Túc trực ở bệnh viện để cho máu
Tôi gặp Trần Long Anh trong lễ tôn vinh những người tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo do khoa Huyết học (bệnh viện Trung ương Huế) tổ chức.
Trần Long Anh là một trong những cá nhân được tuyên dương và cử tham gia Hành trình đỏ xuyên Việt. Đây là chương trình dành cho những tình nguyện viên đã có thành tích trong việc tham gia hiến máu nhân đạo toàn quốc.
Trần Long Anh, người đã 23 lần tham gia hiến máu nhân đạo. |
Mặc dù chỉ mới bước sang tuổi 26 nhưng chàng cán bộ kỹ thuật trẻ đã có 23 lần tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo. Đặc biệt trong số những người được khen thưởng thì anh cũng là người trẻ nhất.
Khi được hỏi động lực gì khiến anh tham gia hiến máu nhiều lần như vậy, Trần Long Anh mỉm cười trả lời: “Mình chỉ mong những giọt máu của mình sẽ góp phần cứu giúp những người bệnh cần máu”.
Trần Long Anh đã tham gia tình nguyện hiến máu từ hồi còn là sinh viên. Anh luôn là người tích cực tham gia hiến máu, và cho đến bây giờ khi đã trở thành cán bộ của ĐH Y Huế, Long Anh vẫn không từ chối hiến máu. Lúc nào có bệnh nhân cần máu gấp, nếu cùng nhóm máu thì anh luôn sẵn sàng.
Hầu như cuộc sống hàng ngày của anh cán bộ kỹ thuật trẻ gắn với bệnh viện nhiều hơn là phòng trọ. Hết công việc ở bộ môn Long Anh lại túc trực ở phòng xét nghiệm của khoa Huyết học. Mọi người thường nói vui bệnh viện chính là nhà của Long Anh.
Những lúc có bệnh nhân cấp cứu hay phẫu thuật cần cung cấp máu gấp, nếu phù hợp với nhóm máu O của Long Anh thì anh sẵn sàng hiến máu cho người bệnh. Nếu không phù hợp với nhóm máu của mình, Long Anh sẽ huy động những tình nguyện viên tham gia hiến máu.
Nhắc đến Long Anh, Bác sĩ Hà Nữ Thùy Dương - Trưởng khoa Huyết học bệnh viện ĐH Y Huế cho biết: “Mỗi khi có trường hợp cấp cứu cần cho máu tươi gấp thì chúng tôi phải nhờ tới sự giúp đỡ của Long Anh.
Cách đây không lâu, khi có bệnh nhân cần truyền máu khi mổ, tình hình rất căng, mặc dù Long Anh chỉ mới hiến máu chưa được 2 tháng nhưng cậu ấy vẫn tiến hành cho máu người bệnh”.
Không chỉ tự mình hiến máu nhân đạo, Trần Long Anh còn tích cực tuyên truyền, vận động bàn bè, đồng nghiệp cùng tham gia với anh. Long Anh cho biết: “Đây là hoạt động của cộng đồng, cần có sự tham gia hiến máu của nhiều người. Nếu chỉ có mỗi mình thì không thể làm được điều gì cả”.
Cũng vì quá mải mê với công việc ở trường và bệnh viện nên Long Anh rất ít khi về căn phòng trọ nơi anh sinh sống. Cũng vì vậy mà bọn trộm đã lợi dụng sơ hở khoắng sạch những đồ đạc có giá trị mà anh tích cóp được như máy laptop, tivi…
Nhắc đến chuyện không may này, Long Anh dí dỏm: “Bọn trộm biết mình ít có mặt ở phòng trọ nên chúng đã cửa đột nhập lấy hết đồ đạc của mình. Cũng xui thật nhưng mất rồi thì đành chịu chừ biết hỏi ai, chỉ tại mình không chịu ở nhà mà cứ đi hoài thôi”.
Theo nghiệp y khoa vì thương mẹ
Ít ai biết được lý do mà anh chàng trai người Quảng Trị lại hăng hái tham gia hiến máu một cách đặc biệt đến như vậy. Có người cho rằng anh tích cực hiến máu nhân đạo như vậy là có mục đích riêng của mình. Nhưng không ai hiểu được nguyên nhân sâu xa đầy nhân văn và chữ hiếu với người mẹ kính yêu của Long Anh.
Trần Long Anh sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia giáo, cả ba và mẹ đều là giáo viên. Ngay từ nhỏ Long Anh đã được gia đình uốn nắn cả về tri thức lẫn nhận thức về cuộc sống.
Phòng xét nghiệm Khoa Huyết học (Bệnh viện Đại học Y Huế) -Nơi Trần Long Anh túc trực hiến máu cứu người. |
Tốt nghiệp phổ thông, Long Anh vào TP.HCM đơn thi tuyển vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật. Đó cũng chính là ngành học ước mơ mà Long Anh ấp ủ từ hồi còn học phổ thông.
Thi cử xong xuôi, Long Anh cùng bạn bè ra Đà Nẵng nghỉ sau kỳ thi đại học đầy căng thẳng. Đùng một cái tin từ nhà báo vào là mẹ anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng chấn thương sọ não phải đưa gấp vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, tình hình hết sức nguy kịch.
Thế là Long Anh phải gác lại chuyến du lịch, tất tả chạy ngược ra Bệnh viện Trung ương Huế, nơi mẹ mình đang phải chống chọi giữa cái sống và cái chết.
Không lâu sau đó, trong thời gian cùng ba chăm sóc mẹ ở bệnh viện thì có tin vui từ TP.HCM: Giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.
Cầm giấy báo mà tâm trí của Long Anh rối bời vì người mẹ vẫn trong cơn nguy hiểm. Còn gia đình thì không ai còn lòng dạ nào để chia sẻ niềm vui trúng tuyển của anh.
Thế là Long Anh đã đưa ra quyết định đã làm thay đổi cả cuộc đời anh. Đôi mắt đượm buồn, Long Anh tâm sự: “Lúc đó, tôi chỉ muốn ở bên chăm sóc mẹ, còn học không được chỗ này thì học chỗ khác. Đối với tôi sức khỏe của mẹ mới là điều quan trọng nhất. Đến bây giờ tôi không cảm thấy hối tiếc vì đã quyết định như vậy”.
6 tháng ăn dầm ở dề tại bệnh viện Trung ương Huế đã giúp cho Long Anh hiểu được tính mạng của con người quan trọng biết bao.
Những trường hợp bị tai nạn giao thông như mẹ của anh vì không có nhóm máu phù hợp để truyền kịp thời nên đã phải chết. Ở đó, anh cũng đã cảm nhận được sự quý giá của từng giọt máu và biết ơn vô cùng những người đã giúp đỡ tình nguyện hiến máu để cứu người mẹ yêu dấu của anh.
Cũng từ đó, trong tâm trí của chàng trai Trần Long Anh đã hướng theo con đường Y khoa, trở thành bác sĩ để “đền ơn xã hội” đã cho mẹ anh được sống lần thứ hai.
Cho đến bây giờ, lý do anh quyết định từ bỏ ước mơ trở thành giáo viên kỹ thuật để theo đuổi sự nghiệp y khoa và tại sao anh lại thích hiến máu nhân đạo đến như vậy thì chỉ có gia đình anh, chỉ có mẹ của anh là hiểu rõ nhất.
“Mẹ mình biết được suy nghĩ của mình nên cũng không cấm cản, chỉ bảo mình phải giữ gìn sức khỏe, không nên lạm dụng cho máu nhiều quá. Cũng có những lúc hiến máu “dày” quá, mình cảm thấy rất mệt mỏi nhưng lại thấy vui vì đã giúp cứu được người bệnh”.