và dọc 2 bên đường quốc lộ. Tôi cùng với Văn Thịnh và Thành Trung hội ý và suy đoán: “Tình hình đang nóng lên từng giờ, khả năng ngày mai sẽ triển khai kế hoạch lớn, vậy thì ngay bây giờ mình phải tìm cách ghi hình thực trạng, được chừng nào tốt chừng đó”.

Không thể tiếp cận trực diện theo con đường duy nhất, anh Thành Trung đã thuyết phục được lực lượng địa bàn đưa chúng tôi đi bộ vòng qua 2 quả đồi cao đến điểm quan sát đang có tổ công tác tại đó, chúng tôi leo lên cây hướng ống kính về phía bản Huổi Khon, qua những ngọn đồi là thung lũng với rất nhiều mái lều bạt trắng nằm san sát nhau trong một khu vực rộng, nhiều người đi lại tấp nập.

Con đường đất độc đạo nằm cheo leo theo sườn núi dẫn vào khu vực đó bị chặn bởi một barie tự chế bằng cây gỗ và tre nứa, tại đây có nhóm người cầm dao đứng canh gác. Ống kính chúng tôi “theo” nhận dạng được hành vi của vài đối tượng nhiều khả năng là cầm đầu.

Các anh trong tổ công tác liên tục nhắc nhở chúng tôi thật kín đáo và tác nghiệp nhanh vì: “Từ mấy hôm nay thấy nhiều đối tượng mang súng kíp, súng săn, dao rựa, cung nỏ. Riêng từ sáng đến giờ, một số đối tượng còn rút xăng từ các xe máy chứa vào các túi nilon mang vào lán - rất có thể các đối tượng đang chế tạo bom xăng để đối phó”.

diem nong tai Dien Bien anh 2

Cấp ủy, chính quyền địa phương phát loa vận động người dân không nghe theo lời kẻ xấu.

Ghi đủ hình ảnh ban đầu, chúng tôi quay về huyện Mường Nhé. Ở đây bầu không khí chuẩn bị cảm nhận rõ hơn, lãnh đạo các ban, ngành địa phương đang phân công nhiệm vụ cho lực lượng của mình. Chúng tôi được dự cuộc họp chốt phương án, trong đó phóng viên Truyền hình CAND và anh Thành Trung của Công an tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ đi tuyến đầu để ghi hình toàn bộ diễn biến vụ việc làm chứng cứ đấu tranh sau này. Sau khi kiểm tra lần cuối thiết bị đem theo, chúng tôi không thể chợp mắt vì hồi hộp chờ lệnh lên đường.

Lúc 5h ngày 6/5/2011, các lực lượng đã tập trung đông đủ để nhận lệnh hành quân vào bản Huổi Khon. Bản nằm phía trong núi cách đường xe đi khoảng 10 km, lối vào là con đường đất - đến giữa chặng đường gặp doanh trại dã chiến của Cảnh sát cơ động, ít phút sau, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an) có mặt. Rất ngắn gọn, ông nhấn mạnh một lần nữa sự quan trọng và phải thành công của nhiệm vụ hôm nay và phát lệnh triển khai kế hoạch.

Đoàn người bắt đầu di chuyển vào điểm nóng. Chúng tôi theo tốp đi đầu mặc thường phục nhưng dưới lớp áo thường phục là áo giáp chống đạn và vũ khí gọn nhẹ. Họ có nhiệm vụ vô hiệu hóa ngay các đối tượng nguy hiểm chống đối. Ngày hôm đó có 3 máy quay được phép ghi hình: 1 của Truyền hình CAND; 1 của Tổng cục An ninh và 1 của Công an tỉnh Điện Biên.

Nhìn đồng nghiệp đều đã mặc áo giáp chống đạn từ khi nào, tôi và anh Thịnh nhìn nhau gật đầu chấp nhận “Cùng lắm là chết, đằng nào cũng xác định là ra trận”. Vai thì nặng trĩu túi đựng pin và băng quay do xác định sẽ ghi hình liên tục cả ngày, tay xách chân máy nặng hơn 10 kg để anh Thịnh vác máy quay tác nghiệp liên tục trên đường đi. Đang hành quân, một chỉ huy mũi của Cảnh sát đặc nhiệm quay sang hỏi tôi: “Bọn em là bên nào?”. Tôi vội trả lời: “Bọn em là quân dưới Bộ lên, lính sếp Vinh và sếp Đoàn ạ”.

Tôi biết nói thế các đồng chí sẽ nhận ra ngay vì đồng chí Hà Đoàn, Trưởng ban Biên tập thường xuyên làm chương trình với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Y như rằng, anh cười khẽ: “Đúng là mấy ông truyền hình Bộ liều thật, bọn nó không vừa đâu. Bọn em đi thế này nguy hiểm đấy, không áo giáp, không mũ gì cả”. Sau đó anh quay sang lệnh: “Cắt riêng 2 người bảo vệ phóng viên”. Vậy là chúng tôi yên tâm hơn phần nào.

Sau hơn nửa tiếng di chuyển, đoàn đã áp sát khu vực barie rào chắn phía trước điểm nóng. Tại đây hơn 30 đối tượng tay cầm gậy gộc đã đứng chờ sẵn, mặt mũi hằm hằm, phía sau chúng là mấy trăm đối tượng khác đang bắt đầu chuyển động, chắc chắn là có vũ khí nóng mang theo. Hai bên đều ghì sát vào barie, song chưa bên nào “động thủ”. Tôi ra hiệu cho anh Thịnh lên bám bờ taluy dương để “ôm” hình trực diện, tuy nhiên sát bên phải là bờ vực nhìn xuống sâu thăm thẳm, rất đề phòng nếu không sẽ sảy chân - tôi ôm ngang lưng anh Thịnh… không khí im lặng nhưng căng như dây đàn, chúng tôi biết trước chỉ ít phút nữa thôi là “điều gì đến sẽ phải đến”.

Đồng chí chỉ huy tổ công tác khi nãy lớn tiếng:

- Chúng tôi là tổ công tác của chính quyền, đề nghị mở barie để chúng tôi vào nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời để lực lượng y tế chăm sóc sức khoẻ cho bà con.

Nhóm đối tượng nhao nhao hò hét:

- Không cần, không cho ai bước chân vào đây.

Cả hai phía bắt đầu dùng sức xô đẩy nhau qua thanh barie, không khí hừng hực nóng bỏng... Quay phim Văn Thịnh nhao lên lại bị chính 2 Cảnh sát cơ động hóa trang chặn ngay phía trước ống kính, tôi vội chạy đến đẩy họ ra nhưng không thể. Bất chợt một đối tượng vung cây gậy đập vào một chiến sĩ, hàng đầu - ngay lúc đó tôi nghe rõ khẩu lệnh vang trầm đục song rất đanh:

- Đánh!

Gần như tức thì một mũi đột phá gồm 3 chiến sĩ đặc nhiệm lao thẳng về phía các đối tượng đang chặn đầu tiên, đẩy bật chúng về phía sau. Cực nhanh sau đó, từng tốp 2 đồng chí lao vào đánh gục, tước vũ khí, khóa tay các đối tượng nhanh như… phim hành động. Vài đối tượng hung hãn tại hàng sau cầm vũ khí, gậy gộc lao lên nhưng Cảnh sát đặc nhiệm không cho chúng cơ hội tấn công, còn lại hoảng loạn quay đầu bỏ chạy…

diem nong tai Dien Bien anh 3

Giữa cảnh hỗn loạn ấy chúng tôi lao vào để tác nghiệp, máy của anh Văn Thịnh thay đổi hướng máy và tiêu cự liên tục, anh Thành Trung thì tay máy quay, tay máy ảnh như “biểu diễn xiếc” - cũng lạ là mấy anh em tôi không ai không bị “đòn nhầm” của Công an hay những kẻ chống đối.

Chỉ trong vòng chưa tới 5 phút, tất cả 30 đối tượng trấn giữ bên ngoài đều bị khóa tay, barie bị phá bỏ để mở đường cho các lực lượng khác áp sát vào. Các mũi nhanh chóng tỏa rộng vào phía sau truy bắt tiếp những đối tượng cầm đầu theo nhiệm vụ đã phân công với nhận dạng đối tượng đã được từng tổ công tác “nằm lòng”, nhiều đối tượng cho đến lúc bị còng tay rồi vẫn không hiểu mình bị lộ diện từ khi nào. Tất cả hình ảnh “nóng nhất” đều không lọt khỏi ống kính của phóng viên Truyền hình Công an.

Tình hình tạm ổn định, lực lượng Cảnh sát cơ động mặc sắc phục triển khai đội hình vào đóng chốt chia cắt nhỏ toàn bộ khu vực; các bên dân vận, y tế, Chữ thập đỏ và Đoàn Thanh niên vào làm nhiệm vụ đã được phân công một cách thành thục.

Theo các góc máy, liên tiếp mấy quả đồi là hàng trăm lán, trại vừa mới dựng với cột kèo gỗ chặt tại chỗ và mái chỉ là những tấm bạt nhựa loang lổ rách nát. Tháng 5 mưa nhiều khiến khắp nơi lầy lội, bẩn thỉu trong bùn đất đỏ quạch. Bà con đồng bào Mông tập trung về đây đều mang theo cả gia đình với chăn màn, quần áo, đồ dùng tối thiểu. Người già thì nằm mệt mỏi trên các sàn trải chăn tạm bợ. Trẻ con thì nheo nhóc, khóc như ri khắp nơi. Hầu hết gương mặt đều bàng hoàng song cũng sợ sệt, lo âu.

Nghe lời lừa phỉnh của các đối tượng về việc đi “đón Vua” rồi bỏ hết ruộng vườn nương rẫy về đây ăn ở tạm bợ, bẩn thỉu, đói khát, thậm chí ngột ngạt, thiếu oxy để thở bởi quá đông người tập trung một chỗ, muốn trở lại nhà cũng không thể, 7.000 người ngồi đây nhìn nhau, hàng chục ngày ăn uống cầm hơi, họ trở thành những con tin bị giam lỏng của vài chục tên cầm đầu.

Sự có mặt của chính quyền như “cơn mưa rào giữa hạn hán” nhưng họ vẫn hồi hộp, lo sợ sự trừng phạt của luật pháp. Các tổ công tác đã đến từng lều lán nắm tình hình, giảng giải cho họ hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người bị lầm lỗi, nhẹ dạ; y tế, Chữ thập đỏ khám sức khỏe, xử lý các trường hợp bị ốm; các lực lượng khác giúp thu dọn đồ đạc ra khỏi rừng, cấp phát nhu yếu phẩm cần thiết và dùng ôtô đưa bà con về nhà theo vùng, miền.

Liên tục từ rạng sáng đến quá trưa, mải mê ghi hình khắp nơi đầy ắp dữ liệu “có một không hai”, đến lúc anh Thành Trung dúi cho 2 chai nước và 1 gói mì tôm sống mới nhận ra là 2 anh em vừa đói vừa khát.

14h, Bộ trưởng có mặt tại hiện trường cũng là lúc tất cả 125 đối tượng cầm đầu, quá khích bị đưa lên xe về trại giam; các nơi cất giấu vũ khí, bom xăng đều bị phát hiện thu giữ; các lán trại cũng được Cảnh sát cơ động của Bộ và Công an tỉnh Điện Biên tháo dỡ để trả lại nguyên trạng những ngọn đồi và những gia đình đầu tiên được lên xe rời khỏi Huổi Khon.

Vừa mới sáng nay, cánh rừng và những ngọn đồi này tập trung hơn 7.000 người thì đến 16 giờ đã trở nên bình yên. Thật thú vị khi ghi hình những đối tượng tự xưng là Bộ trưởng, Phó Thủ tướng… đại diện cho cái gọi là “Vương quốc Mông” giờ ngồi khóc lóc, mếu máo như trẻ con và luôn mồm xin được khoan hồng.

Lúc này mới gặp số Cảnh sát cơ động trong mũi đầu tiên và mới biết, hóa ra 2 ông Cảnh sát cơ động mặc thường phục cứ cản mũi phóng viên là để che cho anh em, sợ đối tượng tấn công phóng viên như chỉ huy đã phân công: “Các ông phóng viên mà đẩy chúng tôi cũng khỏe kinh”, tất cả bắt tay cười với khuôn mặt bị cháy nắng, phồng rộp, đỏ như tôm luộc.

Không phải tham gia “giải quyết hậu quả”, chúng tôi lập tức lên đường về huyện Mường Nhé và đến lúc này mới nhớ ra, từ sáng đến giờ chỉ có gói mỳ tôm sống trong bụng. Ngặt nỗi suốt đường về chẳng có hàng quán nào, dừng đại tại ngôi nhà có biển hàng ăn nhưng đóng cửa, anh Thành Trung năn nỉ họ cho anh em chúng tôi “tự phục vụ và trả tiền”. Nhận được cái gật đầu là anh Trung và anh Thịnh lao ra vườn lùa gà, thế mà cũng vồ được một con mới hay chứ… Chúng tôi đã có bữa cơm ngon nhất từ khi ra đời.

Sáng sớm ngày 7/5, kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi rời Mường Nhé về Điện Biên để ngay tối đó phải về Hà Nội bằng xe khách giường nằm đi suốt đêm. Ngồi bám bàn dựng liền 2 ngày, vừa dựng vừa viết lời, hoàn thành 60 phút phim tư liệu “Giải quyết điểm nóng tại Điện Biên” để trình chiếu báo cáo trong phiên họp Bộ Chính trị. Toàn bộ 6 băng DVCam gốc tư liệu đã được bảo quản theo chế độ “Mật”.

Năm 2015, Điện Biên đăng cai cuộc diễn tập thực binh giải quyết điểm nóng về khủng bố và gây rối ANTT ở cấp quốc gia. Dĩ nhiên, cuộc diễn tập với quy mô cả nghìn người tham gia hoành tráng hơn rất nhiều nhưng hoàn toàn không nguy hiểm và kịch tính như năm 2011.

Cách chức chủ tịch xã ở Thanh Hóa vì quan hệ bất chính với nữ cấp dưới

Ông Trương Văn Gương bị cách chức, còn bà Trương Thị Hà đang được Hội Phụ nữ xem xét hình thức kỷ luật sau khi 2 người này có quan hệ bất chính tại trụ sở UBND xã.

https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/chien-dau-tai-diem-nong-muong-nhe-i657234/

Vũ Phương/ Công an Nhân dân

Bạn có thể quan tâm