Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'27 năm tôi mới biết mình tự kỷ'

"Thực sự nội tâm tôi rất sâu sắc, mặc dù nét mặt hay âm độ giọng nói không mấy thay đổi. Thật tổn thương khi người đời gán tôi cái mác vô cảm", Eloise viết.

Zing trích dịch bài viết từ New York Times, đề cập đến những chia sẻ của tác giả Marianne Eloise đến từ nước Anh về hành trình phát hiện bản thân mắc chứng tự kỷ.

Suốt thời gian qua, tôi nhận thấy thật khó khăn để tồn tại trên cõi đời này.

Nhìn lại những bức ảnh thời thơ ấu, có thể thấy tôi thường né tránh máy ảnh. Đặc biệt, đôi bàn tay nhỏ bé của tôi luôn trong trạng thái nắm chặt lại. Hiếm khi tôi xuất hiện bên cạnh người khác. Tôi thường mải mê với một trong số ít hoạt động khiến bản thân cảm thấy an toàn.

bi tu ky anh 1

Sau 27 năm, Marianne Eloise mới biết rằng mình mắc chứng tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý.

Trong một vài bức ảnh, gương mặt tôi biểu lộ rõ sự buồn rầu. Trong đó, có một tấm chụp tôi ngoài bãi biển với đôi mắt đẫm lệ vì phải cởi bỏ bộ đồ bơi. Lần ấy rõ ràng là tôi bị cháy nắng, nhưng tôi vẫn kiên quyết đòi đi biển.

Khi lớn lên, cảnh tượng, âm thanh và mùi của cuộc sống thường ngày vẫn khiến tôi choáng ngợp. Tôi phải vật lộn với mọi thứ - từ việc mở mắt thức dậy cho đến chuyện phải cử động cơ thể để có thể nói chuyện rõ ràng. Tôi cũng nhanh chóng kiệt sức khi ở bên người khác.

Tôi phải chịu đựng nhiều cơn khủng hoảng tâm lý bất chợt, thậm chí còn tự làm hại bản thân. Tôi đã hy vọng rằng khi lớn lên bản thân sẽ không còn khóc lóc, bị ám ảnh hay tức giận vô cớ.

Thế nhưng, tình trạng này không hề chấm dứt. Nó còn trở nên tồi tệ hơn và chẳng còn ai thông cảm cho tôi nữa vì tôi đã trưởng thành.

Mãi cho đến tháng 7 vừa qua, tôi cuối cùng đã hiểu nguyên nhân gây ra những hành vi của mình. Ở tuổi 27, tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Sống ngụy trang, che giấu bệnh

Việc được chẩn đoán muộn như vậy nghe chừng bất bình thường nhưng nó không hề hiếm, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trước đây, thậm chí người ta còn cho rằng phụ nữ không thể mắc chứng tự kỷ.

Thế nhưng, một số nghiên cứu gần đây khẳng định nữ giới vẫn có thể mắc chứng bệnh này. Vì là đối tượng bệnh nhân dễ bị bỏ qua, họ thường được chẩn đoán muộn hơn nam giới.

bi tu ky anh 2

Do sống "ngụy trang" quá lâu, nhiều người như Eloise không nhận ra mình mắc những dấu hiệu bệnh tự kỷ.

Một phần gây ra thực trạng trên là do điều kiện để kết luận chứng tự kỷ thường thiên về cách biểu hiện của bé trai. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do những người tự kỷ thường học cách bắt chước người khác.

Họ sao chép những người xung quanh bằng cách “ngụy trang” và thường đánh mất bản chất của mình trong lúc thực hiện lối sống này.

Khi đó, họ thường rơi vào bẫy Catch-22 - một thuật ngữ dùng để chỉ một hoàn cảnh, tình huống khó xử mà con người không thể thoát ra được do bị mắc kẹt bởi những logic và ràng buộc mâu thuẫn nội tại.

Tương tự, sự khác biệt của những bệnh nhân tự kỷ sẽ khiến họ bị xa lánh, do đó họ chọn cách che giấu chúng. Nhưng khi đi khám bệnh, do “ngụy trang” quá khéo léo, các bác sĩ thường không nhận ra các biểu hiện chứng tự kỷ của họ để chẩn đoán chính xác.

Hồi còn nhỏ, mặc dù khả năng viết lách và đọc rất tốt, tôi nhanh chóng cảm thấy chán nản với chuyện học hành. Thay vào đó, tôi thường quậy phá, quấy khóc và cư xử tồi tệ với mọi người nên hay bị phạt.

Tuổi thanh xuân của tôi chỉ xoay quanh việc cáu giận vô cớ, đánh mất bạn bè và tự làm tổn thương bản thân theo nhiều cách khác nhau. Dần dà, tôi học được cách che giấu một số đức tính xấu đó và viện cớ cho những thứ mình không thể “ngụy trang” được.

bi tu ky anh 3

Tuổi thơ của Eloise là những lần bị thầy cô phạt, bạn bè xa lánh.

Ví dụ, hồi còn là một thiếu niên, giáo viên thường quy kết rằng khả năng sắp xếp, tổ chức tồi tệ và lối giao tiếp kém của tôi là do sự nổi loạn và lười biếng, chứ không phải biểu hiện của chứng tự kỷ.

Và khi lớn lên, tôi làm bartender ở một quán bar - một môi trường làm việc hỗn loạn nên chẳng ai quan sát, để tâm đến tôi quá kỹ, hoặc cũng có thể những món cocktail tôi pha ngon đến nỗi không có khách hàng nào gọi tôi ra phàn nàn.

Quyết tâm đi tìm bản thân

Biện pháp che giấu những biểu hiện của chứng tự kỷ đã giúp tôi “sống sót” trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cho đến khi tôi trở thành một nhân viên công sở cách đây 5 năm. Tôi nhanh chóng nhận ra bộ não của mình không thể tuân theo một lịch trình làm việc thông thường.

Mọi thứ đều gây ảnh hưởng đến khả năng thích nghi của tôi: thức dậy sớm, nhiệt độ quá lạnh ở chốn văn phòng, tiếng ồn và hình ảnh đồng nghiệp ăn uống xung quanh. Bộ não của tôi suy sụp và ngừng hoạt động. Tôi trải qua nhiều tuần cảm thấy bất lực, bị choáng ngợp đến mức sợ hãi tột độ.

Việc phải ngồi một chỗ 8 tiếng/ngày, giả vờ thoải mái khi tham gia vào những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp hay đưa ra ý tưởng trong các buổi họp, đối với tôi, là một cực hình.

Nó khiến tôi kiệt sức đến mức tôi phải đi ngủ ngay lập tức khi bước chân về đến nhà. Trước đây, tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến chuyện tính tình mình kỳ dị. Nhưng đó là lần đầu tiên, tôi nhận thấy bản thân khác biệt với những người khác.

bi tu ky anh 4

Cố gắng hòa nhập chốn công sở luôn khiến Eloise kiệt sức.

Một ngày nọ, tôi quyết định gọi cho mẹ và hỏi rằng liệu mẹ có nghĩ tôi tự kỷ không. Câu trả lời của bà ấy là “có”, một cách rõ ràng. Tôi quyết định nghỉ việc và đi khám bệnh. Tuy nhiên, danh sách chờ quá dài khiến tôi nản chí.

Tại Anh, nơi tôi sinh sống, trừ khi đủ khả năng tài chính để khám tư nhân, bạn phải chờ cho đến khi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) xếp lịch hẹn để chẩn đoán những bệnh lý như chứng tự kỷ. Việc chờ đợi có thể mất nhiều năm bởi trung tâm thường bị quá tải và thiếu nhân lực.

Hai năm sau, tôi nhận một công việc văn phòng khác. Một lần nữa, tôi thấy bị choáng ngợp và không thể làm việc bình thường. Tôi lại cố gắng theo đuổi việc khám bệnh ở Dịch vụ Y tế Quốc gia một lần nữa.

Lần ấy, bác sĩ bảo tôi rằng họ không thể cung cấp hỗ trợ y tế cần thiết trừ khi tôi tự gây nguy hiểm cho bản thân.

Thật trớ trêu, bởi tôi từng làm hại bản thân nhiều lần trong quá khứ nhưng dần dần tự kiềm chế được. Nhưng giờ vì vậy mà tôi không được nhận sự trợ giúp y tế.

Yêu thương, chấp nhận, tha thứ cho bản thân

Khi nước Anh phong tỏa vì đại dịch hồi tháng 3, tôi phát hiện ra mình đối mặt với sự cô đơn vô cùng dễ dàng: không còn phải giao tiếp xã hội, đến cửa hàng hay tham gia giao thông công cộng. Nhưng tôi vẫn mong muốn được giải thích về hành vi của bản thân.

Do thu nhập ổn định và cao hơn trước, tôi quyết định trò chuyện với bác sĩ tâm thần thuộc một phòng khám tư. Cô ấy và đồng nghiệp đã dành 3 ngày để xét nghiệm tôi. Kết quả đưa ra rõ ràng: Tôi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

bi tu ky anh 5

Kết quả chẩn đoán của bác sĩ như một "tuyên ngôn" thay đổi hướng nhìn của Eloise về cuộc sống.

Tôi cứ nghĩ rằng sau khi nhận kết quả chẩn đoán, bản thân sẽ thấy bối rối. Nhưng ngược lại, tôi lại vô cùng hào hứng và hưng phấn. Tôi kể với mọi người.

Tôi vẫn là Eloise của ngày hôm qua, nhưng tôi đã tìm được một thuật ngữ chính xác để giải thích cho những hành vi của bản thân, cũng như tìm kiếm cộng đồng phù hợp với mình.

Tôi nhìn lại quá khứ một lần nữa nhưng thông qua lăng kính khoan dung hơn, thấu hiểu hơn.

Những trải nghiệm đau thương mà tôi gặp phải trước đây là điều khó có thể tránh khỏi. Tôi đã bị bắt nạt và gạt ra rìa bởi những người tức giận khi tôi không thể giao tiếp như cách họ mong muốn.

Thực sự nội tâm tôi rất sâu sắc, mặc dù nét mặt hay âm độ giọng nói không mấy thay đổi. Thật tổn thương khi người đời gán tôi cái mác “vô cảm”.

Tôi chỉ tiếc rằng mình đã mất quá nhiều thời gian để thù ghét chính bản thân.

Trong quá trình trưởng thành, tôi đối xử với bản thân như cách mọi người làm với tôi: Tôi gọi bản thân là đồ xấu xa, lạnh lùng và kỳ quặc. Tôi nội tâm hóa những điều tồi tệ nhất về mình vì tôi tin vào chúng.

Giờ đây, tôi chỉ ước có khả năng nói với chính bản thân mình thời niên thiếu rằng tôi mắc chứng tự kỷ và điều đó không sao cả.

Nhóm kín dùng thuốc tẩy chữa tự kỷ, Covid-19 ở phương Tây

Sau một thời gian bị chặn hoạt động, các nhóm này tái xuất trên Internet và tiếp tục xúi giục mọi người dùng hóa chất để chữa bách bệnh.

Hồng Chang

Ảnh: Chris Bethell

Bạn có thể quan tâm