Tôi là Đồng Ngọc Hiền, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM). Tôi công tác tại đơn vị này được 3 năm và là một trong những nữ bác sĩ trẻ thuộc đội cấp cứu. |
Ca trực của tôi kéo dài 24 tiếng, từ 7h hôm trước đến 7h ngày hôm sau. Mỗi tháng, tôi cũng như các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 có 6 ca trực như thế. |
Vừa vào ca trực, tôi nhận được thông tin về trường hợp cần cấp cứu trên đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình. Tôi lập tức xách dụng cụ y tế rồi cùng 2 điều dưỡng, tài xế tới chỗ bệnh nhân nhanh nhất có thể. Trên tay tôi là chiếc điện thoại nội bộ, mọi thông tin về tình huống cấp cứu sẽ hiển thị đầy đủ. |
Trên đường đi, tôi gọi điện để xác nhận địa điểm cụ thể. Trong điện thoại, giọng một phụ nữ ngắt quãng như sắp khóc, nói rằng mẹ cô ấy rất khó thở và cần chúng tôi đến ngay lập tức. Tôi trấn an tinh thần cô ấy và hỏi thêm về tình trạng hiện tại của bệnh nhân. |
Khoảng 15 phút, chúng tôi có mặt tại nhà bệnh nhân. Căn nhà của bà cụ nằm sâu trong hẻm nên xe cấp cứu phải đỗ phía ngoài. Chúng tôi nhanh chóng đẩy cáng cấp cứu vào bên trong nhà. |
Bà cụ hơn 70 tuổi, thở khó, có nhiều bệnh lý tuổi già. Tôi thông báo trước với người thân rằng tình trạng của bà khá nặng. |
Nghe nhịp tim đập yếu, chúng tôi đo điện tim để có thêm thông tin chính xác về tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Bà cụ bị tụt huyết áp và suy hô hấp. Tôi lập tức lắp bình thở oxy cho bà trước khi đưa tới bệnh viện gần nhất. |
Với những bệnh nhân bị suy hô hấp, việc cấp cứu chậm vài phút có thể dẫn đến ngưng tim. Đây là một trong những tình huống khẩn trong cấp cứu ngoại viện. Khi tiếp nhận những ca cấp cứu này, chúng tôi thường khá căng thẳng và lo lắng. |
Bà cụ được chúng tôi chuyển đến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất. Với những ca suy hô hấp thì không nói trước được điều gì. Tôi trở về trung tâm, cập nhật thông tin sau ca cấp cứu. |
Tôi rửa tay, rửa mặt, thư giãn một chút. Mặc dù khá quen với công việc cấp cứu nhưng chỉ khi bệnh nhân được đến bệnh viện thì chúng tôi mới thật sự thở phào. Đây là cảm giác tích cực nhất trong ca làm việc. |
Mỗi lúc rảnh rỗi trong ca trực, tôi tranh thủ nghỉ ngơi hoặc cùng các đồng nghiệp đánh bóng bàn. Khuôn viên trung tâm cấp cứu còn có thêm sân cầu lông, bóng đá để nhân viên rèn luyện sức khoẻ và thư giãn. |
Khoảng 21h, chuông thông báo tại phòng điều phối reo lên dồn dập. Tôi cùng tài xế Tâm và anh Tôn, anh Trung là điều dưỡng, khẩn trương tới nhà của một bệnh nhân trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3. Theo mô tả của người gọi, bệnh nhân khó thở, tức ngực, tỉnh táo nhưng khó cử động.
Sau 10 phút, nhóm chúng tôi tới nơi. Nhà của bệnh nhân nằm sâu trong hẻm, rộng chỉ 4 mét vuông. Tôi và hai người đồng nghiệp thoáng bối rối. Anh Tôn và anh Trung nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ, đồ đạc. Với tình huống bệnh nhân khó thở, bình oxy là phương tiện cấp cứu không thể thiếu. |
Chẩn đoán ban đầu, người bệnh mắc hội chứng mạch vành cấp. Điều khó khăn nhất bây giờ là tìm cách đưa được chị qua cầu thang xoắn chật hẹp, xuống cáng cấp cứu ở tầng trệt. |
Chúng tôi quyết định động viên và hướng dẫn cô ấy tự xuống cầu thang. Điều dưỡng Tôn xuống trước đưa tay đỡ bệnh nhân. Tôi nhích từng bước theo sau, người cô ấy run run mỗi khi cử động. |
Sau 10 phút căng thẳng, chúng tôi xuống tầng trệt thành công. Đây có lẽ là 10 phút dài nhất trong ngày hôm nay của tôi. Thật may là mọi việc diễn ra suôn sẻ. |
Chúng tôi đưa bệnh nhân lên xe, truyền nước cho cô ấy và di chuyển đến bệnh viện. |
Ca cấp cứu kết thúc khi chúng tôi đưa được người phụ nữ này đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Sau khi bàn giao bệnh nhân cho đồng nghiệp, chúng tôi chào người nhà và ra về. |
Ngày hôm nay tôi đã tiếp nhận 4 trường hợp cấp cứu, trong đó có 3 ca được chuyển đến bệnh viện kịp thời. Một ca tai nạn giao thông nhưng khi đến nơi thì nạn nhân đã được chuyển đi. Trước mắt tôi sẽ còn vài tiếng đồng hồ dài đằng đẵng cuối cùng của ca trực. |
Trung tâm Cấp cứu 115 lúc này chỉ còn 6 bác sĩ và điều dưỡng trực cấp cứu. Gần 0h, chúng tôi ăn chút đồ ăn nhẹ và ngồi nghỉ ngơi tại phòng điều hành. Mọi người trò chuyện, tranh thủ kể với nhau về những tình huống cấp cứu đã trải qua hôm nay. |
Với nhân viên cấp cứu như chúng tôi, thời gian là thứ gì đó rất khác. Đặc biệt là giây phút tiếp nhận cuộc gọi đến khi tới được hiện trường, 5 phút mà cứ như 5 tiếng đồng hồ vậy. Chậm vài giây có thể tình hình sẽ khó lường. |