Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị và Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến sáng 25/4, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị 47 người mắc Covid-19, trong đó, 3 ca bệnh có sức khỏe diễn biến nặng.
Bệnh nhân số 2765 từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8859 ngày 7/4 và được cách ly ngay. Ngày 15/4, bệnh nhân nhập viện do bị sốt 39 độ C, đã dùng hạ sốt. Sau đó, đến 18h ngày 21/4, người này tái sốt, khó thở khi gắng sức, tức ngực, mệt nhiều. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, còn ho, tức ngực, khó thở khi gắng sức.
Bệnh nhân 2781 từ Romania nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN068 ngày 15/4 và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 một ngày sau đó. Người này nhập viện lúc 17h50 ngày 16/4 trong tình trạng tỉnh, không sốt nhưng khó thở khi gắng sức, ho nhiều, đau họng, mệt.
Ngày 23-24/4, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, khó thở khi gắng sức, còn ho, tức ngực, đỡ đi đại tiện, kết quả X-quang phổi tiếp tục tiến triển xấu hơn. Hiện, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát để đề phòng các diễn biến xấu.
Người thứ ba có sức khỏe diễn biến nặng là bệnh nhân 2815, từ Nga về, nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN 5062 vào ngày 21/4. Tối cùng ngày, người này có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
8h ngày 22/4, bệnh nhân bị sốt 39 độ C, khó thở khi gắng sức, ho nhiều, đau rát họng, người mệt, ăn kém. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy hình ảnh mờ đáy phổi.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, còn ho nhiều, tức ngực ít, cảm giác đỡ mệt hơn, X-quang phổi vẫn còn mờ đáy phổi. Bệnh nhân tiếp tục được bù điện giải, giảm ho, thở oxy kính.
Ba trường hợp này đều là những người khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền kèm theo, nhưng khi mắc Covid-19, tình trạng diễn biến nhanh.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Trước đó, Hội đồng chuyên môn do Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng, thống nhất tất cả người có dấu hiệu khó thở, thở gắng sức đều phải coi là bệnh nhân nặng để theo dõi và phòng ngừa kịp thời, hạn chế tình trạng nặng lên, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Ngoài ra, một tin vui từ Tiểu ban điều trị là bệnh nhân 1823 nằm tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khoảng 70 ngày đã có tiến triển tích cực. Bệnh nhân đã rút nội khí quản, tự thở. Hiện, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc và phục hồi vận động.
Người này là F1 của ca bệnh 1725, được Bộ Y tế công bố dương tính SARS-CoV-2 hôm 1/2. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Đến giữa tháng 2, bệnh nhân phải can thiệp ECMO do tình trạng nặng.
Trước tình hình dịch các nước trong khu vực phức tạp, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị, đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là thực hiện đeo khẩu trang và sát khuẩn tay - yếu tố quyết định để làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi xảy ra lây nhiễm tại cộng đồng.
Tất cả cơ sở y tế phải xác định có thể phát hiện ca lây nhiễm trong khu vực để tầm soát, rà soát lại và có kịch bản cho tình huống dịch lây nhiễm trong cộng đồng và ngay trong đơn vị của mình.
Khi có ca bệnh diễn biến phức tạp, các đơn vị phải kết nối với Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19, để Hội đồng chuyên môn có sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng và nguy cơ tử vong.