> Điểm chuẩn 2016 của 166 trường đại học
Những ngày qua, câu chuyện điểm chuẩn trường Y tăng cao kỷ lục cùng một số thí sinh khu vực 3 trượt đại học top trên vì kém điểm ưu tiên và tiêu chí phụ khiến nhiều người băn khoăn về chính sách ưu tiên khu vực.
Theo quy định, mức cộng đối với thí sinh khu vực 2 là 0,5 điểm, khu vực 2 nông thôn cộng và khu vực một cộng 1,5 điểm. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên nhiều năm gắn bó với công tác luyện thi đại học, cho rằng chính sách này tốt nhưng nên giảm số điểm cộng khu vực còn một nửa để tạo sự công bằng.
Trên thực tế, số lượng thí sinh thuộc khu vực 3 trúng tuyển vào các trường Y khá thấp và có xu hướng giảm dần khi điểm chuẩn tăng.
5% thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực đỗ ngành Y đa khoa
Theo danh sách trúng tuyển ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, 476 thí sinh đỗ ngành "hot" này, với điểm chuẩn là 29,25. Trong đó, số thí sinh ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) là 24 em, chiếm 5%. 21 thí sinh (chiếm 4,4%) không được cộng cả điểm ưu tiên đối tượng lẫn khu vực.
Điểm của những thí sinh này dao động từ 26,5 đến 29,75. Nếu trừ trường hợp một thí sinh được cộng 3 điểm khuyến khích, điểm thấp nhất của thí sinh khu vực 3 trúng tuyển ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 29,1 (được cộng điểm ưu tiên đối tượng).
Số thí sinh khu vực 3 trúng tuyển ngành Y đa khoa của ba trường đại học rất thấp. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Phần lớn trường hợp không được cộng điểm ưu tiên khu vực phải đạt từ 29,2 điểm trở lên theo quy định xét tiêu chí phụ của trường. Cũng vì thế, một nam sinh ở Hà Nội không trúng tuyển vì thiếu 0,05 điểm, dù điểm của em cao hơn phần lớn thí sinh khác.
Cũng theo danh sách trúng tuyển của ĐH Y Hà Nội, số thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực đỗ ngành Y đa khoa là 452 (trên tổng số 476 em). Đặc biệt, 51 thí sinh được cộng đến 3,5 điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, chiếm 10,7%.
Kém mức chuẩn 3,25 điểm vẫn trúng tuyển vì có điểm ưu tiên
Tại ĐH Y Dược TP.HCM, 32 trong số 404 thí sinh trúng tuyển ngành Y đa khoa thuộc khu vực 3, chiếm 7,9%. Mức điểm của những em này dao động từ 28,15 đến 30 (thí sinh được cộng điểm ưu tiên đối tượng). Điểm chuẩn vào ngành là 29,25.
28 em (6,9%) không được cộng điểm ưu tiên. Điểm xét tuyển chưa làm tròn của các em đạt ít nhất 29,15 điểm.
Số thí sinh trúng tuyển vào ngành được cộng 3,5 điểm ưu tiên là 7 em, chiếm 1,7%.
“Năm nay, đề thi có tính phân loại yếu, học sinh được cộng từ 0,5 đến 3,5 điểm, ảnh hưởng rất nhiều đến xét tuyển. Em đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét việc cộng điểm và tính phân loại của đề thi, để điểm thi càng cao, cộng điểm càng ít.
Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này, em nghĩ từ 5-10 năm nữa sẽ không có bác sĩ, luật sư, công an là người Hà Nội”, một học sinh nêu quan điểm.
Năm nay, ĐH Y Dược Hải Phòng lấy điểm chuẩn 27 cho ngành Y đa khoa và có 469 thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh ở khu vực 3 là 56, chiếm 11,9%. Những em này cũng không được cộng điểm ưu tiên đối tượng và đạt tổng điểm 3 môn từ 27 đến 29,25 điểm.
5 thí sinh được cộng 3,5 điểm ưu tiên. Đặc biệt, hai trường hợp chỉ đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển là 23,75, thấp hơn điểm chuẩn vào ngành khá nhiều, vẫn trúng tuyển nhờ có điểm ưu tiên.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, điểm trúng tuyển khối Y Dược, đặc biệt ngành Y đa khoa tăng cao kỷ lục càng bộc lộ những bất cập trong quy định cộng điểm hiện nay.
Việc cộng điểm ưu tiên khiến nhiều thí sinh khu vực 3 mất cơ hội học ở những trường Y Dược top trên và buộc phải “di cư” đến những trường Y lấy điểm chuẩn thấp hơn hoặc chuyển qua học ngành khác.
“Nếu vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành Y đa khoa. Có thể thấy một làn sóng ‘di cư’ hiện tại: Học sinh Hà Nội về Thái Bình, Hải Phòng học Y, còn học sinh Thái Bình, Hải Phòng về Hà Nội học Y”, thầy Vũ Khắc Ngọc nêu ý kiến.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cách đây 2 năm, khi vấn đề điểm ưu tiên gây tranh cãi trong dư luận, Bộ GD&ĐT đã chủ động tổ chức cuộc họp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để nhìn nhận, đánh giá. Cuối cùng, tất cả ý kiến toàn diện nhất đều đưa đến kết luận chưa bỏ được điểm ưu tiên.
Tuy nhiên, không phải điểm ưu tiên sẽ giữ nguyên trong các thời kỳ. Bộ GD&ĐT đang lắng nghe ý kiến để sẽ có những nghiên cứu sâu hơn qua những khảo sát, thống kê về chỉ số chênh lệch điều kiện vùng miền trong học tập, nhằm mục đích xác định điểm ưu tiên sao cho phù hợp.