Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

29,35 điểm trượt ngành Y đa khoa: Mức cộng ưu tiên lợi bất cập hại

Theo tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, cộng điểm một cách máy móc như hiện nay là biện pháp vừa bất công vừa không mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác nhân sự.

Chủ đề 29,25 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Trong đó, điểm cộng ưu tiên khu vực và làm tròn điểm nhận được nhiều ý kiến nhất.  

Dưới góc nhìn của chuyên gia nhiều năm công tác trong ngành y, bác sĩ, tiến sĩ Võ Xuân Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật Thần Kinh Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đau TP.HCM - chia sẻ với Zing.vn bài viết về vấn đề này.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.

Chọn người phù hợp chứ không phải giỏi nhất

Bạn tôi rất ấm ức khi kể về con anh ấy. Khi chấm điểm xong, con anh đứng trong vài chục cháu hàng đầu của trường y, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm đó lên tới 400 sinh viên.

Anh tin chắc con mình sẽ được nối nghiệp cha, nhưng sau khi cộng điểm ưu tiên và chỉ tiêu cho đào tạo theo địa chỉ, cháu bị rớt. Để thực hiện ước mơ nối nghiệp cha, cháu phải qua Hungary học.

Trường hợp của cậu bé đó chắc chắn rất bất công nhưng không phải duy nhất trong thi tuyển đại học. Một bất công nữa là quy định làm tròn điểm. Chẳng hạn năm nay, một số thí sinh thi vào ĐH Y Dược TP.HCM đạt 29,35 điểm, nhưng làm tròn thành 29,25. Trong khi đó, những thí sinh khác chỉ đạt 29,15 cũng được làm tròn thành 29,25 điểm.

Thí sinh 29,35 trượt do không đạt tiêu chí phụ, trong khi em đạt 29,15 điểm lại có thể được tuyển. Nếu chúng ta quan niệm tuyển sinh là tuyển những người giỏi nhất để đào tạo thì đây thực sự là bất công.

Nhiều ý kiến cho rằng chưa chắc người có điểm thấp hơn học kém bạn có điểm cao hơn. Điều này hoàn toàn đúng. Điểm thi bị chi phối bởi những yếu tố ngoại lai trong thời điểm thi, không phản ánh quá trình. Nhưng khi chúng ta coi điểm thi là thước đo duy nhất, việc đánh giá giỏi, kém chỉ có thể dựa trên điểm thi thực, khi chưa được “xào nấu” lại mà thôi.

Cong diem uu tien khu vuc anh 1
Số thí sinh khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên) trúng tuyển ngành Y đa khoa của ba trường đại học rất thấp. Ảnh: Nguyễn Sương.

Bạn tôi từng là giám đốc một bệnh viện huyện ở tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Anh cho biết thời chúng tôi ra trường còn là bao cấp, bác sĩ phải thuận theo sự phân công.

Sau này, các bác sĩ tự xin việc, gần như không có ai chịu về huyện. Bệnh viện của anh ấy 15 năm không tuyển được một bác sĩ chính quy. Như vậy, việc ưu tiên đào tạo cho các cơ sở y tế vùng sâu, xa là cần thiết.

Nói như vậy có vẻ việc cộng vài điểm cho thí sinh vùng sâu, xa là đúng. Hoàn toàn không. Với cách tuyển sinh chỉ dựa duy nhất vào điểm thi như hiện nay, đó là sự bất công rất lớn.

Theo quy định, mức cộng đối với thí sinh khu vực 2 là 0,5 điểm, khu vực 2 nông thôn cộng và khu vực một cộng 1,5 điểm. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.

Thực tế, những thí sinh được cộng điểm ưu tiên không hẳn sẽ quay về phục vụ cho khu vực mà họ nhờ đó được ưu tiên. Ngoài ra, nếu vì công lao của cha mẹ, ông bà mà thí sinh được ưu tiên, việc tuyển sinh có vẻ giống như từ thiện hơn là tuyển những người giỏi nhất.

Về cơ bản, chúng ta phải có những thước đo khác ngoài điểm thi để tuyển được người phù hợp ngành nghề đào tạo. Chẳng hạn, một thí sinh y khoa chỉ đạt 24 điểm cho 3 môn Toán, Hóa, Sinh, nhưng thể hiện được kỹ năng giao tiếp, tham gia và được chứng nhận tốt trong các hoạt động từ thiện, có bài luận thể hiện được tính nhân văn và lòng trắc ẩn…, thì khả năng trở thành bác sĩ giỏi và có ích cho xã hội sẽ lớn hơn so với thí sinh đạt 30 điểm cho 3 môn, nhưng chỉ là một con “gà công nghiệp” không hơn không kém.

Để bảo đảm việc tuyển sinh công bằng, chúng ta phải từ bỏ khái niệm tuyển người giỏi nhất. Người giỏi nhất phải là mục tiêu của đào tạo, chuẩn đầu ra của các trường. Tuyển sinh đầu vào phải chọn người phù hợp nhất, khi đó mới đào tạo ra người giỏi nhất được.

Trường hợp thí sinh được coi là rất giỏi, nhưng không phù hợp, làm sao chúng ta có thể đào tạo ra người giỏi được? Và, như nói ở trên, giỏi trong vài môn thi cũng chưa chắc đã là giỏi thật.

Cộng điểm như hiện nay không hiệu quả

Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, chúng ta cần tách biệt việc tuyển sinh của các trường với việc giải quyết vấn đề nhân sự cho vùng sâu, xa. Bài toán nhân sự phải được giải bằng một biện pháp tổng thể, trong đó, tuyển sinh chỉ là phần rất nhỏ. Cộng điểm một cách máy móc như hiện nay là biện pháp vừa bất công, vừa không mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác nhân sự.

Đào tạo theo yêu cầu của địa phương là hướng đi đúng. Theo đó, từng địa phương chọn ra cho mình thí sinh phù hợp nhất, chắc chắn có thể quay về sau khi được đào tạo. Điều này không phụ thuộc việc họ là người dân tộc gì. Không ai có thể bảo đảm một bác sĩ người dân tộc thiểu số không về thành phố làm việc. Cũng không thể mặc định rằng một bác sĩ người kinh sẽ không ở lại phục vụ cho địa phương vùng sâu, xa.

Việc giúp cho những đối tượng trên có cơ hội được đào tạo ngang với những người khác là tất yếu. Vấn đề là giúp cho họ nhưng vẫn phải làm sao không ảnh hưởng sự công bằng xã hội, đồng thời, phải bảo đảm chất lượng đầu ra.

Biện pháp ưu tiên nhưng vẫn bảo đảm được những yêu cầu trên là bồi dưỡng cho họ đủ chất lượng đầu vào và trở thành người phù hợp với ngành được tuyển sinh, bằng các lớp dự bị 1, 2 hoặc 3 năm… rồi mới bắt đầu đưa vào đào tạo chính quy.

Đại diện Bộ GD&ĐT nói về điểm ưu tiên Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay là cần thiết để đảm bảo công bằng.

Nghịch lý 30 điểm trượt đại học: Đề thi phân hóa không tốt

Nhiều giáo viên và học sinh đồng tình với quan điểm khởi đầu của câu chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học là do đề thi dễ hơn các năm, không phân loại được thí sinh.


TS.BS Võ Xuân Sơn

Bạn có thể quan tâm