Bất cứ ai thực hiện được “cú nhảy” mang tên du học cũng đều đáng được ngưỡng mộ. Thế nhưng, cuộc sống du học vẫn còn rất nhiều gian nan ở phía trước.
Thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số khiến việc sống xa nhà nói chung và du học nói riêng của các bạn trẻ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế có như bạn tưởng tượng?
Sống xa nhà trong thời kỳ công nghệ số, dễ ợt?
Kiều Thanh, du học sinh ngành truyền thông tại Anh, thú nhận rằng kể từ khi quyết định du học, cô dành cả năm trời để tìm hiểu về đất nước mình sẽ sinh sống và học tập. Dù tìm hiểu kỹ đến đâu, cô cũng không thể né được “virus cô đơn”.
Thường xuyên "video call" với gia đình, bạn bè nhưng bệnh nhớ nhà của cô nàng vẫn nhiều lúc nổi dậy. “Đôi khi mình bị lạc đường, nói mãi mà người khác không hiểu mình nói gì, bất đồng ý kiến với bạn cùng nhóm... rồi nhiều tình huống dở khóc dở cười nữa. Xa nhà mà, những lúc đó thường rất tủi thân", Thanh chia sẻ.
|
Dù mạnh mẽ đến đâu, du học sinh nào cũng dễ bị “virus cô đơn”, “virus nhớ nhà” ghé thăm. |
Trải qua những ngày tháng ốm đau không dám báo cáo với phụ huynh, những bữa ăn chỉ làm bạn với chiếc bánh mỳ nguội ngắt, ngày đêm cày cuốc học hành để theo kịp trường lớp hay những ngày lễ trôi qua mà không chút đoái hoài, trường hợp của Thanh vẫn còn khá hơn nhiều so với muôn vàn câu chuyện ở ngoài kia. Có những người trẻ năng động, mang đầy hoài bão khi ở Việt Nam, sau vài tháng lạc lõng trên đất người bỗng hoài nghi về chính con đường mình đã chọn, cạn dần lý tưởng và phải từ bỏ việc học để trở về.
“Đừng nghĩ đến việc du học nếu bạn chưa thể tự vượt qua được nỗi cô đơn” là kết luận của nhiều cựu du học sinh. Vậy nên, nếu đang lên kế hoạch du học trong tương lai, thay vì tưởng tượng một cuộc sống màu hồng sẽ đón tiếp bạn ngay từ sân bay, hãy thức tỉnh để trang bị cho mình thêm sức đề kháng tiêu diệt “virus cô đơn” ngay từ bây giờ.
Kiều Thanh cho biết du học sinh ở cùng người thân sẽ bớt bơ vơ trong những ngày đầu. Vậy, bạn đến một đất nước hoàn toàn không quen biết thì sao?
Kinh nghiệm của Nam Khánh - cựu du học sinh ĐH Victoria Wellington - là lựa chọn quốc gia có văn hoá cởi mở và thân thiện với du học sinh. Mỗi trường học ở New Zealand đều có một phòng ban chuyên chăm sóc học sinh quốc tế lúc mới qua, bao gồm cả việc đón tận sân bay, sắp xếp nơi ở, những lớp học kỹ năng để làm quen môi trường mới và tham gia hoạt động cộng đồng ở đây.
Nam Khánh kể lại: "Mình đáp máy bay tới New Zealand lúc khoảng 2h. Mình cứ nghĩ cả nhóm sẽ phải tự đi từ sân bay về trung tâm, vì trước khi sang mình có đăng ký đón tại sân bay nhưng không nhận được thư phản hồi. Khá bất ngờ khi mình thấy học sinh của trường đến đón, trên tay cầm túi vải gồm những đồ cần thiết để tụi mình hiểu về đất nước, cũng như phòng thân. Khi về đến ký túc xá, chúng mình cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ những nhân viên ở đây”.
Vừa học vừa làm, bạn có "cân" được hết?
Đi làm thêm là trải nghiệm thú vị trong cuộc sống của du học sinh. Công việc làm thêm cho bạn cả kinh nghiệm lẫn khoản tiền để trang trải phần nào cuộc sống. Tuy nhiên, cân bằng giữa làm thêm với thời gian lên lớp, thư viện để tự học, tự nghiên cứu là điều không dễ dàng.
Nhật Linh - du học sinh Hàn Quốc - cho hay cô sang Hàn được nửa năm, ban đầu háo hức, nhưng khi đi học và làm, mới thấy "đời không như mơ". "Lịch học kín mít, chỗ nào mình cũng lăn ra ngủ gật được. Mình có nhiều người bạn đi du học nợ chồng chất, chán nản vì thất nghiệp. Không ít bạn đi học chẳng được chữ nào vào đầu, thấy tương lai mù mịt, không có tiền mua vé trở về nhà", Linh chia sẻ.
Đặc biệt, với những gia đình không có điều kiện, mang khoản nợ trên vai để đầu tư cho du học, hàng ngày đi chợ cầm mớ rau nhỏ giá 60.000 đồng trên tay mà vẫn không thôi sốc… Chính vì áp lực tài chính mà khi kiếm được công việc làm thêm, nhiều người đã lao vào làm việc mà quên mất mục đích chính của mình là học tập.
|
Việc làm thêm là trải nghiệm tốt hay không phụ thuộc nhiều vào cách cân bằng thời gian của mỗi người.
|
Nếu đã xác định du học, việc học là chính, bạn sẽ chẳng thể có thời gian làm thêm quá nhiều. Ví dụ như ở New Zealand, bạn đi học sẽ có điểm danh, vắng quá giờ quy định sẽ bị đuổi học. Chính phủ quy định sinh viên chỉ đi làm tối đa 20 giờ/tuần. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi lao động cho sinh viên làm thêm, vừa giới hạn thời gian để bạn đảm bảo chất lượng học tập", Lê Tâm, du học sinh tại New Zealand, cho biết.
Đồng tình với những quan điểm trên, Hoàng Thương, du học sinh tại Nhật, cũng khuyên du học sinh nên tính toán thời gian hợp lý cho việc học, làm thêm, nghỉ ngơi.
"Không có công việc nào nhẹ như chơi. Cách học ở nước ngoài thoải mái, không ai đốc thúc khiến nhiều bạn nhầm tưởng mình nhiều thời gian rảnh, vô tư đi làm thêm kiếm tiền. Từ đó, việc học chểnh mảng, ảnh hưởng kết quả học tập", Thương nói.
Đừng đợi nước đến chân mới nhảy
Theo Lê Tâm, sự khác biệt giữa phương pháp học tập, cách dạy và học ở nước ngoài so với Việt Nam khiến du học sinh có cảm giác mình không bị áp lực về bài vở, dễ dẫn đến suy nghĩ chủ quan. Sinh viên Việt dễ dàng vượt qua những bài tập cơ bản của giảng viên nhưng thường gặp khó ở bài luận cuối kỳ, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài.
"Các bạn thường vượt qua bài vở dễ dàng nhưng khó đạt điểm A. Những bài luận sẽ là thử thách gay go. Bởi ở nước ngoài, ngoài giờ lên lớp, sinh viên phải biết chủ động tìm tòi kiến thức bằng nhiều cách. Trong khi đó, cách học của học sinh Việt Nam thường đợi đến khi có thi cử mới ôn tập, nước đến chân mới nhảy, nên thường không đạt điểm cao ở những bài tập dài hơi", Lê Tâm nói.
Khi du học, yếu tố tự học luôn được đặt lên hàng đầu. Không ai yêu cầu bạn phải thức bao lâu để làm bài, lên thư viện bao nhiêu giờ hay làm bài tập nhóm với ai. Chính vì thế, ngay từ đầu, du học sinh phải ý thức và thường xuyên nhắc nhở chính mình tự học nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, du học sinh cũng không nên quá lo lắng bởi thông thường các trường đại học sẽ có những buổi chia sẻ về phương pháp học tập, gặp gỡ giảng viên để người mới nắm rõ chương trình, cách học ở trường.
Lê Tâm cho biết các trường đại học ở New Zealand có dịch vụ hỗ trợ sinh viên rất tốt. Một khi cần giúp đỡ về kỹ năng học thuật, bạn có thể tìm đến "Student Learning Center". Trung tâm này sẽ giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng như ghi chú trên lớp, đọc sách giáo khoa, các bài nghiên cứu khoa học, cách viết tiểu luận, cách trích dẫn, thuyết trình, phương pháp phân tích đề bài tiểu luận...
Đáng kể nhất là dịch vụ dò bài giúp sinh viên trước khi nộp cho giảng viên để đảm bảo bài viết không sai lỗi chính tả, văn phạm, câu cú rõ nghĩa và cấu trúc chặt chẽ. Tất cả dịch vụ này đều miễn phí, sinh viên có thể chọn được tư vấn bởi chuyên gia của trường hoặc "tiền bối" giỏi đã hoàn thành môn học tương tự trước đó.
|
Dễ dàng trao đổi với giáo viên là một trong những lợi thế của du học sinh ở New Zealand. |
“Thêm vào đó, các giảng viên luôn sẵn sàng trao đổi, lắng nghe và giúp đỡ sinh viên tốt nhất có thể. Điều này có thể giúp sinh viên quốc tế dần thích nghi với môi trường và phương pháp học tập mới", Lê Tâm thông tin thêm.
“Bước nhảy” du học mang đến cho bạn một chân trời cơ hội nhưng đi kèm đó là muôn vàn thử thách. Lựa chọn du học nghĩa là bạn chấp nhận cuộc sống tự lập và sẵn sàng va chạm với những tư tưởng, phong cách sống khác nhau. Vì vậy, du học sinh đừng bao giờ quên mục tiêu chính của mình là việc học để có ý thức và thái độ tích cực hơn.
New Zealand hiện là quốc gia sở hữu nền giáo dục đẳng cấp thế giới:
- Quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.
- Cả 8 trường đại học đều nằm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới.
- Cơ hội visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.
Thông tin về giáo dục New Zealand, độc giả tìm hiểu thêm tại đây.